Chiều 10/7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Lễ công bố ấn phẩm Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019. (Ảnh: CV) |
Doanh nghiệp là khu vực kinh tế đóng góp quan trọng nhất vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua nhiều chính sách, Nghị quyết được ban hành và đi vào cuộc sống như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, các Nghị quyết số 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế.
Để đáp ứng yêu cầu của các nhà quản lý, nghiên cứu sử dụng thông tin phục vụ mục tiêu hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương , từ năm 2019, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì biên soạn Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam thường niên.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố Sách trắng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, việc công bố bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp sẽ đưa ra được bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển doanh nghiệp Việt Nam, giúp các địa phương thấy rõ mình đang nằm ở đâu trên bản đồ phát triển doanh nghiệp Việt Nam.
Chẳng hạn, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 cho thấy, riêng TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã có tổng số 371.386 doanh nghiệp, chiếm hơn 50% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Nhưng hiện đang thấy rõ tốc độ phát triển doanh nghiệp tại hai địa phương này đang chậm hơn nhiều địa phương khác, xếp ở vị trí lần lượt là 18 và 42, nên cần có giải pháp để giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Như vậy, Sách trắng là ấn phẩm quan trọng và cần thiết giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có cái nhìn tổng thể, để hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển bền vững và hiệu quả doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh lực lượng doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, cùng với định hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, yêu cầu về công khai hóa thông tin doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Đây là tiền đề để xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Việc hệ thống hóa và minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp còn phục vụ hiệu quả cho công tác hoạch định chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô, đồng thời, phục vụ cho nhu cầu thông tin của chính doanh nghiệp khi tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Nội dung Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển DN cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018, gồm 4 phần: (1) Bối cảnh phát triển doanh nghiệp năm 2018; (2) Tổng quan phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; (3) Các giải pháp phát triển doanh nghiệp; (4) Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 (Toàn quốc và địa phương). Đồng thời Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 cũng tôn vinh những doanh nghiệp có đóng góp tích cực nhất vào phát triển kinh tế của cả nước và các địa phương.
Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam thường niên sẽ cung cấp thông tin toàn cảnh về thực trạng phát triển doanh nghiệp theo ngành kinh tế, theo loại hình doanh nghiệp và theo địa phương, từ đó giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin trong hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển bền vững và hiệu quả doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương. Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam là nguồn thông tin hữu ích cho các tổ chức quốc tế, các nước, các doanh nghiệp trong đánh giá và đưa ra các quyết định đầu tư, hợp tác.
Sách trắng còn phản ánh tốc độ tăng trưởng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nộp thuế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước... của doanh nghiệp. Nhiều nội dung về doanh nghiệp như (vốn hóa, chứng khoán, cổ phiếu, lợi nhuận của doanh nghiệp…) cũng được công bố dựa trên thông tin, số liệu được các bộ, ngành phối hợp cung cấp.
Ngoài ra, qua Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính cũng đã cung cấp những thông tin số liệu về đóng góp ngân sách nhà nước, chỉ tiêu về 1000 doanh nghiệp đóng thuế Thu nhập doanh nghiệp cao nhất; chỉ tiêu về thu nhập của người lao động; chỉ tiêu về lợi nhuận của doanh nghiệp; chỉ tiêu vầ tỷ lệ số doanh nghiệp đang hoạt động/1000 dân…
Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển. Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08% so với năm 2017 - mức tăng cao nhất 11 năm qua. Chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và từng bước được tăng cường. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Tốc độ tăng số doanh nghiệp đang hoạt động năm 2018 so với 2017 của các địa phương. (Nguồn: TCTK) |
Theo đó, những năm qua môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới (Doing Business 2019), Việt Nam cùng với Indonesia là nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 16 năm qua, với 42 cải cách. Năm 2018, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016, từ thứ 82 lên thứ 69 trong tổng số 190 nền kinh tế được khảo sát.
Năm 2018, chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp vị trí thứ 45/126 nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2017.
Trong năm 2018, đa số Bộ, ngành đã hoàn thành việc xây dựng các Nghị định về điều kiện kinh doanh và được Chính phủ thông qua. Trong đó, một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, thiếu rõ ràng được cắt bỏ, rút ngắn yêu cầu về thời gian, giảm các yêu cầu về số lượng, cắt bỏ và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh về địa điểm và cơ sở vật chất…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, môi trường kinh doanh vẫn còn một số bất cập, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục, từ đó tạo động lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, đó là: Thủ tục hải quan và quản lý, kiểm tra chuyên ngành tuy đã có những bước cải thiện nhưng còn chậm, làm cho thứ bậc của Việt Nam bị giảm; Chỉ số Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản trong nhiều năm không có bất kỳ cải cách gì và thứ hạng liên tiếp giảm bậc qua các năm; Về xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo kết quả xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) của Việt Nam giảm 4 bậc (từ 74 xuống vị trí 77).