Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Sự kiện nhằm ôn lại truyền thống anh hùng chống ngoại xâm của dân tộc ta, tri ân các chuyên gia Liên Xô (trước đây) từng công tác tại Việt Nam trong những năm chiến tranh.
Tới dự, có đông đảo đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Nga, Hội Hữu nghị Nga-Việt, Hội cựu chiến binh Việt Nam và Nga, cùng đại diện các tổ chức, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Nga.
Ký ức hào hùng
Mở đầu buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi ôn lại ký ức về những năm tháng hào hùng của dân tộc ta trong chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cách đây 50 năm. Ngày 18/12/1972, máy bay Mỹ tập kích thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Trận chiến ác liệt xảy ra mở đầu chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” lịch sử.
Đại sứ nêu rõ, hơn 36.000 tấn bom của kẻ thù dội xuống Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận; phá hủy nhiều đường phố, nhà cửa, bệnh viện, trường học và cơ sở kinh tế. Hàng nghìn người thương vong, trong đó có nhiều người già, phụ nữ và trẻ em.
Các đại biểu tham gia lễ kỷ niệm. |
Trong 12 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Việt Nam đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 pháo đài bay B-52. Đại sứ Đặng Minh Khôi khẳng định, chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 có ý nghĩa lịch sử to lớn, đánh dấu thất bại hoàn toàn âm mưu leo thang chiến tranh của quân xâm lược, buộc phía Mỹ ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.
Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, trong những năm tháng chiến tranh giành độc lập dân tộc, Việt Nam luôn nhận sự giúp đỡ chân thành và hỗ trợ to lớn của chính phủ và nhân dân Liên Xô. Người dân Việt Nam không bao giờ quên những ân tình đó và hiểu rằng, chính sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của những người bạn Liên Xô đã góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đại sứ Đặng Minh Khôi và ông Nikolai Kolesnik. |
Từng công tác tại Việt Nam trong những năm chiến tranh, ông Nikolai Kolesnik bồi hồi nhớ lại, các cuộc tập kích đường không vào các tỉnh miền Bắc Việt Nam diễn ra hết sức ác liệt, gây khó khăn cho công tác đào tạo bộ đội tên lửa Việt Nam. “Thầy và trò” phải tổ chức huấn luyện ngay trên thực địa chiến đấu theo nguyên tắc trực tiếp “dắt tay chỉ việc” với khẩu hiệu “cứ làm theo tôi”.
Bên cạnh đó, theo ông Kolesnik, điều kiện huấn luyện rất khắc nghiệt. Mỗi ngày, chuyên gia Liên Xô làm việc từ 12 đến 15 giờ, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới với độ ẩm cao. Sự khổ luyện cuối cùng cũng được đền đáp. Hệ thống phòng không của Việt Nam dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia quân sự Liên Xô hiên ngang đứng vững trong 12 ngày đêm khói lửa, làm nên chiến thắng vang dội “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.
Đại sứ Đặng Minh Khôi và các đại biểu. |
Hướng đến tương lai
Nhìn lại lịch sử hào hùng, Đại sứ Đặng Minh Khôi khẳng định, Việt Nam và Nga hiện nay kế thừa quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Liên Xô trong quá khứ. Sự tin tưởng chính trị và hỗ trợ lẫn nhau là cơ sở tin cậy để thúc đẩy quan hệ song phương.
Cũng theo Đại sứ, Việt Nam luôn coi phát triển quan hệ với Nga là một trong những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Trong những năm tháng chiến tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam, nhân dân hai nước đã thiết lập quan hệ hữu nghị bền chặt, được vun đắp qua nhiều thế hệ. Nhân dân Việt Nam và Nga tiếp tục củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, góp phần xây dựng hòa bình và thịnh vượng chung.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ “Truyền thống và hữu nghị” khẳng định, chiến thắng lịch sử “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là chiến công hiển hách không chỉ của quân và dân Việt Nam, mà còn của cả nhân loại tiến bộ.
Trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn, chân thành và hiệu quả của bạn bè quốc tế, trong đó có những người bạn Liên Xô. Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” sẽ mãi là biểu tượng chói lọi của lương tâm, ý chí và khát vọng hòa bình, tinh thần đoàn kết cao độ.
Cứ mỗi năm, khi cuộc gặp các cựu chiến binh Nga diễn ra, số lượng các “nhân vật lịch sử” lại ít dần đi. Đó là cảm xúc buồn khó tả. Dù vậy, người dân hai nước vẫn cảm thấy ấm áp, khi cảm nhận được tình cảm của các cựu chiến binh Nga dành cho Việt Nam vẫn nguyên vẹn. Tình yêu Việt Nam trong họ vẫn tràn đầy.
Đại sứ Đặng Minh Khôi và các đại biểu. |
Ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, theo thời gian, thế giới có nhiều biến động, song quan hệ giữa Việt Nam và Nga không hề đổi thay. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga nhận thức rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước.
Tại buổi lễ, các cựu chiến binh Nga bày tỏ niềm vui và hạnh phúc được mời tham dự cuộc gặp gỡ hằng năm, nhất là năm nay tròn 50 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Nhiều cựu chiến binh mang sách, kỷ vật tặng Đại sứ và người dân Việt Nam. Trong đó, có cả bức ảnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một chuyên gia quân sự Liên Xô, khi Người đến thăm Trung đoàn tên lửa 236 năm 1965.
Trong không gian ngập tràn tiếng nhạc hào hùng, những cựu chiến binh Nga ôm lấy những người bạn Việt Nam. Họ chúc mừng nhân dân Việt Nam nhân ngày lễ lớn, hạnh phúc khi Việt Nam vực dậy và phát triển mạnh mẽ sau chiến tranh. Họ cũng mong sớm được trở lại thăm Việt Nam, nơi nhiều người đã xem như quê hương thứ hai của mình.