📞

Kỳ vọng “Make in India”

09:00 | 16/04/2016
“Chúng tôi muốn Ấn Độ trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu”

Thủ tướng Narendra Modi đã nói lại mong muốn đó trong sự kiện tái khởi động sáng kiến “Make in India” tại thành phố Mumbai, hồi tháng Hai vừa qua. Tuy nhiên, một việc không suôn sẻ đã xảy ra, sân khấu ra mắt sự kiện bị lửa thiêu rụi. Đây có thể là điềm báo về những khó khăn mà Ấn Độ và bản thân “Kiến trúc sư” Narendra Modi sẽ phải nỗ lực để vượt qua.

Chạm vào thành công

Khởi động từ cuối năm 2014, điểm khác biệt của sáng kiến “Make in India” so với các kế hoạch phát triển kinh tế khác của Ấn Độ là tập trung vào lĩnh vực khoa học công nghệ. Từ chế tạo phần mềm, xe hơi, xây dựng cho đến sản xuất tàu ngầm, vệ tinh vũ trụ, mục tiêu của "Make in India" đều nhằm đưa Ấn Độ thành một quốc gia thu hút FDI đứng đầu thế giới. Chính phủ của Thủ tướng Modi đã mở cửa hầu như mọi lĩnh vực của nền kinh tế, kể cả kinh tế quốc phòng, và thuyết phục nhà đầu tư bằng chính những thay đổi đang diễn ra từng ngày ở Ấn Độ.

Sau một năm, sáng kiến “Make in India” bắt đầu phát huy hiệu quả. Quốc gia Nam Á này liên tiếp trình làng những dự án mới. Từ kế hoạch vĩ mô đến những sản phẩm tiêu dùng. Điện thoại thông minh giá 7 USD, hay xe hơi Tata Nano chỉ 3.000 USD… của Ấn Độ đang giúp các doanh nghiệp nước này cạnh tranh với các sản phẩm tương tự từ Trung Quốc đang lấn át trên thị trường hơn 1,2 tỉ dân này.

Trở lại sự kiện Tuần lễ “Make in India”, điều đáng chú ý là sự quan tâm của hàng trăm công ty nước ngoài. Sự kiện trở thành một hiện tượng về thu hút FDI khi ghi nhận các thương vụ có giá trị lên tới 15.000 tỉ Rupee (khoảng 219 tỉ USD).

Biểu tượng của dự án “Make in India” bên ngoài một công ty tại thành phố Mumbai (Nguồn: Thewire.in)

Dù điều kiện sản xuất của Ấn Độ chưa được đánh giá cao bằng Trung Quốc, nhưng đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và lực lượng lao động giá thấp của Ấn Độ  đang đưa nước này tới thời điểm “cơ hội vàng”. Chi phí doanh nghiệp phải trả cho lao động Ấn Độ chỉ 92 cent/giờ, thấp hơn nhiều so với mức hiện tại 3,52 USD/giờ ở Trung Quốc.

Nhiều công ty lớn đã công bố ngân sách đầu tư vào Ấn Độ, trong đó phải kể tới khoản đầu tư trị giá 1 tỉ USD của hãng xe General Motors (Mỹ). Bản thân một số hãng di động Trung Quốc cũng đã bắt đầu sản xuất điện thoại ở Ấn Độ và Apple có thể sẽ sớm theo chân. Tổng Giám đốc Emerson Electric (Mỹ) Ed Monser cho biết đầu tư của Tập đoàn này tại Ấn Độ hiện chỉ bằng một nửa ở Trung Quốc, nhưng họ sẽ chuyển hướng mạnh sang Ấn Độ trong năm năm tới. Emerson dự định sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD để tăng thêm 4 nhà máy, nâng tổng số nhà máy của hãng tại Ấn Độ lên con số 17.

Theo Goldman Sachs, những lợi thế về chính sách và môi trường đầu tư thuận lợi đã giúp Ấn Độ thu hút được lượng vốn FDI kỷ lục trong năm 2015 vừa qua và dự báo sẽ tiệm cận con số 60 tỷ USD trong năm nay.

Cơ hội vàng hay thách thức

Năm 2015, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Với tốc độ tăng trưởng trên 7%, Ấn Độ đang bỏ xa các thành viên còn lại trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) như Brazil, Nam Phi. Tuy nhiên, tham vọng cán mức tăng trưởng 8-10% trong 10 năm tới và gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình đòi hỏi Ấn Độ phải có những thay đổi lớn hơn nữa và bắt đầu từ cuộc đại tu trong lĩnh vực sản xuất.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực - lợi thế của Ấn Độ so với Trung Quốc cũng là thách thức lớn nhất đối với quốc gia Nam Á này... Theo tờ Financial Time, dự kiến từ nay đến năm 2024, lực lượng lao động của Ấn Độ sẽ tăng thêm khoảng 120 triệu người, hầu hết là những người trẻ tuổi không có tay nghề hoặc nông dân di cư lên thành phố tìm việc làm. Nếu ông Modi không đáp ứng được nhu cầu việc làm của họ, tình trạng bất ổn xã hội sẽ gia tăng và mức độ tin tưởng vào Thủ tướng chắc sẽ không còn như trước.

Tỉ trọng sản xuất trong GDP của Ấn Độ đã ở mức thấp 15-17% trong nhiều thập niên, thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác. Chiến dịch “Make in India” đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tạo thêm 100 triệu việc làm mới và tăng tỷ trọng của lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế từ 18% lên 25%, nhưng hoạt động sản xuất thời gian gần đây có dấu hiệu đi xuống. Xuất khẩu Ấn Độ giảm trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Nhiều công ty lớn Ấn Độ ngập trong nợ và không muốn đầu tư vào các dự án xuất khẩu mới. Nhìn chung, các công ty Ấn Độ vẫn nhỏ và có năng suất thấp hơn nhiều so với đối thủ Trung Quốc.

Những khoản FDI nằm trong dự án “Make in India” nghe có vẻ ấn tượng, nhưng chưa nên vội mừng. Có chuyên gia lo ngại rằng mức độ tự động hóa trong sản xuất hiện đại không hẳn sẽ thúc đẩy thị trường lao động. Chẳng hạn, Ericsson lên kế hoạch tuyển dụng 22.000 lao động tại Ấn Độ, nhiều hơn ở bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng chỉ khoảng 1.000 người sẽ nằm trong khâu sản xuất sản phẩm tại nhà máy mới. Số lao động còn lại là các vị trí tay nghề cao, hầu như không thích hợp cho những công nhân trẻ, kém tay nghề. 

Thời gian này phải chăng không phải là thời điểm thích hợp để xuất phát dự án “Make in India”? Có người đặt câu hỏi liệu đây có phải chỉ là một chiến dịch marketing để thu hút nhà đầu tư? Bởi trong chính nền kinh tế Ấn Độ vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề không thể “cũ” hơn như cơ sở hạ tầng tệ hại, nguồn cấp điện không ổn định, luật lệ lao động luôn thay đổi... Những thay đổi nhằm loại bỏ các bất cập mà Thủ tướng Modi từng tuyên bố dường như đang diễn ra chưa như mong muốn.

Dù sao, “Make in India” đã trở thành thương hiệu lớn nhất mà Ấn Độ từng tạo ra. Thủ tướng Modi là người đã thiết kế nên giấc mơ đó và dẫn dắt nền kinh tế đất nước vượt qua nhiều vấn đề mang tính cố hữu. Tuy nhiên, Ấn Độ có thể trở thành công xưởng của thế giới hay không vẫn cần thời gian để có câu trả lời rõ ràng.