📞
Hướng tới kỳ Bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công

Kỳ vọng một Quốc hội chuyên nghiệp cùng những đại biểu đủ tâm, đủ tầm làm 'nghề nghị sỹ'

TS. Nguyên Bảo 09:00 | 17/05/2021
Một Quốc hội chuyên nghiệp phải bắt đầu từ một kỳ bầu cử đổi mới, hiện đại và chọn lựa để tiếp tục bồi dưỡng được những Đại biểu Quốc hội đủ tâm, đủ tầm và biết cách làm 'nghề nghị sỹ'.
Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được ấn định là Chủ nhật, ngày 23/5/2021.

Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, thể hiện tính chất dân chủ đặc thù của chế độ và đặt nền móng cho sự vận hành của bộ máy nhà nước trong 5 năm tiếp theo.

Riêng ở phạm vi Quốc hội, dân chủ trên nghị trường đã được ghi nhận trong nhiều khoá qua với tiếng nói ngày càng mạnh mẽ, độc lập, trí tuệ của các vị đại biểu.

Giờ đây, đông đảo cử tri mong muốn làm sao để Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp. Và một Quốc hội chuyên nghiệp phải bắt đầu từ một kỳ bầu cử đổi mới, chuyên nghiệp và chọn lựa để tiếp tục bồi dưỡng được những đại biểu Quốc hội chuyên nghiệp, biết cách làm “nghề nghị sỹ”.

Sự điều chỉnh quan trọng trong khâu chuẩn bị

Một trong những đặc trưng của cơ quan dân cử là tính đại diện (khu vực, thành phần dân số, ngành nghề...).

Ở nước ta, điều này được định hướng bằng cơ cấu. Tuy nhiên, nếu nghiêng về tính đại diện, nặng tính cơ cấu mà không chú trọng đến tính chuyên nghiệp thì sẽ không thoả mãn được yêu cầu của cử tri hiện đại về sự làm việc hiệu quả của các đại biểu Quốc hội, hay nghị sỹ.

Do đó, tổ chức bầu cử ngoài việc tuân thủ chủ trương lãnh đạo của Đảng còn phải là một minh chứng sống động nhất về sự đổi mới, chuyên nghiệp, tạo đà cho 5 năm làm việc hiệu quả của Quốc hội.

Trên thực tế, trong nhiều khoá qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã đề ra nhiều chủ trương trong công tác cán bộ có liên hệ trực tiếp đến nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Ủy ban Thường vụ và các cơ quan của Quốc hội có các giải pháp để giúp mỗi một đại biểu chuyên nghiệp hơn trong hoạt động của mình, dù là chuyên trách hay kiêm nhiệm.

Việc tạo đà tăng tính chuyên nghiệp cho Quốc hội khoá XV đã được chuẩn bị kỹ càng ngay từ khâu chuẩn bị ứng cử viên. Cơ cấu, thành phần số lượng đại biểu Quốc hội lần này đã có sự điều chỉnh quan trọng về mặt hình thức.

Căn cứ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội (được sửa đổi năm 2020), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được sửa đổi năm 2019), số lượng đại biểu chuyên trách khoá XV tăng lên ít nhất 40%, nhiều nhất từ trước đến nay.

Nghĩa là cử tri có thể phần nào yên tâm rằng có ít nhất 200 trong số 500 vị sẽ dành trọn vẹn thời gian, tâm huyết cho việc làm “nghề nghị sỹ”, hạn chế tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi đại biểu hành pháp tham gia quá đông vào vai giám sát.

Tuy nhiên, tăng số lượng thì đồng thời phải tăng chất lượng đại biểu chuyên trách. Một mặt, thời gian qua, Đảng đoàn Quốc hội đã làm tốt công tác quy hoạch để chuẩn bị nguồn nhân sự chất lượng, đủ tiêu chuẩn, kinh nghiệm làm công tác chuyên trách cho Quốc hội khoá XV.

Mặt khác, sau bầu cử, cử tri kỳ vọng vẫn phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo không gian cho Đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng có được những kỹ năng của một nhà lập pháp và giám sát tối cao.

Tăng quyền cho cử tri

Ở chiều ngược lại, chúng ta đều biết rằng Quốc hội được “sinh ra” bởi cử tri. Do đó, để có Quốc hội chuyên nghiệp, trước tiên mỗi người dân trong độ tuổi được bỏ phiếu phải là những cử tri chuyên nghiệp.

Ở đây, mỗi cử tri không thể chỉ thụ động đòi hỏi mà phải chủ động tiếp cận thông tin, tìm hiểu về quyền bỏ phiếu, nghiên cứu các ứng cử viên, đưa ra những nhận định độc lập khi nghe ứng cử viên trình bày chương trình hành động.

Khi bầu cử hoàn thành và Quốc hội hoạt động, các cơ quan chức năng cần tạo hành lang, môi trường để cử tri được thể hiện quyền giám sát, phê phán, quy trách nhiệm chính trị lên các Đại biểu hằng ngày, hằng tháng chứ không chỉ trước, trong và sau mỗi kỳ họp diễn ra nửa năm một lần.

Khi cử tri ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp sẽ tạo ra áp lực tích cực để các cơ quan chuyên môn của Quốc hội đề ra những chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đại biểu Quốc hội.

Gần đây xuất hiện một số gợi ý thú vị và khả thi về tăng quyền của cử tri với người đã được họ bầu ra. Đó là cử tri có thể áp đặt chế độ trách nhiệm bằng sự bất tín nhiệm.

Tuy nhiên, hiện nay, quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội vẫn do Quốc hội quyết định chứ chưa phải theo đề nghị của cử tri. Và nếu có, cử tri chỉ thể hiện được nếu vị đại biểu tái ứng cử sau 5 năm ngay tại địa phương của mình.

Để cách thức áp đặt chế độ trách nhiệm này phát huy tác dụng, quan trọng là các vị đại biểu Quốc hội đã ứng cử ở đâu thì phải tái cử ở đó. Bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021, nguyên tắc ứng cử ở đâu thì tái cử ở đấy bước đầu đã được thực hiện ở diện rộng dù không áp dụng cho tất cả mọi trường hợp.

Như vậy, ở nhiều khu vực bầu cử, cử tri đã có quyền quyết định có tái cử cho một vị đã đại diện cho mình 5 năm vừa qua hay không. Tới đây, cử tri mong muốn Đảng cho chủ trương và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XV sớm nghiên cứu về một quy trình bất tín nhiệm của cử tri ngay trong nhiệm kỳ chứ không phải chờ đợi đến… 5 năm.

Các hoạt động tuyên truyền cổ động tạo sự phấn khởi, vui mừng cho người dân trước ngày bầu cử. (Nguồn: TTXVN)

Đa dạng hóa cách thức tương tác với cử tri

Cuối cùng, cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV diễn ra trong một cảnh hết sức đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Nhìn một cách tích cực, đây chính là cơ hội trưởng thành cho sự vận động của một nền dân chủ ngay từ khâu bầu cử và đặt ra yêu cầu cho các ứng cử viên nỗ lực đa dạng hoá cách thức tương tác với cử tri. Trong tương lai, rất khó để biết được sẽ còn những biến động ngoại cảnh nào xảy ra với thế giới cũng như nước ta.

Nhiệm kỳ qua, lần đầu tiên, Quốc hội đã tổ chức họp trực tuyến toàn thể mà vẫn đảm bảo được những cuộc thảo luận và ra những quyết sách quan trọng. Từ mục tiêu phòng tránh dịch bệnh, họp trực tuyến đã mở ra hướng tiết kiệm ngân sách, thời gian cho sinh hoạt Quốc hội và các đại biểu ở địa phương vẫn có thể xử lý công việc của địa bàn thay vì mất nhiều ngày liền ra Hà Nội.

Đây là một kinh nghiệm quý để Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XV và các khoá tiếp theo lên kế hoạch ứng dụng cho Quốc hội tuỳ theo tính chất quan trọng của từng nội dung thảo luận bất kể có biến động nào hay không.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng lần đầu tiên chứng kiến những cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử được tổ chức hình thức trực tuyến.

Ngay trước bầu cử không lâu, đợt dịch thứ tư bùng phát với quy mô lớn, đe đoạ đến khả năng diễn ra bầu cử. Chuẩn bị cho tình huống này, lần đầu tiên, nội dung y tế được lồng ghép với công tác bảo đảm an ninh trật tự để tham mưu, giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến y tế.

Hướng tới kỳ bầu cử thành công

Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra thành công, được đánh giá là chuẩn mực về ba khâu tổ chức, văn kiện và nhân sự.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức hồi tháng Giêng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đây là cơ hội để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

Năm nay cũng đánh dấu tròn 75 năm kể từ lần đầu tiên Việt Nam tổ chức tổng tuyển cử năm 1946 sau khi giành được độc lập, đánh đổ chế độ thực dân, phát xít và phong kiến.

Kể từ khi được hình thành, Quốc hội Việt Nam đã in mình vào lịch sử với những đóng góp to lớn qua các thế hệ, là biểu tượng cao nhất của sự hình thành một nhà nước dân chủ dù trải qua nhiều thăng trầm của chiến tranh, chia cắt, khó khăn và thành công của đất nước.

Và bầu cử Quốc hội khoá XV diễn ra trong lúc thế giới và nước ta đứng trước nhiều thách thức nhưng cũng là giai đoạn Việt Nam phát triển nhanh chóng với một “cơ đồ chưa bao giờ có”. Thành công của cuộc bầu cử và sự hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp của các đại biểu Quốc hội sẽ góp phần quan trọng để cơ đồ đó sáng rõ hơn!