Các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường ngày 31/10. |
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng, qua hoạt động giám sát cho thấy công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 được triển khai và đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực và sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế trong giai đoạn vừa qua, công tác này đã và đang triển khai theo tinh thần của các Nghị quyết của Đảng đã đạt được những kết quả tích cực. Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá đây là một thành tựu và là một kết quả nổi bật nhất trong giai đoạn vừa qua.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2021 biên chế công chức giảm 10,01%, viên chức, giảm 11,12% so với năm 2015 và vượt mục tiêu các nghị quyết của Đảng đề ra.
Tinh giản đi đôi với nâng cao chất lượng
Tuy nhiên, theo đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) từ tình hình thực tiễn của địa phương cho thấy, công tác này vẫn còn có những hạn chế, khó khăn nhất định như việc tinh giản tinh chế chủ yếu là giảm cơ học về số lượng, chưa thực sự gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức.
Vì vậy, đại biểu mong muốn Chính phủ xem xét, nghiên cứu điều chỉnh lộ trình, phương án cắt giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách phù hợp, linh hoạt và hiệu quả hơn, trong đó cần gắn với tình hình thực tiễn của từng địa phương trong từng năm và đảm bảo mục tiêu đủ số lượng để làm việc và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. |
Cùng chung nhận định, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, công tác tinh giản biên chế còn chưa thật sự đạt được hiệu lực thực tế. Chủ trương tinh giản là đúng, tuy nhiên hiện nay, việc tinh giản được thực hiện theo các chỉ tiêu cơ học, không đảm bảo được chất lượng thực chất.
Mặt khác, hiện nay, nhân lực trong khu vực công có dấu hiệu già hóa, môi trường nhà nước, chưa thực sự hấp dẫn đối với người trẻ, chưa xây dựng được môi trường lý tưởng cung cấp nhiều cơ hội phát triển.
Từ cơ sở trên, đại biểu đề nghị cần đưa vào Nghị quyết của Quốc hội nội dung liên quan đến quản lý nguồn nhân lực nói chung, trong đó đặc biệt là các chính sách thu hút sử dụng nhân tài trong bộ máy nhà nước nói chung, theo đúng tinh thần nhân tài là nguyên khí quốc gia.
Cụ thể, đại biểu cho rằng cần tạo môi trường, cơ chế để tôn vinh, sử dụng đúng người tài. Trong cải cách tiền lương cần tính tới những nguồn để tiếp tục bồi dưỡng, tạo động lực cho người tài tham gia cống hiến cho Tổ quốc.
Năng suất thấp là do quy trình, thủ tục còn rườm rà
Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh) đánh giá cao Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; ghi nhận báo cáo đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế với những minh chứng số liệu thuyết phục, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, “Không chỉ đúng nguyên nhân của bệnh thì không thể kê đơn thuốc chính xác và cũng không thể trị bệnh”.
Đại biểu phân tích, trong tinh giản bộ máy giảm biên chế, hoạt động này xuất phát từ việc chúng ta giả định thể chế bộ máy nhà nước chúng ta đang đi đúng quỹ đạo và các quy trình thủ tục chính xác nhưng năng suất lao động của chúng ta đang thấp.
Đại biểu Bế Trung Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh phát biểu tại hội trường. |
Theo đại biểu giả định trên thiếu thuyết phục. Đại biểu cho rằng, giảm biên chế, tinh giản bộ máy không thể là cứu cánh cho việc nâng cao hiệu suất làm việc của bộ máy, tăng năng suất lao động như chúng ta đang kỳ vọng. Đại biểu chia sẻ, chính vì dùng thuật ngữ năng suất lao động thấp khiến cho mọi con mắt đổ dồn đến năng lực, hiệu suất, thái độ làm việc của lao động trong phần đông cán bộ công chức, viên chức. Điều này khiến họ rất khổ tâm, thiếu tự tin.
Dẫn lại lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại biểu Bế Trung Anh nêu rõ giáo dục và y tế của chúng ta không thấp như chúng ta nghĩ. Các cháu sinh viên tham dự các kỳ thi luôn đặt tính thành tích cao trong khu vực và thế giới. Các công nhân của chúng ta thi tay nghề luôn đạt các giải đặc biệt.
Đại biểu chia sẻ, trong thời gian qua đội ngũ cán bộ nhà giáo, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thực sự khó khăn khi thiếu giáo viên. Hay đội ngũ y bác sĩ bỏ việc, thậm chí chưa bỏ việc cũng đã phải làm từ sáng đến tối mà chưa thực hiện hết công việc của mình.
Đại biểu Bế Trung Anh cho rằng còn một sự thật nữa nên mổ xẻ để có được nhận định chính xác hơn. Đó là quy trình, thủ tục còn rườm rà, nhiều nội dung không còn phù hợp. Vì điều này mà năng suất lao động của chúng ta thấp, rất thấp.
Các con số về năng suất lao động hàng năm cho thấy một dự báo rằng sẽ không bao giờ chúng ta đuổi kịp được các nước ở trong khu vực. Điều này càng chứng tỏ giải pháp tăng năng suất lao động hiện nay chưa đi vào trọng tâm của vấn đề, đại biểu chỉ rõ.
Từ dẫn chứng trên, đại biểu Bế Trung Anh nêu rõ, chất lượng nguồn nhân lực có thể là điều kiện cần nhưng điều kiện đủ phải là quy trình và thủ tục. Nếu nhận định sai nguyên nhân cũng là một lãng phí, lãng phí này là lãng phí cơ hội, lãng phí đầu tư.
Theo đại biểu, nguyên nhân cho toàn bộ hạn chế là "việc chấp hành luật pháp còn chưa nghiêm". Đại biểu kiến nghị tìm chính xác các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế; nên cải cách thể chế theo định hướng tăng năng suất chịu trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và không nên lãng phí luật.