Một người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Phủ Tây Hồ ngày 30/8. (Nguồn: Lao động) |
Những ngày này, nhiều gia đình Việt Nam đang tất bật chuẩn bị cúng rằm tháng Bảy âm lịch, quãng thời gian mà tín ngưỡng dân gian một số vùng thường gọi là tháng “cô hồn”. Nhiều người cho rằng trong tháng này, họ dễ gặp phải nhiều điều không may mắn; những việc trọng đại đều nên tránh.
Với Phật giáo, lễ rằm tháng Bảy âm lịch là lễ Vu lan, hay lễ báo hiếu, là dịp để mọi người tưởng nhớ, bày tỏ lòng thành với bậc sinh thành đã khuất. Tôn chỉ của hoạt động này phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta và vì thế, nó đã trở thành một phần quan trọng với người Việt Nam mỗi đợt tháng Bảy âm lịch về. Chính vì thế, cứ mỗi đợt tháng Bảy âm lịch, đặc biệt là vào dịp rằm, nhiều người Việt thường hành thiện tích đức và đi chùa cầu an, tưởng nhớ đến vong linh người đã khuất.
Tuy nhiên, tháng Bảy âm lịch năm nay đến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khi các ca bệnh bùng phát mạnh tại Đà Nẵng và lan đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo tăng cao trong dịp tháng Bảy âm lịch khiến nhiều người dân tiến hành tụ tập, lễ bái đông người tại chùa, đền, làm gia tăng nguy cơ bùng phát và lây lan Covid-19.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khuyến cáo người dân không nên tụ tập lễ bái đông người. Tuy nhiên, trước tình hình nhiều người dân vẫn đi chùa cầu an, chính quyền địa phương đã phải vào cuộc – mới đây, ngày 19/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn cho biết đã chỉ đạo phường Quảng An tạm đóng cửa phủ Tây Hồ nhằm hạn chế đông người, đồng thời khẳng định nếu số lượng người tiếp tục đông thì quận sẽ chỉ đạo không mở cửa phủ.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên trong đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp mạnh như vậy. Ngay khi dịch bùng phát tại Việt Nam và có dấu hiệu lan rộng, Chính phủ đã tiến hành đề nghị tạm dừng các hoạt động, nghi lễ tôn giáo lớn tụ tập đông người. Song liệu điều này có đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân?
Người dân ủng hộ
Câu trả lời là có. Minh chứng rõ nét nhất cho câu trả lời ấy chính sự nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ của người dân với những thay đổi được Chính phủ và Giáo hội Phật giáo công bố. Ngày 30/8, Chủ nhật cuối tuần trước khi cúng rằm tháng Bảy âm lịch, song số lượng người đến cúng bái tại các chùa, phủ lớn trên địa bàn Hà Nội như Phủ Tây Hồ, Chùa Hà, Chùa Trấn Quốc là ít so với các năm trước. Thay vào đó, các hoạt động tôn giáo được tiến hành dưới hình thức nhỏ hơn như tụng kinh, cầu siêu nội bộ, thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tại gia.
Đáng mừng hơn, hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hội, nhiều tăng ni, Phật tử đã thể hiện tinh thần tri ân, báo hiếu trong mùa Vu Lan năm nay thông qua ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid-19, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Mọi tôn giáo đều hướng con người ta làm việc thiện, tích đức, đóng góp cho xã hội và đất nước. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng, đóng góp, hành thiện, tích đức chính là thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của công dân, chấp hành nghiêm chỉnh quy định do Chính phủ ban hành, ngăn ngừa đại dịch bùng phát lây lan trong cộng đồng, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, bộ phận yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch.
Khung cảnh vắng lặng tại chùa Hà vào ngày 30/8. (Nguồn: Lao động) |
Chính phủ hết mình
Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của mình. Cụ thể, theo Điều 24, Chương II Hiến pháp năm 2013, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền con người, quyền công dân, quyền hiến định tại Việt Nam. Quyền này được quy định cụ thể ở Đièu 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, theo đó quyền tự do thực hành tôn giáo, tham gia các sinh hoạt tôn giáo của những người có tôn giáo đặc biệt được tôn trọng và bảo đảm.
Tuy nhiên, theo Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013, trong những trường hợp đặc biệt, quyền này cũng như các quyền con người, công dân khác sẽ bị hạn chế nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Đáng chú ý, quy định này là phù hợp với Khoản 3, Điều 18, Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người năm 1966 (ICCPR 1966): “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo và tín ngưỡng chỉ có thể hạn chế bởi pháp luật và khi sự hạn chế đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.
Quan trọng hơn, các chính sách về tín ngưỡng tôn giáo của Nhà nước trong đại dịch Covid-19 đã tuân thủ đúng khuyến nghị cụ thể của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về thực hành tín ngưỡng, tôn giáo từ xa, sử dụng công nghệ, thực hành nghi lễ, chôn cất an toàn, liên kết cộng đồng, ứng phó với các tình huống bạo lực gia đình, giúp đỡ người khác, cầu nguyện cho người bệnh bằng thông điệp về sự hy vọng và an ủi…
Như vậy, các chính sách bảo đảm tín ngưỡng, tự do tôn giáo của Nhà nước Việt Nam trong đại dịch Covid-19 là hợp hiến, đảm bảo quyền con người và quyền công dân; tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong luật pháp quốc tế, điều ước quốc tế đã ký kết và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân như trong Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng 75 năm về trước.