Đó là chia sẻ của tác giả Rose Courteau trong bài viết mới đăng tải trên tạp chí The Atlantic. TG&VN xin lược dịch, giới thiệu cùng bạn đọc.
Hai năm trước, tôi đến New York và tham gia tổ chức phi chính phủ Minds Matter (một tổ chức giúp các học sinh Trung học không có thành tích cao làm được một hồ sơ có thể vào được Đại học). Vai trò của tôi là người tư vấn, giúp cho các em viết sơ yếu lý lịch – một việc cực kỳ quan trọng quyết định học sinh có được nhận vào trường hay không.
Đa dạng hóa môi trường học tập
Giống như những học sinh kia, khi học Trung học, tôi đã quyết tâm sẽ vào học tại một trường Đại học danh tiếng. Tuy nhiên, thành tích học tập cũng như những hoạt động ngoại khóa mà tôi tham gia hoàn toàn thua xa những người khác. Khi đó, tôi đã tìm đến tổ chức phi lợi nhuận QuestBridge (tổ chức tương tự Minds Matter).
Ảnh minh họa. (Nguồn: The Atlantic) |
Tổ chức này giúp đỡ các học sinh bằng cách hướng dẫn viết hồ sơ ứng tuyển, trong đó kể về sự khó khăn trong cuộc sống, để các trường nhận thấy các ứng viên có cố gắng hơn những người khác để có được thành tích hiện tại. Họ còn đưa ra một danh sách những khó khăn để lựa chọn và ghi vào lý lịch, chẳng hạn như: Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của các học sinh, là người vô gia cư hay hằng ngày họ phải đi một quãng đường xa để đến học ở một ngôi trường tốt hơn.
Ngoài ra, những học sinh da màu, có thu nhập thấp cũng thường có nhiều cơ hội được tuyển hơn những học sinh khác. Chẳng hạn như Đại học Texas luôn tạo mọi điều kiện để các học sinh từ khắp mọi nơi đến học. Họ tin rằng, một trường học đa văn hóa sẽ rất tốt trong thời buổi toàn cầu hóa.
Xóa nhòa ranh giới chủng tộc
GS. Natasha Warikoo (Đại học Harvard) đã đề cập đến những nghịch lý về sự đa dạng văn hóa ở các trường trong quyển sách mới của bà: “The Diversity Bargain: And Other Dilemmas of Race, Admissions and Meritocracy Elite Universities” (tạm dịch là Đa dạng hóa ảnh hưởng đến sự phân biệt chủng tộc, tuyển dụng và trọng dụng nhân tài tại các trường Đại học danh tiếng).
Bìa cuốn sách của GS. Natasha Warikoo. |
Quyển sách được viết dựa trên kinh nghiệm của chính tác giả - một học sinh người Mỹ lai Ấn. Bà đã nghiên cứu tìm hiểu về hoàn cảnh của các học sinh từ các nơi trên thế giới học tập ở Brown, Harvard hay Oxford và năng lực trong quá trình học tập. Kết quả nghiên cứu cho thấy, điểm số trong kỳ thi SAT (kỳ thi kiểm tra năng lực bắt buộc để các học sinh được học lên bậc Cao học) của họ cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chủng tộc, địa vị và việc tham gia vào các hoạt động thể thao...
GS. Warikoo nhận thấy rằng, ở Brown và Harvard, bên cạnh những học sinh ủng hộ trường học có nhiều chủng tộc, màu da, phần lớn những học sinh khác không thích điều đó. Stephanie, một sinh viên của Đại học Harvard ủng hộ việc đa chủng tộc ở trường cho rằng việc học tập trong một cộng đồng đa văn hóa mang lại lợi ích cho mọi người, đó là một yếu tố ko thể thiếu khi học ở Harvard.
Bên cạnh đó, khi tìm hiểu trên các bài nghiên cứu của hai nhà xã hội học Richard Peterson and Roger Kern, GS. Warikoo đã nhận thấy rằng, việc đa dạng hóa ở các trường Đại học giúp cuộc sống của các học sinh trở nên tốt hơn. Các học sinh có năng khiếu ở những lĩnh vực khác nhau thường thân thiết với nhau hơn, họ bù đắp cho nhau và giúp đỡ nhau. Việc này cho thấy rằng nạn phân biệt chủng tộc đã giảm đáng kể.
Đa dạng hóa, nhưng cần bình đẳng
Nghiên cứu của GS. Warikoo cho thấy, thói kiêu ngạo của những học sinh ưu tú người Mỹ da trắng được xem là mầm mống của sự phân biệt chủng tộc trong tương lai. Hầu hết các học sinh da trắng cần có những kinh nghiệm thực tiễn bên ngoài để giành được cơ hội được học lên Đại học, trong khi các học sinh da màu hầu như không cần đến những kinh nghiệm đó nhưng vẫn được nhận. Khi Warikoo hỏi các học sinh suy nghĩ như thế nào về việc đa dạng hóa trong trường đại học, học sinh Elliot đã trả lời:
“Trước khi tôi nộp đơn vào trường, tôi đã không thích việc họ nhận các vận động viên thể thao một cách dễ dàng. Nhưng giờ, tôi đang học ở ngôi trường này, tôi cũng chẳng còn khó chịu về điều đó nữa. Tôi đã hiểu ra rằng, các vận động viên thể thao là một phần không thể thiếu trong trường học cũng như niềm đam mê bóng đá là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Tôi từng nghĩ rằng, họ là những người học dở tệ. Nhưng bây giờ tôi không còn nghĩ về họ như vậy nữa. Tôi nhận ra rằng họ tài năng theo cách riêng của họ”.
Nghiên cứu của Warikoo chỉ giới hạn trong phạm vi một vài trường học, nhưng nó cũng đã cho chúng ta những cái nhìn khác nhau về đa dạng hóa. Đa dạng hóa đã làm cho việc tuyển sinh các học sinh trở nên không công bằng. Vì vậy, mặc dù giúp đỡ các học sinh thay đổi lý lịch để thu hút các trường, tôi cũng thường cảnh báo họ phải tỉnh táo trước những cám dỗ từ việc sử dụng mánh khóe này.
Đây cũng là lý do GS. Warikoo phản đối việc các trường tuyển sinh dựa trên hoàn cảnh của học sinh. Điều đó làm mất đi cơ hội cho những học sinh tài năng khác. Chính hoàn cảnh đã giúp cho một số học sinh vào được trường đại học mà không phải nỗ lực nhiều như những học sinh khác.