|
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường (trái) đón Ngoại trưởng John Kerry. (Ảnh: TTXVN) |
Tham dự buổi lễ có khoảng 300 quan khách gồm các nghị sỹ Quốc hội, quan chức các bộ ngành của chính quyền, lãnh đạo các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, những người bạn Mỹ, các thành viên đoàn đàm phán của Mỹ về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các nhà ngoại giao các nước tham dự đàm phán TPP. Trong số những chính khách Mỹ tham dự buổi lễ có Ngoại trưởng John Kerry và Thượng nghị sỹ John McCain, hai chính khách đi đầu trong nỗ lực vận động bãi bỏ cấm vận Việt Nam năm 1994. Có mặt trong buổi lễ còn có các nghị sỹ có uy tín và nhiều năm ủng hộ quan hệ Mỹ-Việt như Chủ tịch thường trực Thượng viện, Thượng nghị sỹ Patrick Leahy; Thượng nghị sỹ Tom Harkin; Thượng nghị sỹ John Isakson; Thượng nghị sỹ Mark Prayor; Thượng nghị sỹ Jeff Flake; Hạ nghị sỹ Kurt Schrader và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel...Phía Việt Nam tham dự buổi lễ, ngoài đông đảo cán bộ Đại sứ quán cùng các cơ quan đại diện Việt Nam tại thủ đô Washington còn có sự hiện diện của Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.Cựu Tổng thống Bill Clinton, người ký quyết định bãi bỏ cấm vận Việt Nam năm 1994 và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã gửi thư và video clip chào mừng buổi lễ long trọng này, chúc cho quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam tiếp tục phát triển ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ vì lợi ích và sự thịnh vương của nhân dân hai nước.
|
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường trao tặng kỷ niệm chương cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Thượng nghị sỹ John McCain, Thượng nghị sỹ Jeff Flake, Thượng nghị sỹ Tom Harkin tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Quang Hòa/TTXVN) |
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường nhiệt liệt chào đón sự có mặt của đông đảo các vị khách quý, bạn bè Mỹ, những người đã ủng hộ sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ trong nhiều năm qua. Đại sứ nhắc lại sự kiện ngày 3/2/1994 cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Trong bức thư gần đây gửi cựu Tổng thống Clinton nhân dịp kỷ niệm này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng “quyết định này đã khép lại một chương khó khăn trong lịch sử của hai nước, mở ra một kỷ nguyên mới của mối quan hệ song phương." Từ thời điểm có tính bước ngoặt đó tới nay, cả hai nước đã được hưởng lợi rất lớn và góp phần tích cực vào hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh với sự can đảm, niềm tin, trí tuệ và tầm nhìn từ cả hai phía, quan hệ song phương Việt-Mỹ đã ngày càng phát triển và tháng 7/2013, hai nước đã xác lập khuôn khổ Đối tác toàn diện. Kim ngạch thương mại hai chiều hiện đạt gần 30 tỷ USD, tăng hơn 130 lần so với thời điểm năm 1994. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 29 của Mỹ. Tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt 20%. Mỗi năm khoảng 1.800 container các sản phẩm nông nghiệp như trái cây, thịt gia súc, gia cầm, sản phẩm chế biến từ sữa của Mỹ cập cảng Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2013, các công ty Việt Nam đã ký các hợp đồng mua động cơ máy bay phản lực và tuabin gió của Mỹ trị giá 2,6 tỷ USD, giúp tạo hàng chục nghìn việc làm cho lĩnh vực chế tạo của Mỹ. Với tổng vốn đầu tư trực tiếp 11 tỷ USD, Mỹ hiện xếp thứ 7 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.Trong khi đó, lần đầu tiên vào năm ngoái, một công ty tư nhân của Việt Nam đã cam kết đầu tư sản xuất ở bang Arkansas. Đại sứ tin tưởng các con số này sẽ tiếp tục phát triển sau khi TPP được ký kết. Buổi lễ trở nên đặc biệt sống động với những con người và cái tên đã trở nên quen thuộc, nhiều năm ủng hộ hòa giải, vun đắp, phát triển quan hệ Việt-Mỹ. Thượng nghị sỹ McCain và cựu Thượng nghị sỹ, Ngoại trưởng John Kerry là hai cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam, một người của đảng Dân chủ, một người của đảng Cộng hòa đã nỗ lực không mệt mỏi nhằm tạo ra sự ủng hộ lưỡng đảng thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Phát biểu tại buổi lễ, hai vị nghị sỹ xúc động nhớ lại chặng đường khó khăn và đầy chông gai mà quan hệ Việt-Mỹ đã trải qua cũng như chia sẽ các nỗ lực của hai ông trong việc vận động xóa bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Cả Ngoại trưởng John Kerry và Thượng nghị sỹ McCain đều nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của quyết định ngày 3/2/1994 của chính quyền Bill Clinton bãi bỏ cấm vận, mở đường cho mối quan hệ thương mại ngày càng mở rộng và có lợi cho hai nước. Ngoại trưởng John Kerry nhắc lại những kỷ niệm cùng với Thượng nghị sỹ McCain, với nhiều chuyến thăm Việt Nam của Thượng nghị sỹ McCain, trước khi đi tới quyết định lịch sử trên đây.
|
Ngoại trưởng John Kerry phát biểu. |
Ngoại trưởng John Kerry cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên cuối năm 2013 trên cương vị Ngoại trưởng, ông nhìn thấy từ Việt Nam, đất nước và con người, những tiềm năng to lớn để hai nước tiếp tục mở rộng quan hệ. Thượng nghị sỹ McCain cho biết năm 1994 khi vận động bãi bỏ cấm vận Việt Nam ông không thể hình dung 20 năm sau quan hệ Mỹ-Việt lại phát triển nhanh như hiện nay với kim ngạch buôn bán hai chiều từ vài trăm triệu USD lên xấp xỉ 30 tỷ USD, từ vài trăm nay sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học và cao học ở Mỹ đã lên tới con số hơn 16.000 người. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, trong video clip gửi tới buổi lễ, nhắc lại những ấn tượng tuyệt vời, trong đó có sự hiếu khách của người dân Việt Nam, mà bà đã khắc sâu trong chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới Việt Nam, ông Bill Clinton năm 2000. Bà Hillary cho biết, năm 2010 khi trở lại thăm Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng, bà bất ngờ trước những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời bày tỏ tin tưởng quan hệ hai nước sẽ phát triển sâu rộng và bền chặt hơn trong 20 năm tới. Đại diện của tập đoàn General Electric (GE) và Phòng Thương mại Mỹ cũng đăng đàn nhấn mạnh ý nghĩa của quyết định bãi bỏ cấm vận năm 1994, mở đường đưa quan hệ Mỹ-Việt phát triển sâu rộng và toàn diện như hiện nay. Trong không khí hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, các vị khách mời đã chúc rượu, thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam và chiêm ngưỡng triển lãm ảnh ghi lại khoảnh khắc đã đi vào lịch sử quan hệ giữa hai nước trong 20 năm qua./. Theo
TTXVN