Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique A. Manalo. |
Hai Bộ trưởng bày tỏ hài lòng trước những tiến triển hết sức tốt đẹp trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Philippines trên các lĩnh vực, nhất là sau chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Philippines (11/2022).
Để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước trong thời gian tới, hai Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ để bảo đảm thành công của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos trong năm 2023, tích cực thúc đẩy các cơ quan liên quan của hai nước sớm nối lại các cơ chế hợp tác song phương bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó có việc tổ chức Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao.
Bộ trưởng Manalo nhấn mạnh cần triển khai hiệu quả Chương trình hành động quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Philippines giai đoạn 2019-2024, hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược; nhất trí mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, thương mại điện tử… như tinh thần Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Bongbong Marcos đã thống nhất tại cuộc gặp nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN (11/2022).
Hai bên ghi nhận bước tiến lớn trong thương mại hai chiều với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Philippines đạt gần 8 tỷ USD trong năm 2022, tăng gần 15%.
Để sớm đưa thương mại hai nước đạt 10 tỷ USD, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên hạn chế việc áp đặt các rào cản thương mại đối với hàng hóa của nhau và tăng cường mở cửa thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu chủ đạo của hai nước, đồng thời tận dụng hiệu quả các FTA hai nước cùng tham gia.
Bộ trưởng Enrique Manalo đánh giá cao việc Việt Nam khẳng định duy trì xuất khẩu gạo sang Philippines, hỗ trợ Philippines bảo đảm an ninh lương thực.
Hai Bộ trưởng cũng nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực hải quân, cảnh sát biển, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó sự cố tràn dầu trên biển, hợp tác bảo vệ môi trường biển và nghiên cứu khoa học biển… cũng như sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 10 Nhóm Công tác chung về các vấn đề biển và đại dương; khẳng định sẽ tiếp tục tích cực hợp tác giải quyết tốt vấn đề ngư dân tàu thuyền trên tinh thần nhân đạo và quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
Hai bên thống nhất tăng cường phối hợp và tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là Liên hợp quốc và ASEAN; thúc đẩy đoàn kết và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề lớn liên quan đến an ninh, lợi ích của mỗi nước và của khu vực.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác trong việc thực hiện hiệu quả DOC và thúc đẩy sớm đạt COC hiệu quả và thực chất.