Tổng thống Pháp và Thủ tướng Australia tại một sự kiện ở Paris vào tháng 6/2021. (Nguồn: Getty Images) |
Theo Điện Elysee, tại cuộc điện đàm, Tổng thống Macron nhắc lại rằng, Canberra đã "phá vỡ lòng tin giữa hai nước" khi quyết định hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường của Pháp để quay sang tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.
Ông Macron nêu rõ: "Giờ đây, chính phủ Australia cần đề xuất các hành động cụ thể nhằm thể hiện thiện chí trong việc xác định lại các cơ sở để hàn gắn mối quan hệ này".
Trong khi đó, người phát ngôn của ông Morrison mô tả cuộc điện đàm là một "cuộc thảo luận thẳng thắn".
Quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Australia bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tranh cãi liên quan thỏa thuận an ninh 3 bên Australia-Mỹ-Anh (AUKUS). Thỏa thuận mới được ký kết này đã dẫn tới việc Canberra rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD ký với một công ty của Pháp từ năm 2016.
Pháp đã triệu các đại sứ của nước này tại Australia và Mỹ về nước để phản đối, đồng thời cũng đang yêu cầu bồi thường tài chính liên quan thương vụ đổ bể này.
Sáng 29/10, trong phát biểu với kênh truyền hình Today, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cho rằng, Thủ tướng Morrison đã rất muốn nhận được cuộc gọi trên và cuộc điện đàm đã mang lại "hiệu quả".
Bên cạnh đó, cho rằng, lý do Paris vẫn "thất vọng" và bày tỏ sự tức giận với Canberra là vì cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào tháng 4/2022, ông Dutton hy vọng, sau cuộc bầu cử hai nước có thể tiếp tục các bước để bình thường hóa mối quan hệ song phương.
Bộ trưởng Dutton nhắc lại rằng, Australia "hiểu" sự thất vọng của Pháp, nhưng nước này đưa ra quyết định về tàu ngầm là lợi ích quốc gia và do vậy Canberra không đưa ra lời xin lỗi về điều đó.
Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Australia diễn ra ngay trước khi ông Morrison đáp chuyến bay tới Rome (Italy) để dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và sau đó là tới Glasgow (Anh) để dự Hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu COP26, nơi ông Macron cũng sẽ có mặt.
Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Morrison thông báo với Tổng thống Pháp về cam kết của Australia trong việc đạt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050.
Trong khi đó, Macron đã khuyến khích ông Morrison áp dụng "các biện pháp tham vọng tương xứng với thách thức khí hậu", bao gồm cả việc loại bỏ sản xuất và tiêu thụ than.