📞

Làm gì để khán giả đến với phim tài liệu?

10:33 | 26/03/2008
Phải chăng mốt phim ký sự mang tính khám phá - du lịch đã hoàn toàn áp đảo khán giả của phim tài liệu kiểu cổ điển?

Trở lại với lời kết trong bộ phim tài liệu "Chất xám" của đạo diễn Nguyễn Thước vừa giành Cánh diều Vàng tại giải Cánh diều 2007 “từ bánh quay nước mía vỉa hè đến Cty nước mía siêu sạch là cả một chặng đường dài của nhận thức”, vậy phim tài liệu thời nay cần được hiện đại hóa trong nhận thức của người xem như thế nào?

Tại giải Cánh diều 2007 vừa qua, thể loại phim tài liệu nhựa không có “vàng”, nhưng phim tài liệu video thì đã có “nhất”: phim Chất xám của đạo diễn Nguyễn Thước (Hãng phim Tài liệu - Khoa học T.Ư).

Không cầu kỳ về nghệ thuật hay chau chuốt khuôn hình, công việc của Chất xám là gặp đúng người đúng việc: Chúng ta đã nhìn nhận người tài và tạo điều kiện cho người tài môi trường sáng tạo tốt chưa, những “cô gái triệu đô” và “chàng trai bạc tỉ” vẫn ở tâm thế làm thuê chưa dám làm chủ, tại sao bây giờ chúng ta mới bắt đầu công việc mà người nước ngoài đã làm cả trăm năm…?

Có lẽ giám khảo đã tâm đắc với điều mà người làm phim đề cập: Chúng ta không thể đợi tài năng như gặt lúa trời, muốn tạo ra tài năng cũng phải biết thâm canh.

Vậy còn người làm phim tài liệu phải thâm canh như thế nào để tác phẩm của mình đến được với khán giả thay vì ngồi đợi hữu xạ tự nhiên hương?

Vài năm gần đây, Hãng phim Tài liệu - Khoa học T.Ư đã kết hợp với MFC media film  để phát hành thử nghiệm các phim đoạt giải cao dưới dạng DVD, những đầu phim bán được kha khá có thể kể Sự sống ở rừng Cúc Phương (đạo diễn Nguyễn Văn Hướng, giải Cánh diều vàng 2005), Còn lại với thời gian (đạo diễn Lê Hồng Chương, giải Cánh diều vàng 2005, Phim tài liệu hay nhất tại LHP châu Á - TBD 2006), Những nẻo đường công lý (đạo diễn Lại Văn Sinh, giải Cánh diều vàng 2004, Phim hay nhất tại LHP châu Á- TBD 2005)…

Những công việc làm phụ đề tiếng Anh cho phim, đầu tư kỹ ở bìa đĩa, đặc biệt là bìa 1 và bìa 4 sao cho hấp dẫn hơn, màu sắc hơn, thâm nhập vào các nhà sách, cửa hàng băng đĩa (chứ không chỉ trông chờ ở đài truyền hình hay rạp chiếu bóng) là một cách tiếp cận khán giả. Nhưng công đoạn này đang khá chậm chạp, vừa làm vừa thăm dò.

Quả thực đáng tiếc nếu Sự sống ở rừng Cúc Phương, một bộ phim khuôn hình chau chuốt ghi lại những khoảnh khắc đầy lãng mạn của thiên nhiên, ở đó mỗi ngọn cỏ cành cây cũng có thể kể cho chúng ta một câu chuyện dài lại không đến được với những khán giả yêu thích phim về đề tài này.

Khi trăn trở tìm lối thể hiện cho phim Thu Cúc đi kiện, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã xem rất nhiều phim tài liệu và chính phong cách tài liệu đã đem lại thành công cho phim truyện Thu Cúc đi kiện, trong phim Rừng đen của đạo diễn Vương Đức cũng cho cảm giác gần như phim tài liệu bởi chất xô bồ, dữ dằn của cuộc sống.

Biết bao lợi thế và cái hay, cái đẹp của phim tài liệu đã được người làm phim truyện khai thác. Sẵn ưu thế này, người làm phim tài liệu chỉ cần mềm hơn trong cách kể chuyện người thực việc thực, săm soi kỹ hơn những góc độ thú vị của đời sống sôi động…, ngay cả Chất xám đã hiện lên trong nhịp phim nhanh nhẹn thì vẫn cần gia công thêm với giọng đọc lời bình trẻ trung và hiện đại hơn, âm nhạc quyến rũ hơn.

Trong thời đại của quảng bá thương hiệu hiện nay, thêm một chút điểm trang cho phim tài liệu chắc chẳng khó khăn gì.

Theo Tiền Phong