TIN LIÊN QUAN | |
Bản in tiểu thuyết "Hồng Lâu Mộng" có giá 3,5 triệu USD | |
Chiêm ngưỡng Pháp Môn - ngôi chùa lớn bậc nhất Trung Quốc |
Người Trung Quốc thường nói: “Muốn xem Trung Quốc trong 30 năm, hãy đến Thẩm Quyến. Muốn xem Trung Quốc 100 năm hãy đến Thượng Hải. Muốn xem Trung Quốc 600 năm hãy đến Bắc Kinh. Còn muốn xem Trung Quốc 3.800 năm hãy đến Tây An”.
Toàn bộ khu trưng bày được đặt trong nhà có mái che. (Ảnh: T.L). |
Nói thế để thấy rằng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, phía Tây Bắc Trung Quốc là một trong những đô thị cổ nhất ở đại lục. Nơi đây cũng là cái nôi của nền văn minh lưu vực sông Hoàng Hà, gắn liền với những nhân vật lịch sử Trung Quốc như: Tần Thủy Hoàng, Đường Minh Hoàng, Võ Tắc Thiên...
Mà đến với Tây An, bạn không thể bỏ qua nơi trưng bày đội quân đất nung của hoàng đế Tần Thủy Hoàng (Khu bảo tàng Binh Mã Dũng). Năm 1987, khu di tích này được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.
Nơi lưu giữ lịch sử
Khu bảo tàng Binh Mã Dũng cách thành phố Tây An khoảng 50km về phía Đông, là một quần thể tượng người, ngựa bằng đất sét nung, rỗng giữa, kích thước bằng người thật và trang phục theo kiểu nhà binh. Đội quân đất nung này được chôn theo Hoàng đế Tần Thủy Hoàng trong thời gian khoảng năm 210 - 209 trước Công nguyên, cách lăng mộ của vị vua này khoảng 1,5km.
Sau khi qua các cửa kiểm soát, trước mắt bạn hiện ra quang cảnh hùng vĩ với hàng ngàn pho tượng binh mã bằng đất nung được xếp ngay ngắn, thẳng hàng dưới những hố chôn. Theo hướng dẫn viên, đến nay đã có hơn 8.099 pho tượng binh mã được khai quật. Những bức tượng trưng bày được các nhà khảo cổ học tỉ mỉ phục dựng tại chỗ, “chính xác đến mức tuyệt đối, không thừa không thiếu mảnh nào”, hướng dẫn viên cho biết.
Số lượng lớn là vậy nhưng không pho tượng nào giống pho tượng nào. Qua nghiên cứu, các bức tượng như: lính bộ binh, cung thủ, các tướng lĩnh trong tư thế đứng thẳng hoặc cúi mình cầm cung, kích, giáo, mác, gươm bọc đồng... được làm thủ công từ nhiều nguồn thợ tuyển chọn trong nước. Các tác giả làm riêng lẻ từng bức một nên các bức tượng trông rất sinh động với khí thế dũng mãnh, và diễn tả nhiều tâm trạng.
Du khách được dịp trầm trồ thán phục trước tài nghệ khéo léo của những người thợ cách đây hơn 2.200 năm. Cô hướng dẫn viên nhấn mạnh, tiêu chuẩn đẹp thời bấy giờ là người cao 1,80m, vạm vỡ, mắt một mí, có ria mép và tóc rẽ ngôi giữa.
Cô cũng cho biết, khi mới khai quật, hầu hết các pho tượng có màu sắc rất phong phú, nhưng để ra ngoài ánh sáng Mặt trời, màu sắc biến mất dần. Một số tượng đưa vào trong bảo tàng ánh sáng yếu thì giữ được màu sắc lâu hơn.
Tại đây, có ba hầm mộ đã được khai quật và trưng bày cho du khách tham quan. Hầm mộ thứ nhất được tiến hành khai quật ngay từ năm 1974, đến năm 1983 thì hoàn thành, diện tích gần 13.000 m2, chạy từ Đông sang Tây, phát lộ 6.000 binh mã bộ binh, thuộc cánh hữu, là đội quân chủ lực của Tần Thuỷ Hoàng.
Năm 1994, Trung Quốc khai quật tiếp đường hầm thứ hai, phát hiện 1.400 pho tượng kỵ binh và bộ binh đi cùng chiến xa, được xem là cánh tả, diện tích gần 20.000 m2. Hầm mộ thứ ba là đội chỉ huy các cấp khác nhau, có 68 pho tượng và xe tứ mã, diện tích hơn 1.500 m2. Còn hầm thứ tư hiện đang được khai quật.
Các chuyên gia UNESCO đánh giá, đây là khu hầm mộ cổ lớn nhất thế giới, có giá trị về khoa học - nghệ thuật và chiến tranh cổ đại của Trung Quốc.
Tác giả thăm quan khu trưng bày. |
Không dễ khi tham quan
Khi bước chân vào bảo tàng, bạn sẽ không khỏi bị “choáng ngợp” bởi cảnh chen chúc của hàng ngàn khách tham quan. Với điện thoại thông minh trên tay, ai cũng cố gắng chen được một chỗ đứng ưng ý nhất để chụp ảnh. Khuôn viên bảo tàng rất rộng nhưng mỗi ngày có tới 20.000 - 30.000 du khách tới thăm nên muốn nghe rõ lời thuyết minh, bạn sẽ cần sử dụng đến bộ tai nghe và máy phát bắt sóng âm từ chiếc máy của hướng dẫn viên. Bạn cũng sẽ được dặn dò rất kỹ “luôn bám sát đoàn để tránh bị lạc, đã có rất nhiều người bị lạc ở khu trưng bày rộng gấp đôi Sân vận động Tổ Chim này”.
Hiện nay, việc phục dựng, bảo quản, trưng bày đội quân đất nung được chính quyền Thiểm Tây thực hiện khá quy mô. Toàn bộ khu trưng bày được đặt trong nhà có mái che, nhiệt độ ổn định để tránh cho những bức tượng bị phong hóa hay vi khuẩn phá hoại. Vì thế, khách tham quan chỉ được đi xung quanh phía trên, cách xa các vật phẩm.
Tuy nhiên, ở hầm thứ nhất, du khách vẫn có thể quan sát và quay phim chụp ảnh dễ dàng nhờ ánh sáng Mặt trời từ các cửa sổ rọi xuống. Nếu muốn nghiên cứu, sưu tầm hình ảnh, khách tham quan nên tập trung nhiều thời gian ở hầm này. Hầm thứ hai và ba tối hơn nhiều, có lẽ là để bảo quản màu sắc tượng. Công việc khai quật còn rất bề bộn, có vẻ như vừa khai quật vừa nghiên cứu. Ngay trong hôm đoàn chúng tôi đến thăm, cũng có một đội các nhà khảo cổ đang miệt mài làm việc dưới hầm thứ ba.
Để quan sát kỹ hơn những bức tượng người, ngựa, chiến xa và những vật dụng chôn theo Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, bạn hãy tới hầm thứ ba, nơi các hiện vật quý như: xe kéo tứ mã bằng đồng, tượng binh mã, binh khí còn khá nguyên vẹn màu sắc… được trưng bày.
Thêm một điều cần lưu ý là giá vé tham quan cũng không giống nhau, tùy từng thời điểm. Từ tháng 3 -11 là 150 NDT/vé; từ tháng 12-2 là 120 NDT/vé (khoảng 400.000 - 500.000 VND).
Bên ngoài sảnh khu trưng bày, có một cửa hàng bán đồ lưu niệm, mô phỏng lại tượng binh, mã bằng đất nung và chiến xa bằng đồng, nơi thu hút khá đông du khách. Và một điều chắc chắn, bạn sẽ phải mất từ 2 - 2,5 giờ đồng hồ để có thể đi hết toàn bộ khu trưng bày khổng lồ này.
Hong Kong sau 20 năm "chia tay" Anh Kỷ niệm 20 năm về với Trung Quốc (1/7/1997 - 1/7/2017), Hong Kong đã ghi một dấu ấn trọng đại trong lịch sử phát triển của ... |
Các địa điểm du lịch lý thú nhất thế giới trong năm 2017 Thành phố Houston của Mỹ và Thượng Hải của Trung Quốc đã lọt vào tốp 10 địa điểm du lịch lý thú nhất năm 2017. |
Trung Quốc không còn là “kẻ sao chép” Từng bị xem là “kẻ đi theo” của những ông lớn công nghệ trên thế giới, nhưng giờ đây vị thế của ngành công nghệ ... |