Trưởng đoàn đàm phán Xuân Thủy (giữa) trong một cuộc họp nội bộ. * Ảnh do ông Trịnh Ngọc Thái (bên phải ông Xuân Thủy) cung cấp. |
Thời gian mà ông Trịnh Ngọc Thái có điều kiện gần gũi nhất với ông Xuân Thủy chính là cuộc đàm phán kéo dài tới 5 năm tại Hội nghị Paris từ 15/3/1968 đến 27/1/1973. Là thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị và là Thư ký riêng của Trưởng đoàn Xuân Thủy, ông Thái cho biết khi ấy, Bác Hồ chính là người đã chỉ định ông Xuân Thủy làm Trưởng đoàn đàm phán và ông Lê Đức Thọ là cố vấn đặc biệt. Cũng theo ông Thái, với tư chất hội tụ đầy đủ trí thức Đông - Tây, có bản lĩnh của một nhà cách mạng đã trải qua lao tù thực dân, nhà báo, nhà thơ, là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác đối ngoại, cũng dễ hiểu tại sao ông Xuân Thủy lại được Bác và Bộ Chính trị "chọn mặt gửi vàng" như vậy.
Nổi tiếng với tài ngoại giao khéo léo, với mỗi đối tượng ông Xuân Thủy lại có một cách nói chuyện phù hợp và phương cách giao tiếp riêng. Trong suốt thời gian sống tại Paris, ông luôn dành được tình cảm, sự quý mến của bạn bè, kiều bào, nhiều người Pháp và các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp. Nói về tài đối đáp của vị Trưởng đoàn ngày ấy, ông Trịnh Ngọc Thái đưa ra một ví dụ rất sinh động khác. Trước một câu hỏi khá "hiểm" của đại diện chính phủ Sài Gòn rằng: "Ông theo chủ nghĩa cộng sản, tôi theo chủ nghĩa quốc gia. Ông bảo yêu nước, nhưng tôi cũng yêu nước. Đất nước Việt Nam là đất nước chung, ai cũng yêu đất nước cả, chứ không phải độc quyền. Bây giờ, do mâu thuẫn với nhau, nên chúng ta đánh nhau. Trong khi đánh nhau, các ông nhờ Liên Xô giúp đỡ, còn tôi nhờ Mỹ. Thế tại sao ông lại gọi ông là yêu nước, còn gọi tôi là phản động? Tại sao ông lại bảo ông là kháng chiến để giành độc lập, còn tôi là tay sai của Mỹ?". Thế nhưng, "Ông Xuân Thủy trả lời ‘khôn’ lắm: Chúng ta đến đây họp để bàn về việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và lập lại hòa bình ở Việt Nam chứ không phải bàn về vấn đề chủ nghĩa. Vậy thì bây giờ tôi đề nghị tập trung để bàn về vấn đề này, còn cái việc bàn về chủ nghĩa tôi sẵn sàng tiếp ông sau.” - ông Thái kể lại.
Một ấn tượng khác về ông Xuân Thủy mà theo ông Thái là sự điềm tĩnh đến kỳ lạ. Trong những ngày tháng khó khăn của Hội nghị Paris, ông Thủy luôn giữ được thái độ bình tĩnh, dù ban ngày căng thẳng với các cuộc họp, nhưng buổi tối ông vẫn dành thời gian chơi cờ với anh em trong đoàn. Đặc biệt, ông Thái nhớ lại hồi ấy, mọi người đều được hưởng một khoản trợ cấp rất ít ỏi, trong khi anh em trong Đoàn dành dụm để mua vật dụng sinh hoạt về cho gia đình thì ông lại chỉ dành tiền để mua cravat. Có lẽ, sở thích này của ông xuất phát từ việc coi trọng người giao tiếp với mình cũng chính là việc coi trọng tác phong lịch thiệp trong ngoại giao. Tuy nhiên, điều khiến ông Trịnh Ngọc Thái nể phục nhất ở vị Trưởng đoàn của mình là nghị lực và tinh thần đấu tranh với bệnh tật. Ông Xuân Thủy bị hen rất nặng, mỗi khi lên cơn hen ông rất khổ sở, nhưng tới cuộc họp, mặt ông lại tươi tỉnh như không hề có chuyện gì xảy ra và cũng không ai biết ông vừa bị căn bệnh đó hành hạ.
Khi được hỏi về tài làm thơ của ông Xuân Thủy, ông Thái chia sẻ một bài thơ mà ông luôn thích và xúc động nhất. Đó chính là bài Đinh ninh lời thề nói đến lời dặn dò của Bác Hồ và việc quyết tâm thực hiện lời hứa với Bác của Trưởng đoàn Xuân Thủy trước khi đi dự Hội nghị. Bài thơ được ông Xuân Thủy viết khi về Hà Nội chịu tang Bác năm 1969, trong đó có đoạn:
Tôi nhớ lắm
Một buổi sáng ra đi
Giữa vườn cây xanh mát
Bên cạnh nhà sàn, gỗ ván đơn sơ
Cạnh hồ sen nhẹ thoảng hương đưa
Bác chỉ dẫn từng đường thơ nét kiếm
Tôi nhìn Bác lớn mênh mông trời biển
Hứa ra đi quyết thắng quân thù
Cầm tay tôi Bác lại dặn dò
Trong tay Bác, tôi thêm nhiều sức nóng.
...
Mà hôm nay khóc Bác, Bác Hồ ơi!
Ông Thái cũng cho biết, ông Xuân Thủy có nhiều dịp được gặp Bác Hồ và có rất nhiều tình cảm sâu nặng với Bác. Ngoài những ý kiến chỉ đạo của Bác về chính trị, đặc biệt là trong công tác ngoại giao còn có trao đổi về văn thơ. Nhiều bài thơ được Bác viết ra và người đầu tiên Bác hỏi ý kiến là ông Xuân Thủy giống như là "tri kỷ" của nhau vậy.
TG&VN (ghi)