Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài. (Nguồn: Kinh tế & Đô thị) |
Lãi suất, tỷ giá chịu áp lực từ nhiều phía
Thống kê của NHNN, tính chung cả năm 2021, thế giới có 113 lượt tăng lãi suất. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, có tổng cộng 269 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu.
Nhiều ngân hàng trung ương điều chỉnh tăng nhanh và mạnh lãi suất điều hành, như Fed (5 lượt lãi suất liên tiếp lên mức 3 - 3,25%), ECB (tăng 2 lượt với mức tăng 0,5% và 0,75%/năm), BoE, Canada, Hàn Quốc,… để kiểm soát lạm phát. Trong khối ASEAN, Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã liên tục tăng lãi suất điều hành.
Trong bối cảnh xu hướng lạm phát quốc tế tiếp tục ở mức cao, trong nước tác động vòng 2 tăng áp lực lên lạm phát, Fed tăng lãi suất nhanh, mạnh và dự báo đạt mức 4,5 - 4,75% vào cuối năm 2023, để tiếp tục thực hiện các biện pháp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ. Theo đó, ngày 23/9, NHNN điều chỉnh tăng 1%/năm lãi suất điều hành; tăng từ 0,3 - 1% lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND tại tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, dự trữ ngoại hối không còn dồi dào, dù cho cung ngoại tệ có dấu hiệu thoải mái hơn nhưng phía sức cầu biến động có thể còn phức tạp trong 3 tháng cuối năm. Vì vậy, NHNN chọn nới biên độ USD/VND từ mức ±3% lên ±5% và điều chỉnh tỷ giá.
Động thái nâng lãi suất điều hành và tỷ giá được giới chuyên môn đánh giá là một trong những biện pháp thực hiện nhằm phù hợp với diễn biến của thị trường, cân bằng cung cầu. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế 9 tháng 2022 đã đạt 10,54%, tương đương gấp 2,6 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn.
Hiệu chỉnh bảng lãi suất tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Nội. (Nguồn: Kinh tế & Đô thị) |
Trong khi gần đây, tỷ giá giao dịch giữa các ngân hàng trên liên ngân hàng nhiều lúc gần chạm trần và nguồn USD khá căng thẳng. Nhất là ở thời điểm cuối năm nhu cầu mua USD để thanh toán hàng hóa của DN khá lớn. Theo ước tính của ACBS, NHNN đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ, đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 89 tỷ USD, tương đương 12 tuần nhập khẩu.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”
Đến thời điểm này, đã có ngân hàng tăng lãi suất huy động lên mức 9,5%/năm, lãi suất cho vay cũng đã vượt qua ngưỡng 11%. Ngân hàng số Cake by VPBank vừa tăng lãi suất tiền gửi lên 9,5%/năm dành cho các khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên, kỳ hạn 36 tháng.
Trước đó, nhiều ngân hàng như SCB, ABBank, Kienlongbank, SeABank tăng lãi suất huy động lên trên 8,5%/năm. Nhiều nhà băng khác cũng đã đưa lãi suất huy động lên vùng 8%/năm như Viet Capital Bank, NamABank, VPBank... Với lãi suất huy động phổ biến ở mức 8 - 9%/năm thì lãi suất cho vay sẽ ở mức trên 11%/năm để bảo đảm lợi nhuận cho hoạt động của các ngân hàng.
Trong khi đó, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đều đã vượt mức 24.600 VND/USD, giá bán USD tự do đã tăng lên mức 25.000 đồng/USD. So với tuần trước, giá bán USD tại các ngân hàng đã tăng 430 - 470 đồng/USD. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng tới 6 - 7%.
Lãi suất, tỷ giá tăng khiến DN sản xuất đứng ngồi không yên. Giám đốc Công ty TNHH Veritas Shoes Việt Nam Lê Thanh cho hay, phía ngân hàng đã thông báo tăng lãi suất cho vay thêm khoảng 1%/năm, lên mức 9 - 10%/năm do mặt bằng lãi suất huy động tăng lên. Đáng nói là việc tăng lãi suất diễn ra ngay giai đoạn cuối năm khi các DN rất cần vốn để sản xuất kinh doanh. Không chỉ lãi suất đồng Việt Nam bật tăng mà hiện lãi suất đồng USD tăng từ 1% cuối năm ngoái lên 3,5% hiện nay. Cả hai yếu tố này khiến chi phí trên đồng vốn của DN cực kỳ lớn.
Là DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, Công ty CP Công nghệ Hà Lan (Vĩnh Phúc) thường phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất. Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Hà Lan Vũ Văn Hòa cho hay, giá nguyên liệu trên thế giới và tỷ giá tăng khiến công ty chịu tác động kép, chi phí sản xuất ngày càng đắt đỏ, trong khi giá sản phẩm không thể tăng tương ứng.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Nam Hà Đoàn Tiến Dũng cho biết, nếu như xuất sang thị trường Mỹ, DN chỉ tăng được một chút nhờ chênh tỷ giá, còn xuất sang thị trường châu Âu, DN phải bù lại gấp mấy lần. Trong những ngày này, chúng tôi rất đau đầu, phải tính toán kỹ để cân đối lại bài toán thị trường.
TS Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) nhìn nhận, mức lãi suất cho vay mới được các ngân hàng thông báo tới DN từ 11%/năm trở lên với khoản vay kỳ hạn 3 năm, cao hơn hẳn mức lãi suất 7 - 8%/năm được áp dụng trước đó.
Song suy đi ngẫm lại, với các DN, tổ chức kinh tế cũng đã dự đoán việc tăng lãi suất từ quý II năm nay và ít nhiều có sự chuẩn bị. Vấn đề đối với họ chỉ là thời điểm nào? Do đó tăng lãi suất của NHNN giống như cởi bỏ tâm lý. Giới DN, những người vay vốn chấp nhận lãi suất mới với kỳ vọng gì? Đó là tăng trưởng kinh tế. Có tăng trưởng, có sức mua, hàng hóa vẫn tiêu thụ được, dòng tiền vẫn về là điều DN cần.
“Mặc dù, người đi vay chắc chắn không dễ chịu bởi chi phí sản xuất bị đẩy lên, nhưng ít nhất họ vay được và dòng tiền luân chuyển sẽ nhanh hơn. Tiền được quay vòng nhanh, chảy vào đúng nơi cần sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giảm bớt các hiện tượng ứ đọng như chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các DN vốn đang rất phổ biến. Đây được xem là thời điểm "lửa thử vàng" để DN quản trị tốt hơn, tiết giảm chi phí trên mọi phương diện và cạnh tranh để giữ thị phần” - TS Phạm Thế Anh đánh giá.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, trong bối cảnh thị trường hàng hóa và ngoại hối còn diễn biến phức tạp, các DN xuất nhập khẩu cần chú ý để đảm bảo ổn định dòng tiền thanh toán, chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.
Theo ông Nghĩa, DN nên đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc chỉ sử dụng đồng USD. Đối với DN lớn kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, cần lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái đơn giản, thuận lợi.
“DN có thể sử dụng các hợp đồng hoán đổi, hợp đồng mua bán kỳ hạn nhằm đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được ổn định và ứng phó được với bất cứ rủi ro thị trường nào”, ông Nghĩa nói.
DN đang rất khó khăn, nhiều DN không có nguồn vốn để sử dụng khi mùa vụ kinh doanh cuối năm sắp hết. Trong khi đó, rất ít DN nhận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 2%. Cần giải ngân nhanh gói hỗ trợ 2% lãi suất và nới room tín dụng. Thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất sẽ làm trung hòa tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các DN được tiếp cận với nguồn vốn rẻ.
| Mặt bằng lãi suất tiếp tục tăng, có thể ''nóng'' hơn vào cuối năm Cuộc đua huy động vốn giữa các ngân hàng ngày càng nóng. Nếu như khoảng 2 tuần trước đây, mức lãi suất 8%/năm đã là ... |
| Đồng USD mạnh đến ‘mức nguy hiểm’ cuốn châu Á vào một cuộc khủng hoảng tài chính? Đồng USD đang dao động quanh mức cao nhất trong 20 năm, vẫn tiếp tục được đẩy lên bởi sự thắt chặt mạnh mẽ của ... |
| Đường đua tăng lãi suất thêm nóng, ngân hàng nào đứng đầu? Lãi suất huy động tại một số ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh thêm từ 0,3-1,35%/năm đối với nhiều kỳ hạn. |
| Doanh nghiệp 'lao đao' vì lãi suất tăng Việc lãi suất huy động được một số ngân hàng đẩy lên cao khiến các doanh nghiệp không khỏi lo ngại lãi suất cho vay ... |
| Mỹ đang vay nợ chồng chất? Nợ quốc gia của Mỹ lần đầu tiên tăng lên mức 31 nghìn tỷ USD, ghi nhận tại thời điểm lạm phát cao, lãi suất ... |