Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên của Việt Nam, có diện tích gần 10 ngàn km2 (xếp thứ 7 cả nước, gồm 10 huyện và hai thành phố), là điểm kết nối giữa ba vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Dân số tỉnh Lâm Đồng hơn 1,3 triệu người, trong đó có khoảng 798.280 người đang trong độ tuổi lao động (chiếm gần 60% dân số), lực lượng lao động qua đào tạo đạt tỷ lệ cao trên 70%; GRDP bình quân đạt khoảng 3,7 tỷ USD, GRDP bình quân đầu người đạt 2,8 ngàn USD, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt gần 9%. Năm 2022, tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp loại khá, đứng thứ 17 trên cả nước.
Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã thu hút được 974 dự án, với tổng vốn 144.200 tỷ đồng (tương đương 6.324 triệu USD), trong đó có 98 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, đầu tư với tổng vốn khoảng 12.570 tỷ đồng (tương đương 551 triệu USD), với quy mô diện tích 2.234,8 ha.
Một góc Lâm Đồng. |
Phát huy những thế mạnh, tiềm năng
Tỉnh Lâm Đồng có vị trí chiến lược rất quan trọng về địa lý tự nhiên, địa kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường với điều kiện tự nhiên thuận lợi; tài nguyên du lịch giàu có, phong phú, đặc sắc, đa dạng đáp ứng phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao; văn hóa dân tộc đa dạng, người dân thân thiện và mến khách. Nền kinh tế có quy mô khá so với vùng Tây Nguyên, khả năng huy động vốn lớn.
Là vùng kinh tế nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, sinh thái hữu cơ công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và tuần hoàn, quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh đặc biệt là rau, hoa, chè, cà phê…. Toàn tỉnh có trên 320.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó: 66.150 ha sản xuất đạt tiêu chí công nghệ cao, 520 ha ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số, 1.500 ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ. Sản lượng rau hàng năm đạt 2,8 triệu tấn; hoa đạt trên 3,9 tỷ cành; chè đạt trên 160 ngàn tấn; cà phê đạt trên 600 ngàn tấn...
Phát triển du lịch là một thế mạnh của tỉnh, Lâm Đồng là một trong 25 địa bàn trọng điểm du lịch của cả nước, đặc biệt là các loại hình du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, hội nghị hội thảo, du lịch kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao, du lịch hoa, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm…
Công nghiệp chế biến được xác định là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp; đã hình thành các trung tâm bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Toàn tỉnh hiện có hai khu công nghiệp đang hoạt động là Lộc Sơn, Phú Hội với diện tích 292ha và đã quy hoạch Khu công nghiệp Phú Bình, diện tích 246ha; 10 cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích quy hoạch là 352 ha; trong đó, có sáu cụm công nghiệp đã được thành lập. Đã thu hút 86 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.990 tỷ đồng và 106,13 triệu USD tại hai Khu công nghiệp và 31 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2.000 tỷ đồng và gần 21 triệu USD tại các cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy tại Khu công nghiệp Lộc Sơn 80%, Phú Hội 100%, các cụm công nghiệp là 51,52%.
Australia - Thị trường tiềm năng của Lâm Đồng
Vốn đầu tư trực tiếp từ Australia vào tỉnh Lâm Đồng còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng.
Về xuất khẩu, những năm vừa qua, hàng hoá xuất khẩu sang Australia chủ yếu là cà phê nhân hạt xanh và hoa, Alumin. Đặc biệt, Australia là thị trường nhập khẩu hoa tươi cắt cành lớn, thuộc nhóm bốn thị trường xuất khẩu lớn nhất của Lâm Đồng. Đây sẽ là thị trường rất tiềm năng của Lâm Đồng, nhất là trong bối cảnh tỉnh đang đặt mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm sản xuất hoa tươi hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Australia cũng là một trong 10 thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2022 và sáu tháng đầu năm 2023, số lượng du khách từ thị trường Australia đến Lâm Đồng đạt 6.062 người.
Ga Đà Lạt - Lâm Đồng. |
Nhằm xúc tiến hợp tác, đầu tư trên các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch; tìm hiểu thị trường, kết nối, thúc đẩy xuất khẩu nông sản thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng (như cà phê, hoa, sầu riêng, nông sản chế biến…) sang thị trường Australia, cuối năm 2022, Đoàn công tác của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã đến thăm, làm việc và xúc tiến thương mại tại Australia, qua đó, đã tổ chức chương trình giới thiệu nông sản Lâm Đồng đến người tiêu dùng Australia tại trụ sở đối ngoại của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney, Australia. Với mục đích quảng bá sản phẩm thế mạnh tại Lâm Đồng, đặc biệt là nông sản (cà phê, trà, điều, sầu riêng, bơ, hoa..) sự kiện đã thu hút được sự quan tâm lớn của các đối tác, các nhà đầu tư. Tại chương trình đã giới thiệu hơn 70 loại sản phẩm nông sản đặc trưng của Lâm Đồng đến người tiêu dùng Australia và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư Australia đã đặt vấn đề với tỉnh và các doanh nghiệp có sản phẩm giới thiệu trong việc nghiên cứu xuất khẩu cà phê Lâm Đồng qua Australia. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân Australia cũng đã trực tiếp dùng thử các mặt hàng nông sản tại sự kiện và đánh giá cao chất lượng của sản phẩm.
Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục kết nối với Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney, Australia và Thương vụ Việt Nam tại Australia, cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục chủ động kết nối với chính quyền thành phố Sydney, thành phố Melbourne, Hội doanh nhân Việt Nam (VBAA) tại Australia để tăng cường, thúc đẩy hơn nữa việc trao đổi, hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Australia.
Tỉnh Lâm Đồng mong muốn kêu gọi các doanh nghiệp Australia đến tìm hiểu các cơ hội hợp tác, giao thương với tỉnh trong các lĩnh vực về sản xuất chế biến nông sản, cà phê, rau hoa... đồng thời cam kết chính quyền tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp Australia đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kết nối giao thương, kết nối các hoạt động du lịch với các doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng.