📞

Lãi suất âm cũng bất lực với Eurozone

08:07 | 05/07/2014
Gửi tiền tại ECB sẽ mất phí, do đó sẽ khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Tuy nhiên, lập luận này dường như rất khó ứng dụng khi châu Âu đang ì ạch bò ra khỏi khủng hoảng tài chính.
Ảnh minh họa.

Để đẩy lùi nguy cơ giảm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngày 5/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố một loạt biện pháp kích thích, trong đó ấn định lãi suất âm đối với những khoản tiền gửi vượt mức dự trữ tối thiểu theo yêu cầu của các ngân hàng tại ECB. Lần đầu tiên trong lịch sử ECB, lãi suất tiền gửi được hạ xuống -0,1% sau khi liên tục giữ ở 0% từ tháng 7/2012.

Nhiệm vụ bất khả thi

Quyết định mạnh tay trên không quá bất ngờ bởi các thị trường tài chính đã dự báo về quyết sách này, sau khi nhiều lãnh đạo ECB, bao gồm cả Chủ tịch Mario Draghi không ngừng hé lộ về những bước đi như vậy. Lãi suất âm - tức là các ngân hàng thương mại buộc phải nộp phí cho số tiền dự trữ của họ gửi tại ECB, thay vì được trả lãi như trước đây.

Lập luận phổ biến thường cho rằng, các ngân hàng sẽ phải cố gắng giảm bớt lượng tiền dự trữ tại ECB, hơn là gửi tiền để phải chịu phí và qua đó, sẽ khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Tuy nhiên, bằng chứng thực nghiệm tại một số quốc gia châu Âu như Đức, Đan Mạch… lại cho thấy kết quả ngược lại.

Mặc dù, lãi suất âm không trực tiếp trở thành lãi suất huy động mà các ngân hàng áp dụng đối với hoạt động gửi tiền thông thường của người dân (hoặc doanh nghiệp) trong khối Eurozone, những dòng tiền gửi vào các ngân hàng vẫn thoái lui mạnh mẽ. Chưa hết, lượng tín dụng cho vay cũng đã giảm mạnh vào thời điểm lãi suất âm được ấn định và tiếp tục giảm sau đó.

Như vậy, mũi tên thúc đẩy tín dụng cho vay của ECB có vẻ không tới đích. Tuy nhiên, đích khác là hướng đến đồng tiền chung rẻ hơn để hỗ trợ nhà xuất khẩu, giúp làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế mới bắt đầu phục hồi và đang đối mặt với tình trạng lạm phát thấp, cũng bị cho là không dễ dàng.

Tỷ lệ lạm phát của Eurozone trong tháng 5 đã bất ngờ tụt xuống chỉ còn 0,5%, thấp xa mục tiêu gần 2% mà ECB đặt ra và cũng là yếu nhất kể từ mùa Thu 2009. Lạm phát thấp cùng với thắt lưng buộc bụng đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ngay cả ở những nước chủ chốt như Pháp, Phần Lan và Hà Lan. Nếu Eurozone rơi vào giảm phát, người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít hơn bởi họ kỳ vọng giá sẽ còn giảm trong những tháng tới. Và cũng vì lý do này, các nhà đầu tư sẽ ngừng đầu tư. Do vậy tăng trưởng sẽ bị đình trệ còn lực cầu của thị trường bị giảm mạnh. Hệ quả là các khoản nợ lớn mà các quốc gia Eurozone, các doanh nghiệp và ngân hàng đang đối đầu sẽ khó hoàn trả hơn.

Cần Abenomics cho châu Âu

Trả lời phỏng vấn tờ Les Echos (Pháp), GS. Paul Krugman - chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2008 đã chỉ trích việc tiếp tục chính sách thắt lưng buộc bụng tại Eurozone. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo tại châu Âu làm theo Nhật Bản - nơi mà giải pháp Abenomics đang dần đưa quốc gia châu Á này thoát khỏi bẫy giảm phát. Đánh giá về một loạt biện pháp nới lỏng tiền tệ (giảm lãi suất trong đó có lãi suất tiền gửi âm, hỗ trợ tín dụng dài hạn) của ECB ông cho rằng, đáng ra biện pháp này phải được thực hiện sớm hơn, bởi những khó khăn lớn hiện đang tồn tại ở khắp Eurozone. Cùng với ECB, chính phủ các nước thành viên Eurozone còn cần phải chi tiêu ngân sách nhiều hơn và kích thích nền kinh tế tăng trưởng.

Lạm phát thấp đang làm tê liệt châu Âu và châu lục này cần bắt đầu những chính sách như Nhật Bản đã làm. Đó là ví dụ thực sự của một quốc gia đã lâm vào giảm phát và cũng có đặc điểm chung với châu Âu như dân số đang lão hóa, cầu tiêu dùng cá nhân yếu... Điều này có nghĩa phải từ bỏ mục tiêu lạm phát 2% bởi vì mục tiêu đó quá thấp để có thể thi hành chính sách nới lỏng tài khóa tạm thời, nhằm hỗ trợ nền kinh tế và thông qua một số chương trình cải cách cấu trúc lớn và ấn tượng.

Nếu tỷ lệ lạm phát âm, sẽ thật tai hại đối với các quốc gia đang phải đối mặt gánh nặng nợ cao dù đó là nợ của hộ gia đình hay nợ của Chính phủ. Bởi lạm phát càng thấp càng làm trầm trọng hơn các vấn đề liên quan đến nợ. Ngoài ra, cũng không nên lầm tưởng rằng chỉ có các nước lâm vào khủng hoảng nợ trước đây mới phải đi đầu trong nỗ lực chống giảm phát. Tây Ban Nha có thể có thặng dư tài khoản vãng lai, nhưng nước này cũng không thể không lo lắng về giảm phát. Và cuối cùng nên nhớ rằng, Đức - đầu tàu kinh tế trong khối Eurozone cũng đang có tỷ lệ lạm phát quá thấp.

An Sinh