📞

Lần đầu tiên tổ chức tập trận không quân đa quốc gia, Ấn Độ muốn thể hiện điều gì?

Chu Văn 15:57 | 18/08/2024
Cuộc tập trận không quân đa quốc gia đầu tiên do Ấn Độ tổ chức nhằm mục đích thể hiện khả năng huy động các quốc gia từ những châu lục khác nhau, trong khi giới quan sát cho rằng New Delhi cũng muốn quảng bá máy bay sản xuất trong nước như một phần trong chính sách ngoại giao quốc phòng đang mở rộng của Ấn Độ.
Cuộc tập trận không quân của Ấn Độ mang tên Tarang Shakti, được tiến hành theo 2 giai đoạn, sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế và tăng cường năng lực đảm bảo an ninh tập thể. (Nguồn: indianewsnetwork.com)

Không quân Ấn Độ thông báo cuộc tập trận mang tên Tarang Shakti, được tiến hành theo 2 giai đoạn, cũng sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế và tăng cường năng lực đảm bảo an ninh tập thể.

Hàng chục quốc gia tham gia cuộc tập trận này, bao gồm 10 quốc gia tham gia trực tiếp và 18 quốc gia là quan sát viên. Đức, Pháp và Tây Ban Nha nằm trong số những quốc gia tham gia giai đoạn đầu tiên, được tổ chức tại Sulur, phía Nam Tamil Nadu từ 6-21/8.

Giai đoạn 2 sẽ có sự tham gia của Australia, Bangladesh, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Singapore, Hy Lạp và Mỹ, từ ngày 29/8 đến ngày 14/9 tại Jodhpur ở phía Bắc bang Rajasthan.

Theo phương tiện truyền thông Ấn Độ, sự hiện diện của các chỉ huy không quân Pháp, Đức và Tây Ban Nha trong giai đoạn đầu tiên đã “nhấn mạnh tầm quan trọng” của nỗ lực đa quốc gia này.

Harsh Pant, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và chính sách đối ngoại tại tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation có trụ sở tại New Delhi, nhận định việc tập trận chung với các nước kể trên cho thấy Ấn Độ có khả năng huy động nhiều quốc gia có thể không có cùng quan điểm về các vấn đề chiến lược.

Theo ông, các quốc gia này đã cùng nhau tăng cường hiệu quả hoạt động và giải quyết những thách thức chung, đồng thời cho rằng cuộc tập trận cũng thể hiện khả năng hợp tác quốc phòng của Ấn Độ trên toàn cầu.

Ian Hall, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Griffith của Australia, đánh giá cuộc tập trận này chủ yếu mang tính ngoại giao quốc phòng và để củng cố mạng lưới không quân quốc tế, cũng như cải thiện khả năng tác chiến.

(theo SCMP)