📞
Hướng tới kỳ Bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công

Lá phiếu của lòng dân, niềm tin vào tương lai

Nguyễn Kim 10:30 | 26/05/2021
Ngày 23/5, tại hơn 80.000 khu vực bầu cử, trong niềm hân hoan và với niềm tin sâu sắc, hơn 69 triệu cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu để bầu 500 đại biểu Quốc hội Khóa XV và gần 269.000 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

“Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn”. (Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, ngày 6/1/1946 vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Với mỗi cử tri, chọn lựa các đại biểu để bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, không chỉ là sự tin tưởng vào những người thực sự có đức, có tài, mà qua đó còn là sự gửi gắm cả niềm tin vào một tương lai phát triển của đất nước.

Một điểm bầu cử tại quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)

Ngày hội lớn của non sông

Tại thành phố Hải Phòng, lần đầu bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ bày tỏ xúc động trước “không khí cờ hoa rực rỡ khắp nơi và sự nô nức toát lên từ ánh mắt, nụ cười, từ những tà áo dài tươi đẹp của cử tri, của người trẻ cũng như người già, của mọi giới”. Và sự hân hoan, nô nức này cũng là cảm giác của đông đảo cử tri đồng bào trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Theo báo cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, tính đến 22h ngày 23/5, cả nước có 98,43% cử tri đi bầu cử, trong đó nhiều địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao, đạt 99,98% như Lào Cai, Lạng Sơn, Trà Vinh...

Tại nhiều địa phương đã ghi nhận nhiều nơi các cử tri đội mưa đội gió, đi lại bằng thuyền để đến nơi bỏ phiếu; ở trong bệnh viện, người bệnh tạm quên đi mệt mỏi, đau đớn cũng đã bỏ phiếu, thực hiện quyền và trách nhiệm công dân của mình.

Các địa phương đang có diễn biến dịch phức tạp nhất hiện nay là Bắc Ninh, Bắc Giang cũng có tỷ lệ cử tri đi đạt tới 97,55% và 98,20%...

Đánh giá khái quát về cuộc bầu cử, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường khẳng định, cuộc bầu cử đã diễn ra thành công và tuyệt đối an toàn, đúng quy định của pháp luật. Không khí Ngày Bầu cử thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.

"Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp thể hiện rõ tính dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đó là tính dân chủ của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân thông qua mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhân dân và Nhà nước". (Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang)

Sức mạnh trùng điệp của toàn dân

Để có được kết quả trên, ngay từ rất sớm, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, cơ quan chức năng như Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Bộ Nội vụ và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã tập trung nỗ lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện cuộc bầu cử.

Được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát đợt thứ tư với những diễn biến phức tạp, công tác chỉ đạo, tổ chức bầu cử cũng đã được thực hiện kết hợp với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được tăng cường, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, với phương châm “không vì tiến độ mà ảnh hưởng sự an toàn của người dân”.

Việc chuẩn bị chu đáo và diễn tập chống dịch kỹ lưỡng, nhất là tại những địa bàn có nguy cơ cao, cũng đã góp phần vào thành công của cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất, đó là sự hưởng ứng tích cực, đồng thuận, thống nhất và đoàn kết của người dân. Trao đổi với báo chí sau khi bỏ phiếu tại TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề rất lớn mà Đảng, Bác Hồ luôn quan tâm. Đặc biệt trong ngày hội lớn của non sông – toàn dân đi bỏ phiếu hay những sự kiện quan trọng của đất nước, trong thiên tai, lũ lụt thì tinh thần đoàn kết toàn dân tộc luôn luôn được phát huy”.

Trả lời phỏng vấn sau khi bỏ phiếu tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết qua bầu cử, “Chúng ta cảm nhận được không khí thực sự tin tưởng, niềm tin của nhân dân, của cử tri với Đảng, Nhà nước được tăng cường”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng qua bầu cử cho thấy “sức mạnh trùng trùng điệp điệp của nhân dân”.

Sự hưởng ứng và đồng thuận đó không chỉ đến từ nỗ lực tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền và ngành chức năng mà sâu xa hơn, mà bắt nguồn từ niềm tin vào những thành tựu to lớn đất nước ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới, như đã được khẳng định tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Niềm tin đó càng mạnh mẽ hơn, khi trong thời gian vừa qua, Việt Nam chúng ta đã có nhiều thành tựu đối nội, đối ngoại quan trọng, trong đó có việc tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng, hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa khôi phục, phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, rồi đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021...

"Tôi tin tưởng cử tri Việt Nam sẽ chọn ra được các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khóa mới có tài, có đức, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, tác phong ưu tú, hăng hái phấn đấu, bảo đảm vững chắc cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu mà Đại hội Đảng đã đề ra". (Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba)

Trong khi đó, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam lý giải, chỉ có thể là tinh thần dân tộc đang lên, người dân tin tưởng hơn vào tương lai và ý thức trách nhiệm về việc xây dựng chính quyền mạnh là trách nhiệm của mình.

Ông cho rằng qua cuộc bầu cử, mỗi người dân đều tự hào khi được đóng góp vào việc xây dựng một hệ thống chính trị có thể tự tin trước thế giới.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là cuộc bầu cử quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thế vận mới của đất nước

Trong bài “Ý nghĩa tổng tuyển cử” đăng trên báo Cứu quốc ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”.

Bỏ những lá phiếu đầu tiên tại thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là lần thứ 15, chúng ta tiến hành cuộc tổng tuyển cử trong cả nước, nhưng là cuộc bầu cử quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Được xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2021, cuộc bầu cử diễn ra sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp. Đại hội xác định mục tiêu phát triển đất nước không chỉ cho 5 năm, 10 năm tới, mà còn hướng tới năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đại hội XIII được đánh giá là đi vào lịch sử khi chuyển giai đoạn phát triển của đất nước từ thời kỳ phát triển để tạo thế và lực sang giai đoạn phát huy đến mức cao nhất tất cả các thế và lực đã tích lũy được để có thể phát triển đột phá.

Chính vì vậy, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp 2021-2026 sẽ ghi dấu một chặng đường hết sức có ý nghĩa, mang tính bản lề trong tiến trình phát triển của đất nước. Niềm tin, kỳ vọng của cử tri và nhân dân càng lớn thì trọng trách của các đại biểu dân cử được tín nhiệm ngày càng cao.

Các đại biểu Quốc hội khóa và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có một trọng trách rất quan trọng, đó là góp phần hiện thực hóa khát vọng bứt phá, vươn lên của cả dân tộc.

Cuộc bầu cử chuyên nghiệp

Thành công của cuộc bầu cử tại Việt Nam đã có tác động lan tỏa đến dư luận và báo chí thế giới. Hãng Reuters (Anh) miêu tả hình ảnh các đường phố tràn ngập băng rôn, áp phích, biểu ngữ chào mừng sự kiện cùng loa phát thanh ở mọi tuyến phố rộn ràng cổ động người dân đi bỏ phiếu.

Chuyên gia Supalak Ganjanakhundee, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), đánh giá công tác hiệp thương, giới thiệu ứng cử viên theo 3 vòng 5 bước mà Việt Nam áp dụng là phương pháp hiệu quả để lựa chọn được các ứng cử viên phù hợp, phục vụ đường lối, chính sách phát triển chung của đất nước.

Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) có bài viết khẳng định, cuộc bầu cử đã được Việt Nam tiến hành suôn sẻ nhờ kinh nghiệm và một số thành tựu trong phòng chống các đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đó cùng hàng chục năm kinh nghiệm tiến hành bầu cử.

Trong khi đó, mạng Eurasia Review đăng bài viết của ông Rajaram Panda, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Bảo tàng và thư viện Nehru, cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Văn hóa Ấn Độ, đánh giá bầu cử tại Việt Nam được tổ chức hết sức chuyên nghiệp với ý thức tuân thủ pháp luật cao và ý thức về quyền và trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam.

Báo Halonoviny.cz (CH Czech) khen ngợi Việt Nam tổ chức một cuộc bầu cử an toàn nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời nhận định Quốc hội khóa mới được kỳ vọng cùng Đảng và Chính phủ hoạch định và triển khai chính sách đối nội và đối ngoại nhằm thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng XIII đã đề ra.