📞

Ký ức về Hà Nội qua tranh

17:33 | 21/11/2016
Quy tụ 34 bức tranh của 17 tác giả, “Hà Nội” là cách giao cảm của các họa sỹ với thành phố mà họ luôn yêu mến. 

Triển lãm “Hà Nội” sẽ khai mạc ngày 25/11 tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, Hà Nội) nhân dịp kỷ niệm lần thứ 11 Ngày Di sản Việt Nam.

Những tác phẩm tham gia trưng bày tại triển lãm đều là những tác phẩm tiêu biểu của các họa sỹ đã từng sống, gắn bó và dành một tình yêu đặc biệt dành cho Hà Nội. Mỗi tác phẩm thể hiện cách giao cảm riêng của họ với thành phố: từ ký ức đến hiện tại, từ mái phố đến hàng cây, từ giản đơn đến phức tạp, vừa trừu tượng, vừa hữu hình bằng đủ chất liệu và màu sắc: Lụa, bột màu, sơn dầu, giấy dó, sơn mài, acrylic.

Tranh "Phố" bằng chất liệu acrylic của họa sỹ Tào Linh. (Nguồn: Gallery 39A)

Ký ức về Hà Nội, có thể giản kiệm như tranh giấy dó của họa sĩ Lê Thiết Cương với bóng đổ thẫm của hai mái nhà hai đầu đấu nhô lên. Hiện thực về Hà Nội, có thể mở rộng xa thêm, từ phố cổ Hà Nội về đến làng cổ Cự Đà nơi họa sĩ Quốc Thắng sinh sống với cổng làng, phên miến đang phơi. Hay xa hơn có thể chạm tới vùng giáp ranh “bên kia sông Đuống” họa sĩ Như Đức thể hiện.

Hà Nội, có thể ngổn ngang như tranh nữ họa sĩ Hồng Phương mài vẽ. Phức tạp, bề bộn như những đường nét họa sĩ Phạm Trần Quân thể hiện. Hà Nội giản dị như một góc sân, ngõ phố hút sâu trong tranh của họa sĩ Doãn Hoàng Lâm. Đôi khi lại thơ mộng, bay bổng với đủ sáng - tối, êm dịu như một hàng cây bừng nở trong “Bằng lăng bên hồ Thiền Quang” của Nguyễn Quang Thiều…

Tác phẩm "Ngõ nắng" của họa sỹ Doãn Hoàng Lâm. (Nguồn: Gallery 39A)

Hà Nội trong “Hà Nội” ít bóng người, không ồn ào nhưng tinh thần Hà Nội có được, chính là nhờ những “di sản sống”- những “di sản người” của nhiều thế hệ tạo ra. Người họa sĩ cầm bút vẽ về Hà Nội, cũng là một cách lưu lại tinh thần, linh hồn ấy.