Tổng thống Ai Cập A. Nasser tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm tại Ai Cập (1957). |
Chuyện là thế này: Hồi khoảng 1955-1956, ông Hoàng Tuý đang công tác tại Phòng Quản lý Phóng viên, Vụ Báo chí, thì ông được ông Phạm Ngọc Quế, người chuẩn bị sang làm Đại sứ Việt Nam tại Miến Điện, chọn là một trong những cán bộ Sứ quán. Mọi việc tưởng như đã "thuận buồm xuôi gió", và ông Hoàng Tuý chỉ chờ ngày lên đường thôi. Chính vì vậy, trong lễ đính hôn của mình, trước họ hàng nhà gái, ông Hoàng Tuý đã long trọng thông báo tin mừng đó.
Thế nhưng, ít hôm sau, lại có lệnh của Vụ Tổ chức-Cán bộ báo xuống là ông Hoàng Tuý không được đi, do có một số vấn đề lý lịch chưa rõ ràng. Vốn dân xứ Quảng, chuyện gì cũng muốn làm "ra ngô ra khoai", ông lên gặp Vụ Tổ chức - Cán bộ, và biết được rằng có một người cấp trên và cũng là đồng hương của ông, đã báo lên cấp cao hơn rằng trong thời gian Cách mạng Tháng Tám, ông Hoàng Tuý đã tham gia một tổ chức phản cách mạng, và đã từng bị bắt giam…Đại sứ Phạm Ngọc Quế đã buộc phải tìm người thay ông Túy vì thời gian sang Miến Điện đã tới.
Về phần mình, ông Hoàng Tuý lại thấy cách giải quyết như thế với ông hoàn toàn không ổn. Có người còn bảo với ông, không biết đùa hay thật, rằng vụ này "rất gay", và chỉ có lãnh đạo cao cấp mới giải quyết được. Và ông Hoàng Tuý cũng nghĩ xin lên gặp ông Ung Văn Khiêm là giải pháp duy nhất… Bởi ông nghĩ, ông Ung Văn Khiêm vốn là trí thức Nam Bộ, chắc phóng khoáng và vị tha. Thứ hai ông nghĩ ông Ung Văn Khiêm sẽ không để ý tới sai lầm của cái tuổi 17 (năm 1945 ông Tuý mới 17 tuổi). Thế là ông Tuý xin gặp ông Ung Văn Khiêm cho bằng được, với lý do trình bày rõ vấn đề. Và, đúng như suy đoán của ông Tuý, ông Ung Văn Khiêm đã đồng ý tiếp…
Hoá ra câu chuyện đã xảy ra không hoàn toàn như người cấp trên và đồng hương của ông Hoàng Tuý báo cáo với tổ chức. Trong những ngày trước Cách mạng tháng 8, sau khi Nhật đảo chính Pháp, người chú ruột của ông Tuý là ông Hoàng Phê (sau này là Giáo sư Ngôn ngữ và là nhà từ điển học nổi tiếng) đã từ Sài Gòn về Hội An tổ chức ra Hội Phản Đế ở đó để chuẩn bị khởi nghĩa, hưởng ứng chung với phong trào Cách mạng đang sục sôi trên toàn quốc.
Ngay ông Hoàng Phê, khi đứng ra thành lập ra tổ chức Phản Đế, cũng chỉ biết đây là một tổ chức kháng Nhật, và mưu cầu độc lập cho đất nước. Ông Hoàng Phê đã không hề biết trên thế giới nó có liên quan đến ông Tạ Thu Thâu, một lãnh tụ Đệ Tứ Cộng Sản, theo tư tưởng của Lev Trotski, đầu tiên là đồng chí và sau này là kẻ thù không đội trời chung của Stalin.
Là một chàng thanh niên sinh trưởng trong một gia đình yêu nước (cháu của Tổng đốc Hoàng Diệu, và bố ông là Hoàng Dư vốn là Đốc học ở Vinh đã bị Pháp sa thải vì tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng Chí Hội), nên tuy chưa đầy 17 tuổi, ông Hoàng Túy đã tham gia làm giao thông liên lạc trong tổ chức của ông chú Hoàng Phê từ tháng 7/1945 đến tháng 9/1945.
Ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 9/1945, đại diện của Đảng Cộng sản tại miền Trung lúc đó là Võ Chí Công đã về Hội An giải thích nguồn gốc xuất phát của hội Phản Đế và tuyên bố giải tán hội này. Ông Tuý được thả sau 2 ngày bị bắt giam ở Hội An, và đến tháng 10/1945 ông đã tham gia đội Tuyên truyền Xung phong tỉnh Quảng Nam, rồi gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong quân ngũ, ông đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam…
Nghe xong câu chuyện, ông Ung Văn Khiêm, đã bảo rằng hồi đó trên cả nước có nhiều tổ chức cách mạng, chủ yếu là đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước, và ai ở đâu thấy phong trào nào thì theo phong trào ấy, chứ có biết rõ nó là thế nào đâu. Ông còn cười và nói: "Lúc đó, cậu mới chưa được 17 tuổi mà, biết cái gì."
Sau khi nhắc Vụ Tổ chức - Cán bộ kiểm tra lại lý lịch lần nữa cho yên tâm, ông Ung Văn Khiêm đã chỉ đạo họ rằng không có lý do gì để ngăn cản ông Hoàng Tuý đi công tác tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đến tháng 11/1956, ông Tuý được phân công sang làm phiên dịch tiếng Anh ở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Indonesia…
Rất tiếc, sau đó (đầu năm 1963) ông Ung Văn Khiêm đã rời khỏi Bộ Ngoại giao để sang Bộ Nội vụ, và cuộc đời ngoại giao của ông Tuý cũng chấm dứt ở đó. Ông về Trường Ngoại giao trở thành một giáo viên tiếng Anh cho đến năm 1976, trước khi chuyển sang làm việc tại Nhà Xuất bản Ngoại văn do Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện phụ trách.
Nhớ tới Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm, người viết bài này lại nhớ đến lời điếu do ông Võ Văn Kiệt, người đã có thời gian từng là phụ tá cho ông tại tỉnh Bạc Liêu, đọc trong tang lễ của ông rằng: "Thưa Anh Ba Khiêm thương mến, Anh để lại cho chúng tôi một gia tài, đó là tấm lòng độ lượng, đó là sự vị tha, đó là niềm lạc quan, đó là chân tình và ý muốn ai cũng giác ngộ qua cảm hóa, thuyết phục."
Hoàng Ngọc
Ông Ung Văn Khiêm (13/2/1910-20/3/1991) là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ 2/1961 đến 4/1963 Là nhà ngoại giao xuất sắc thuộc thế hệ học trò đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Ung Văn Khiêm đã có những đóng góp nổi bật vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Ngành trong những năm đầu thập kỷ 1960, phục vụ sự nghiệp khôi phục và phát triển đất nước, tiếp tục đề cao Hội nghị Geneva, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam, tăng cường đoàn kết 3 nước Đông Dương, mở rộng quan hệ với các nước XHCN và dân tộc chủ nghĩa, đồng thời tích cực phối hợp với các hoạt động đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Về xây dựng Ngành, Bộ trưởng Ung Văn Khiêm đã đưa Bộ Ngoại giao phát triển thêm một bước mới bằng việc xây dựng bộ máy tổ chức, nội dung công tác của Bộ, của từng đơn vị và quy định chế độ, lề lối làm việc, phối hợp thống nhất công tác đối ngoại theo Nghị định 157/CP của Chính phủ. Năm 1955, ông được cử làm Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Hiệu trưởng Trường Cán bộ ngoại giao-ngoại thương (thuộc Bộ Ngoại giao) và Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Theo Đại sứ Phạm Ngạc, "Thứ trưởng Ngoại giao đầu tiên ngồi làm việc tại ngôi nhà nhiều mái hiện nay là Ông Ung Văn Khiêm (lúc đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao)". |