Kinh tế Việt Nam đang sở hữu nền tảng vững chắc và động lực chiến lược để tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024. Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam Insisder) |
Được thế giới gọi là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực này đã trở thành trung tâm thế giới vì có dân số đông nhất, chiếm gần một phần hai diện tích bề mặt các lục địa, có ba nền kinh tế lớn nhất; có bốn nền dân chủ lớn nhất; có năm cường quốc hạt nhân; chiếm 60% GDP toàn cầu; có bảy quân đội mạnh nhất; chiếm 80% trữ lượng toàn cầu về lithium và nickel, là các khoáng sản chiến lược quan trọng cho các lĩnh vực kinh tế mới; có chín cảng biển lớn nhất thế giới, và có 10/14 quốc gia nhỏ nhất trên thế giới.
Vì tầm quan trọng đó mà tới nay, hơn 20 quốc gia, gồm các nước lớn, các “trung cường” và các tổ chức quốc tế quan trọng (bao gồm cả EU, ASEAN) đã ban hành chiến lược riêng để ưu tiên thúc đẩy quan hệ với khu vực này. Trong năm tới, sẽ có thêm nhiều quốc gia mới gia nhập xu thế “xoay trục” về khu vực.
Nằm ở điểm kết giao giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Đông Nam Á và ASEAN là một trụ cột ưu tiên mà không quốc gia nào muốn bỏ qua. Nhiều quốc gia đang ban hành chiến lược riêng thúc đẩy quan hệ với ASEAN, như Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc.
Sức hút của ASEAN không chỉ bởi ASEAN là nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới nằm ở vị trí địa lý hết sức trung tâm mà còn bởi chính sách phù hợp tổ chức này theo đuổi. ASEAN chủ trương kiến tạo một trung tâm phát triển kinh tế năng động, một cấu trúc khu vực rộng mở, cân bằng, quan hệ với tất cả các bên, không nhằm vào ai, không loại trừ ai, đề cao chủ nghĩa đa phương. Chủ trương này phù hợp với tất cả các quốc gia gần xa.
“Vai trò trung tâm” đang lên của ASEAN trong cục diện thế giới mới là một phần quan trọng giúp củng cố uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong năm tới.
Điểm sáng trong điểm sáng ASEAN
Trong khu vực trung tâm Đông Nam Á đó, Việt Nam là điểm sáng nổi bật vì được thế giới nhìn nhận là quốc gia ổn định, có tăng trưởng kinh tế cao. Năm 2023, Việt Nam là nước tăng trưởng cao thứ nhì trong ASEAN (chỉ sau Philippines), mặc dù gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2022. Ở mức 5,1%, tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn mức trung bình của châu Á (khoảng 4,7%) và cao hơn nhiều so với tăng trưởng trung bình của thế giới (2,7-2,9%).
Với số lượng những thỏa thuận hiệp định tự do đã ký kết nhiều nhất Đông Nam Á, tạo ra kết nối thông thoáng với tất cả các trung tâm kinh tế và chính trị lớn, quan trọng, Việt Nam là đối tác tự nhiên được nhiều quốc gia lựa chọn khi hướng về khu vực này. Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI vào Việt Nam năm 2023 đạt hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Trong xu thế đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phân tán rủi ro của nhiều quốc gia và tập đoàn lớn, Việt Nam tiếp tục là địa chỉ được quan tâm cao.
Quan trọng hơn, thế giới nhìn nhận Việt Nam là quốc gia tiềm năng đang chuyển đổi mạnh mẽ theo đúng hướng. Thế giới ngày nay đã biết đến Việt Nam với mạng lưới tuyến đường cao tốc đạt chuẩn quốc tế đang phát triển nhanh; một quốc gia đi đầu khu vực về phát triển năng lượng tái tạo; xã hội đề cao đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, với số smartphone tính trên đầu người đứng thứ hai Đông Nam Á (chỉ sau Thái Lan).
Thế giới còn biết đến Việt Nam là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, nickel của Việt Nam ít tạp chất và gần nguồn điện “sạch”, là nguồn nguyên liệu chất lượng cao hàng đầu đầy tiềm năng vì phù hợp với các thị trường xe điện khó tính nhất như Mỹ và châu Âu. Khi dân số trở thành tài nguyên quan trọng, nguồn lao động chất lượng cao, năng động, sáng tạo là tài sản chiến lược, Việt Nam trở thành địa bàn có sức cạnh tranh cao cho các lĩnh vực mới nổi như bán dẫn, công nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo…
Các tín hiệu lạc quan về triển vọng Việt Nam đến từ nhiều tổ chức dự báo uy tín thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam sẽ tăng lên 5,8%. Ngân hàng Standard Chartered, Ngân hàng Phát triển châu Á lạc quan hơn khi dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2024 ở mức 6%. Sự lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam thể hiện trong đăng ký doanh nghiệp mới năm 2023. Theo Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,2% so với năm 2022.
Các điểm nóng sẽ được nỗ lực kiểm soát
Tất cả tiềm năng và thế mạnh phát triển nói trên sẽ trở thành vô nghĩa nếu chúng ta không có môi trường hoà bình, ổn định, không hiện thực hoá được các tiềm năng to lớn đó.
Trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn bước ngoặt sang cục diện mới, nghị kỵ, cạnh tranh, đối đầu đang gia tăng ở nhiều khu vực, người ta không khỏi lo lắng liệu khu vực châu Á có duy trì được hòa bình, ổn định và tránh được các xung đột ngoài ý muốn?
Lo ngại đó không phải không có cơ sở, vì những năm trước đó, khu vực đã chứng kiến nhiều điểm nóng được ví như “thùng thuốc súng” ở khu vực như eo biển Đài Loan, Biển Đông, biển Hoa Đông, căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc và tình hình bán đảo Triều Tiên. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong hai năm 2022-2023, Mỹ và Trung Quốc đã có 300 lần nguy cơ chạm trán nguy hiểm trên biển và trên không. Một con số hú vía!
Mới vừa vào 2024, quan hệ liên Triều đã có những phát triển hết sức đáng ngại khi Triều Tiên tuyên bố từ bỏ mục tiêu thống nhất với Hàn Quốc, coi Hàn Quốc là quốc gia thù địch, liên tiếp bắn rocket vào vùng đệm biên giới và thử tên lửa với đầu đạn siêu thanh. Trong năm nay sẽ diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng ở Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia; chuyển giao thế hệ lãnh đạo tại Singapore khiến khu vực có thêm nhiều nhân tố bất ngờ, bất định chưa thể lường trước.
Mặc dù vậy, vẫn có lý do để lạc quan, tin tưởng rằng tình hình khu vực sẽ được kiểm soát, hoà bình, ổn định vẫn là xu thế chủ đạo. Quan hệ Mỹ-Trung ấm lên sau cuộc gặp hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị cấp cao APEC cuối năm 2023 chứng tỏ cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn kiểm soát cạnh tranh, không tạo thêm khủng hoảng.
Cả hai nước đều không muốn thấy có thêm điểm nóng nào khác bùng phát thành xung đột ở khu vực, nhất là khi cả hai nước lớn đều cần tập trung trí và lực vào các công việc nội bộ. Căng thẳng eo biển Đài Loan không bùng phát sau khi ứng cử viên đảng Dân tiến trở thành nhà lãnh đạo mới tại hòn đảo này. Căng thẳng Trung Quốc - Philippines trên Biển Đông hy vọng hạ nhiệt sau cuộc gặp song phương giữa Bộ Ngoại giao hai nước tại Thượng Hải ngày 18/1.
Cục diện đối ngoại rộng mở chắp cánh cho đất nước
Trong năm 2023, Việt Nam được một số nhà quan sát thế giới nhìn nhận là “quốc gia năng động” (active power) trên trường quốc tế, vì đã không thụ động ứng phó với tình hình mà chủ động góp phần định hình cục diện phù hợp với lợi ích chính đáng của dân tộc.
Trong thế giới mà từ khoá phổ biến là rạn nứt, đứt gãy, nghi kỵ, phân tách, Việt Nam đã chủ động củng cố lòng tin với các đối tác lớn, đối tác chiến lược; vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng; làm mới, đưa vào chiều sâu, bổ sung nội hàm các kết nối với các đối tác quan trọng, đối tác truyền thống; liên tục tìm kiếm cơ hội, khám phá các thị trường mới, tiềm năng.
Việt Nam tích cực đóng góp tiếng nói trên các diễn đàn đa phương; góp sức chung tay cùng cộng đồng quốc tế tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, từ các vấn đề khẩn cấp như động đất, thiên tai đến các vấn đề lâu dài như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực toàn cầu...
Nhiều nhà bình luận nhận xét Việt Nam là điển hình ứng xử thông minh, khéo léo và phù hợp trong bối cảnh thế giới ngày nay, là minh chứng sống động về tính hiệu quả của trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Với cục diện đối ngoại rộng mở, với tâm hồn, cốt cách, khí phách của người Việt, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục can trường vượt qua mọi khó khăn, biến động của thế giới, bản lĩnh, tự tin đem lại nhiều thành công to lớn mới trong năm 2024!