📞

Lạm phát tăng cao, người dân Singapore quay cuồng trong cơn bão giá

Ngọc Hạ 11:39 | 04/08/2022
Theo cơ quan thống kê Singapore, lạm phát cơ bản của đảo quốc sư tử tiếp tục tăng trong những tháng qua. Dữ liệu chính thức được công bố vào ngày 25/7 cho thấy mức tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất kể từ tháng 11/2008 - thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ.
Quầy bán thực phẩm đường phố tại một trung tâm ẩm thực của Singapore. (Nguồn: Bloomberg)

Ông Lie Kam Fatt là chủ một quầy bán bánh truyền thống của người Hoa tại Singapore đã hơn 40 năm nay. Quầy hàng của ông bày bán rất nhiều loại súp ngọt và sữa trứng, bánh nướng nhân vừng đen và đậu đỏ.

Vừa qua, ông đã phải đưa ra quyết định khó khăn, điều mà ông chưa từng làm trong suốt 3 năm - tăng giá bán. Hiện ông Lie đã tính thêm 50 xu Singapore cho mỗi bát. Dù cho con số này không nhiều, nhưng đối với khách hàng của ông, chủ yếu là người cao tuổi có thu nhập thấp, mỗi xu đều rất đáng giá.

“Tôi biết một số khách hàng của mình sẽ phàn nàn về điều đó, nhưng tôi có thể sẽ phải đóng cửa quầy hàng nếu không tăng giá. Tất cả các nguyên liệu đầu vào đang ngày càng đắt đỏ”, ông Lie phân trần.

Từ những hộ kinh doanh nhỏ lẻ...

Quầy hàng của ông Lie đặt tại Trung tâm ẩm thực và khu phức hợp Chinatown của Singapore. Đây cũng là trung tâm lớn nhất trong số hơn 100 trung tâm tập trung các quầy bán hàng rong, các khu ẩm thực ngoài trời với nhiều món ăn hấp dẫn, giá cả phải chăng.

Các quầy bán thực phẩm đường phố vẫn đặc biệt phù hợp với tầng lớp người dân có thu nhập thấp của Singapore, những người đang phải vật lộn với mức sống 5 SGD/ngày (khoảng 3,6 USD/ngày). Và với họ, chỉ mức tăng giá khoảng 50 xu cũng mang đến sự khác biệt khá lớn.

Ông Lie là một trong số nhiều người bán hàng rong ở Singapore đã buộc phải tăng giá hàng hóa trong nửa đầu năm 2022 do chi phí của nhiều nguyên liệu đầu vào như dầu ăn, thịt gà hay trứng... đã liên tục tăng trong năm qua do tác động của đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông than phiền, chỉ riêng giá hạt hạnh nhân mà ông sử dụng để làm bánh đã tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 11/2021- từ 7 SGD/kg lên 14,50 SGD/kg.

“Trong suốt những năm mở quầy hàng này, tôi chưa từng chứng kiến giai đoạn nào mà mọi thứ trở nên đắt đỏ trong một thời gian ngắn đến như vậy. Nhưng tôi vẫn phải tiếp tục bởi đây là công việc kinh doanh từ thời cha ông để lại”, ông Lie bộc bạch.

Một chuyên gia phê bình ẩm thực địa phương cho biết, mặc dù giá cả tăng nhưng lượng thực khách vẫn gia tăng đều đặn. Nhiều trung tâm ẩm thực ghi nhận lượng thực khách tăng khoảng 60% trong những tháng qua giữa bối cảnh các hạn chế để phòng chống dịch Covid-19 tại nơi công cộng được dần gỡ bỏ.

Anh Daniel Seetoh, một cựu đầu bếp khách sạn chuyển sang kinh doanh ẩm thực đường phố trong hơn một năm qua cho biết, phần lớn các nguyên liệu sử dụng cho sản phẩm đã tăng giá gấp đôi.

Giá một chai dầu ăn Golden Medallion 16kg đã tăng từ 26 SGD lên 47 SGD. Trong khi đó, 1 khay 30 trứng gà đã tăng lên 6,90 SGD từ 4,7 SGD hồi tháng 5/2022.

“Phần lớn chủ kinh doanh ẩm thực đường phố đều lấy hàng từ cùng một vài nhà cung cấp. Tôi đã bắt đầu tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế, chủ yếu là qua trực tuyến với hy vọng giá cả có thể phải chăng hơn”, anh Seetoh cho hay.

Không giống những chủ kinh doanh khác, anh Seetoh quyết định không tăng giá. Dù mức doanh thu vẫn không đổi nhưng lợi nhuận anh thu về thấp hơn hẳn do chi phí nguồn cung ngày càng gia tăng.

Seetoh bộc bạch, mặc dù chi phí đầu vào tăng tới 50% nhưng nhiều chủ cửa hàng không thể tăng giá giữa bối cảnh cạnh tranh gay gắt ở Singapore.

“Nhiều chủ hàng không dám tăng giá bởi chỉ cần vài bước chân, khách hàng đã có thể mua cùng một mặt hàng với giá rẻ hơn 50 xu”, anh dẫn chứng.

...đến tầng lớp thu nhập thấp

Theo cơ quan thống kê Singapore, lạm phát cơ bản của đảo quốc sư tử tiếp tục tăng trong những tháng qua. Dữ liệu chính thức được công bố vào ngày 25/7 cho thấy mức tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 11/2008 - thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ.

Mặc dù Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) dự báo lạm phát sẽ giảm bớt sau khi đạt đỉnh trong quý III/2022, nhưng lạm phát cơ bản dự kiến sẽ vẫn ở mức cao khoảng 3,5%-4% vào cuối năm nay.

Dù vậy, đây là điều được dự báo trước giữa bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn, cuộc xung đột Nga-Ukraine đang tiếp diễn và những ảnh hưởng lâu dài của đại dịch Covid-19.

Người dân mua sắm tại một chợ dân sinh ở Singapore. (Nguồn: Bloomberg)

Giá cả tăng tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều người dân Singapore, đặc biệt là những người có thu nhập thấp đến trung bình, những người dành phần lớn ngân sách cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, điện nước…

Phân tích của Ngân hàng DBS dựa trên dữ liệu từ 1,2 triệu khách hàng cho thấy, nhiều người tiêu dùng Singapore đang chi tiêu nhiều hơn so với thu nhập, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập là 64% vào tháng 5/2022, tăng từ mức 59% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, ở tầng lớp thu nhập thấp tại nước này đang xảy ra hiện tượng chi phí tăng nhanh hơn 5,6 lần so với thu nhập. Đây cũng là lý do chính khiến các nhà hoạch định chính sách ưu tiên cứu trợ cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất.

Irvin Seah, chuyên gia kinh tế cấp cao của DBS nhận định: “Từ quan điểm chính sách, với một đồng SGD mạnh chắc chắn sẽ giúp ‘kiềm chế lạm phát nhập khẩu’.

Cơ quan tiền tệ Singapore đã thắt chặt chính sách tiền tệ 4 lần kể từ năm ngoái, và các gói tài khóa đã cung cấp cứu trợ đặc biệt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Nhưng ngay cả như vậy, việc quản lý tài chính vẫn thuộc về trách nhiệm của mỗi cá nhân khi giảm thiểu tác động của lạm phát”.

(theo SCMP, Bloomberg)