PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, mỗi gia đình cần lên kế hoạch, sắp xếp lịch trình hoạt động để giảm áp lực ngày Tết Nguyên đán. |
Không khí náo nhiệt chuẩn bị cho những ngày Tết, đường phố sắc màu với nhiều mặt hàng và đèn trang trí có thể khiến cho nhiều người cảm thấy rộn ràng, náo nức và mong chờ đến những thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Tuy nhiên, với nhiều người khác, thời gian nghỉ Tết, mỗi ngày đều trở nên ngắn lại với những deadline công việc trước khi nghỉ Tết, một danh sách những cuộc viếng thăm, những quà tặng cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp đang tạo nên những áp lực không nhỏ.
Trong rất nhiều nguyên nhân, nguyên nhân thường được đề cập dẫn đến căng thẳng thường được cho là lo lắng về các vấn đề tài chính. Ở khu vực thành phố, nhiều người được hỏi cho rằng mức chi trung bình cho quà tặng, thăm viếng, du lịch hoặc sự kiện trong mùa nghỉ lễ thường từ 15-20 triệu sẽ là những gánh nặng với nhiều gia đình.
Trải qua một năm với nền kinh tế bị tổn thương, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, thu nhập trung bình giảm, chi phí cuộc sống và đi lại dịp Tết cao lên… khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng hơn khi nghỉ Tết đang cận kề. Nhiều người còn nói vui với nhau giá mà 2 năm mới có Tết một lần. Điều này không phải là vô căn cứ vì có đến 30% chúng ta căng thẳng hơn, ngủ ít hơn vào những ngày nghỉ Tết.
Những tưởng kỳ nghỉ lễ sẽ là thời gian được thư giãn, ngủ bù nhưng hóa ra đây lại là thời gian nhiều người phải vật lộn với giấc ngủ. Thói quen sinh hoạt hàng ngày bị gián đoạn, tiêu thụ nhiều đồ ngọt, uống nhiều rượu, ăn quá no, tiếp khách quá khuya khiến chúng ta mất ngủ.
Để hạn chế việc thăm viếng, tiếp khách và bị động với lịch sinh hoạt ngày Tết, hiện nay nhiều người tạo ra thói quen nghỉ Tết mới. Tết sẽ là thời gian để cả gia đình đi du lịch nhưng rồi chúng ta vẫn lại gặp những khó khăn về việc đi lại, chất lượng dịch vụ không hài lòng và thậm chí vẫn gặp phải khó khăn với giấc ngủ vì “lạ giường, lạ không gian” ở điểm đến.
Liên quan đến chất lượng giấc ngủ trong kỳ nghỉ lễ, chị em thường chịu căng thẳng và mất ngủ nhiều hơn anh em. Có lẽ nguyên nhân là do vai trò của họ chịu trách nhiệm trong cân đối thu chi cũng như áp lực kỳ vọng văn hóa truyền thống của trách nhiệm dâu con quá tải với các nhiệm vụ nấu nướng, dọn dẹp, thu xếp các hoạt động ngày Tết.
Năm mới cũng là thời điểm chúng ta đặt ra nhiều mục tiêu, dự định mới. Để ứng phó với căng thẳng và mất ngủ trong kỳ nghỉ lễ, rất nhiều người đã lập kế hoạch và dự định thực hiện những hành động cụ thể để cải thiện sức khỏe tinh thần và giấc ngủ của mình trong kỳ nghỉ lễ. Ví dụ như sẽ thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh hơn, hạn chế bia rượu, ưu tiên nghỉ ngơi và giấc ngủ, sẽ thực hiện một số hoạt động thể thao hoặc thời gian để thiền thư giãn. Vấn đề là hầu hết nó vẫn chỉ là những dự định không thực hiện được vì chúng ta luôn ở trong mâu thuẫn giữa việc phải duy trì khuôn mẫu của Tết truyền thống và những quyết tâm. Và cuối cùng có đến hơn 40% đã chọn từ bỏ các quyết tâm này.
Hiểu được những áp lực và những nguy cơ ngày Tết, mỗi gia đình cần lên kế hoạch, sắp xếp lịch trình hoạt động và mua sắm, chuẩn bị ngày Tết trước để giảm bớt căng thẳng. Tết là đoàn viên, Tết là tình thân nên không cần quá cầu kỳ, đặt quá nhiều kỳ vọng làm mọi thứ trong mấy ngày Tết.
Một cái Tết chất lượng chỉ cần giản dị để giúp cân bằng giữa hoạt động ngày Tết của cả gia đình và sự thư giãn nghỉ ngơi của các cá nhân. Đảm bảo mỗi người vẫn có được những khoảng thời gian riêng tư. Hãy kiên định với những kế hoạch tập luyện, thực hành thiền, duy trì chế độ ăn cân đối, hạn chế đồ ngọt và chất kích thích.
Mỗi cá nhân cũng hãy chú ý đến chất lượng giấc ngủ trong kỳ nghỉ lễ, duy trì một lịch trình ngủ đều đặn và hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử kết nối internet để giấc ngủ không bị gián đoạn. Các thành viên trong gia đình cần cùng nhau chia sẻ công việc chuẩn bị cho những nghi lễ Tết truyền thống để san sẻ công việc với chị em.
Từ những hành động nhỏ chia sẻ với nhau, mỗi cá nhân sẽ có thể cân bằng thời gian, tận hưởng kỳ nghỉ lễ một cách trọn vẹn hơn. Và nghỉ Tết sẽ là một thời gian "giảm xóc" ý nghĩa, giúp chúng ta phục hồi năng lượng để quay lại với một năm mới làm việc hứng khởi.
| Để xây dựng trường học hạnh phúc, học sinh và giáo viên phải hạnh phúc Cốt lõi của trường học hạnh phúc, ngay bản thân giáo viên và học sinh phải cảm thấy hạnh phúc và được tôn trọng. |
| Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh công bố kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển bằng học bạ Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh công bố kết quả phân tích điểm trung bình tích lũy hiện tại của sinh viên trúng ... |
| Hà Nội: Rét đậm, trường chuyển sang học trực tuyến Thời tiết rét đậm, rét hại trong nhiều ngày qua khiến hàng chục nghìn học sinh ở các tỉnh, thành phải nghỉ học. Để ứng ... |
| Thưởng Tết giáo viên - động lực cho mỗi người thầy Chỉ hơn chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán và câu chuyện thưởng Tết giáo viên lại là nỗi niềm của những người cầm ... |