📞

Làm gì để đáp ứng nhu cầu than trong nước?

10:35 | 22/12/2014
Việc khai thác và sử dụng than hiệu quả trong những năm qua đã tạo điều kiện cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tăng nhanh năng lực sản xuất, chuẩn bị nguồn than cho nền kinh tế vào những năm tới. Ngành than cũng bám theo các quy hoạch Điện VI, Điện VII để phát triển sản xuất và chuẩn bị cho nhập khẩu than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Một góc cảng than Cửa Ông (Quảng Ninh).Ảnh: Bá Hoạt

Với sản lượng khoảng 40 triệu tấn/năm, ngành than mới đáp ứng đủ cơ cấu chủng loại than cám 2, 3, 4 cho sản xuất xi măng, phân bón, giấy, luyện kim... vào khoảng 7 triệu tấn (chiếm 17-18%), còn lại là các loại than cục, cám chất lượng cao, cám trung bình và cám nhiệt năng thấp. Sau khi cân đối đủ nhu cầu trong nước, các loại than này cung cấp cho sản xuất điện, phân bón, các hộ khác, số than còn lại chưa dùng mới xuất khẩu. Ba năm gần đây, TKV chỉ xuất khẩu ở mức tối thiểu để ổn định việc làm cho công nhân. Năm 2015, để xuất khẩu 2 triệu tấn than cục, than cám chất lượng cao trong nước không có nhu cầu sử dụng, tập đoàn phải tìm bạn hàng khắp các nước để tiêu thụ, vì nếu để một vài tháng, loại than cục sẽ tự phong hóa, giảm giá trị sử dụng.

Theo TKV, căn cứ vào quy hoạch ngành điện và quy hoạch ngành than, năng lực sản xuất của ngành than chỉ đáp ứng tối đa 2/3, nhu cầu còn lại phải nhập khẩu. Kế hoạch năm 2015, ngành than vẫn đáp ứng đủ nhu cầu than trong nước và chỉ nhập một tỷ lệ nhỏ sử dụng cho một số hộ vật liệu xây dựng, lò hơi trong các nhà máy công nghiệp... để pha trộn, dùng thử từng bước quen với than nhập khẩu cũng như để tham gia thị trường kinh doanh than trên thế giới. Từ năm 2016 sẽ phải nhập khẩu than cho sản xuất điện. Nếu các dự án điện đúng tiến độ sẽ nhập 3-5 triệu tấn và tăng dần qua các năm.

Để bảo đảm phần than trong nước thiếu hụt, TKV tiếp tục đẩy mạnh việc thăm dò, khai thác bể than vùng Đông Bắc Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và các mỏ than vùng nội địa, nơi có điều kiện khai thác thuận lợi hơn, chất lượng than tốt, trữ lượng tài nguyên có thể tính đến 8-9 tỷ tấn ở độ sâu 1.000-1.200m; đồng thời đang nghiên cứu thử nghiệm khai thác than vùng Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, do điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, xuống sâu trong lòng đất, nên phải đầu tư lớn cho sản xuất, khiến chi phí khai thác tăng cao. Hiện nay, tại Quảng Ninh, khai thác than hầm lò đã xuống đến 300m và 500m so với mặt nước biển, than lộ thiên cũng phải bóc 11m3 đất mới có được 1 tấn than (so với trước kia là bóc 3,5m3 đất).

Theo quy hoạch phát triển ngành than đã được phê duyệt, mỗi năm phải đầu tư 18-19 nghìn tỷ đồng để các dự án sản xuất than vào đúng tiến độ. Mặc dù vậy, thời gian qua nhiều dự án đã bị chậm do nhiều nguyên nhân. Trước hết là thủ tục đầu tư, cấp phép thăm dò khai thác bị kéo dài; nguồn lực cho đầu tư bị hạn chế vì nhiều năm phải bán than thấp hơn giá thành cho một số hộ trong nước… Trong điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu, vận chuyển xa hơn, dây chuyền sản xuất sẽ phức tạp hơn, hao phí lao động, chi phí sản xuất theo đó cũng tăng cao….

Để giải quyết những khó khăn hiện nay, theo TKV, Nhà nước cần điều chỉnh các loại thuế phí cho phù hợp cũng như có các giải pháp đồng bộ về cơ chế chính sách, huy động vốn, các thủ tục trong đầu tư xây dựng cơ bản để giải quyết các dự án cấp bách tăng sản lượng than theo quy hoạch cũng như tạo điều kiện để ngành than có nguồn để cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập cho thợ lò.

Theo Hà Nội mới