📞

Lần đầu tiên, Học viện Ngoại giao tổ chức hoạt động kết nối doanh nghiệp

Chu Văn 08:11 | 30/03/2023
Ngày 28/3, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tai Vương quốc Bỉ/Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu và Đại sứ quán Việt Nam tại Áo, tổ chức buổi thảo luận chuyên đề “Tiếp cận thị trường châu Âu” thuộc Chương trình “Nhịp cầu Đại sứ: Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp”.
Các diễn giả tham dự buổi thảo luận chuyên đề “Tiếp cận thị trường châu Âu”, ngày 28/3 tại điểm cầu Học viện Ngoại giao.

Đây là lần đầu tiên, Học viện Ngoại giao tổ chức hoạt động kết nối doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các Đại sứ, cơ quan đại diện, các đối tác quốc tế nhằm đóng góp thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển và giúp các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng để doanh nghiệp tự tin hơn, tiến đến gần hơn với các thị trường quốc tế.

Tham gia buổi thảo luận chuyên đề có Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Áo Nguyễn Trung Kiên, Đại sứ, nguyên Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Ngô Quang Xuân, luật sư Markus Leitner (Kircher), ứng viên Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Áo, Luật sư thành viên Công ty Leitner & Hirth và đông đảo lãnh đạo và đại diện doanh nghiệp, tập đoàn, các hiệp hội doanh nghiêp, đại diện các tỉnh, thành, địa phương trên cả nước tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Chia sẻ tại sự kiện, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung cho biết các hoạt động đào tạo, giáo dục của Học viện luôn gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội và việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư quốc tế là hướng đi mới, thiết thực, với mong muốn đem lại những giá trị khác biệt cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Học viện sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, làm cầu nối với các Đại sứ, cơ quan đại diện, các đối tác, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng kinh doanh, đầu tư quốc tế.

Các Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài tham gia thảo luận chuyên đề “Tiếp cận thị trường châu Âu” theo hình thức trực tuyến.

Các Đại sứ và chuyên gia quốc tế đã cập nhật tình hình, xu hướng kinh doanh tại thị trường châu Âu, những thuận lợi, thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong tình hình mới. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng để thành công trong kinh doanh tại châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam không nên chỉ tập trung tìm kiếm cơ hội buôn bán, mà rất cần nghiên cứu kỹ thị trường, trang bị thông tin, kiến thức về thị hiếu, văn hóa tiêu dùng, các quy định luật pháp để có thể đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu.

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên chia sẻ thêm thông tin về thị trường Áo, về bản quyền, về văn hóa tiêu dùng và đưa ra những lời khuyên về sự cần thiết của ngoại ngữ, kiến thức về pháp lý và yêu cầu luật lệ khi tiếp cận thị trường mới.

Luật sư Markus Leitner chia sẻ về quy định của Áo về thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp từ chính phủ, đặc biệt những doanh nghiệp liên quan tới Nghiên cứu và phát triển (R&D).

Toàn cảnh buổi thảo luận chuyên đề “Tiếp cận thị trường châu Âu”.

Các doanh nghiệp đánh giá cao các nội dung trao đổi, cho rằng buổi thảo luận chuyên đề giúp cung cấp nhiều thông tin hữu ích về thị trường, luật pháp, xu hướng kinh doanh và cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp với các Đại sứ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các đối tác quốc tế, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong quá trình định hình chiến lược kinh doanh, đầu tư của mình.

Hoạt động đầu tiên của Chương trình “Nhịp cầu Đại sứ: Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp” thể hiện cách tiếp cận đúng đắn và khẳng định nỗ lực của Học viện Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam đóng góp cho công tác ngoại giao phục vụ kinh tế, thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 và Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

Các đại biểu ở điểm cầu Hà Nội chụp ảnh lưu niệm.