📞

Ký kết EVFTA và EVIPA: Cơ hội, thách thức nào đang chờ Việt Nam?

18:32 | 29/06/2019
Các chuyên gia cho rằng, EVFTA và EVIPA có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, song cũng tạo không ít thách thức.    
Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. (Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Việt Nam và EU đã bắt đầu chuẩn bị các thỏa thuận về thương mại tự do và bảo hộ đầu tư vào năm 2012 và quá trình này sắp hoàn tất. Theo Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam và EU sẽ ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) vào ngày 30/6 tại Hà Nội, sau khi Hội đồng châu Âu chính thức chấp thuận hai hiệp định này.

Theo đó, EVFTA sẽ có hiệu lực trước tiên, sau khi được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn, còn EVIPA sẽ có hiệu lực sau, sau khi được 28 quốc gia thành viên EU phê chuẩn. Hai văn kiện này sẽ giúp mở rộng cửa cho Việt Nam tiếp cận thị trường có hơn 500 triệu dân, với tổng GDP 18,8 nghìn tỷ USD, tương đương 22% GDP toàn cầu.

Cơ hội tăng xuất khẩu, hút đầu tư từ EU

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore đánh giá, đối với Việt Nam, cả EVFTA và EVIPA đều nằm trong mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế mà Chính phủ đề ra. Cho tới nay, Việt Nam đã ký hơn 10 hiệp định tự do song phương, nhưng EVFTA rất quan trọng vì EU là một thị trường rất lớn của Việt Nam, bên cạnh các thị trường như Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra, EU cũng là đối tác mà Việt Nam coi trọng trong việc thúc đẩy chính sách đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá. Mặt khác, EU trong vai trò một khối thống nhất cũng là một nhân tố quan trọng trên trường quốc tế.

Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, EU gồm có các quốc gia lớn và chủ chốt như Pháp và Đức - hai đối tác vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. “EVFTA và EVIPA không chỉ mang lại cho Việt Nam các cơ hội kinh tế để tăng trưởng xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư từ EU, mà còn giúp củng cố mối quan hệ giữa Việt Nam với toàn bộ khối EU nói chung và với từng quốc gia thành viên EU nói riêng”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Chuyên gia này đánh giá, EVFTA là một trong những hiệp định đầu tiên thuộc dạng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chất lượng cao. Tức là nó không chỉ bao gồm các vấn đề thương mại, mà nó còn liên quan tới các vấn đề về đầu tư, quản trị, bảo vệ quyền lợi người lao động, bảo vệ môi trường… Việt Nam rất có thiện chí và sẽ cố gắng thực hiện các cam kết đã đề ra.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN, sau Singapore, với kim ngạch trao đổi hàng hoá song phương 49,3 tỷ Euro và kim ngạch dịch vụ khoảng 3 tỷ Euro. Mặc dù ngày càng có nhiều công ty châu Âu nhìn nhận Việt Nam như một trung tâm đầu tư kinh doanh đầy hứa hẹn ở khu vực sông Mekong, song tổng mức đầu tư từ EU vào Việt Nam còn khá khiêm tốn, với khoảng 6 tỷ Euro năm 2017.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào thị trường EU lâu nay là thiết bị viễn thông, giày dép, dệt may, hàng nội thất và nông sản. Trong khi đó, hàng hóa xuất khẩu chủ lực của EU vào Việt Nam là máy móc, thiết bị vận tải, hoá chất, thực phẩm, đồ uống…

Ông Hiệp đánh giá, nhờ các các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA, kinh tế Việt Nam sẽ chứng kiến đà phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới

Thách thức tuân thủ “luật chơi” quốc tế

Chuyên gia hàng đầu của Nga về kinh tế Việt Nam, Giáo sư Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đánh giá rằng, các hiệp định trên có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, song nó cũng tạo ra không ít thách thức.

Trả lời phỏng vấn đài Sputnik mới đây, Giáo sư Vladimir Mazyrin cho rằng, ngoài các cơ hội thương mại được quy định theo khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các hiệp định trên cũng mở ra nhiều cơ hội khác. Nếu so sánh với hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký năm 2016 với Nga và các nước khác trong Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), thì EVFTA và EVIPA có yêu cầu nghiêm ngặt hơn, đồng nghĩa với việc Việt Nam phải mở rộng tất cả cánh cửa.

“Hai thỏa thuận có thể đưa tới những thách thức cho Việt Nam. Chẳng hạn, EVFTA và EVIPA có điều khoản quy định rằng, tranh chấp giữa các chủ thể kinh doanh, tức là giữa phía Việt Nam và các công ty nước ngoài, phải được giải quyết tại tòa án trọng tài đặc biệt chứ không phải theo luật pháp của nước sở tại.

Nói cách khác, Việt Nam đang bị áp đặt các quy tắc của luật pháp quốc tế, vốn không phải lúc nào cũng phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam. Trong thỏa thuận giữa Việt Nam và EAEU không có điều khoản như vậy. Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EAEU, các tranh chấp phải được giải quyết theo luật pháp của các quốc gia EAEU hoặc Việt Nam, tùy theo nơi thu hút đầu tư”, ông Vladimir Mazyrin dẫn chứng.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp phân tích, thông tin trên được đón nhận một cách tích cực vì đó là kỳ vọng kinh tế. Đây cũng là đường hướng thay đổi mà Việt Nam phải nhắm tới một khi bước vào EVFTA.

“Cũng do các quy định của EVFTA, Việt Nam sẽ phải tiến hành một số cải cách trong nước, đặc biệt là vấn đề quyền của người lao động, bên cạnh những cải cách liên quan tới mua sắm công và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Các cải cách này được kỳ vọng sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao nền kinh tế và giúp bộ máy chính quyền vận hành hiệu quả và minh bạch hơn”, ông Hiệp nhận định.

(theo TTXVN)