Rước kiệu lên Đền Hùng ngày Giỗ Tổ 10/3. |
Cả nước thờ chung một tổ tiên, toàn dân tộc có cùng cội rễ, đó là nét độc đáo không phải quốc gia nào cũng có. Đó cũng là một trong những tiêu chí khiến cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nhiều hình thức như thờ, cúng, tế lễ. Hàng năm, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức ở các đình, đền thờ Vua Hùng trên khắp cả nước, trong đó nghi lễ lớn nhất diễn ra tại khu di tích lịch sử đền Hùng. Tế lễ trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện sự tôn thờ, kính trọng và biết ơn Trời - Đất, Tổ tiên nguồn cội. Trong tế lễ có âm nhạc, lễ vật, trang phục cho ban tế lễ gồm nhiều chức sắc và có chúc văn Giỗ Tổ Hùng Vương do chủ tế đọc.
Ngày nay, Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm cũng là ngày Quốc lễ của cả dân tộc Việt Nam thể hiện sự tri ân công đức Tổ tiên, những giá trị được bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và còn mãi đến muôn đời sau. Cả nước thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn “Con người có Tổ, có Tông, như cây có cội, như sông có nguồn”. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vì vậy trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng, góp phần vun đắp tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Để góp phần gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa cội nguồn, trong đó có Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ đã triển khai dự án khoa học ứng dụng công nghệ thông tin tuyên truyền quảng bá di sản văn hóa và danh thắng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Phú Thọ tới các quốc gia trên thế giới. Theo đó, dự án xây dựng các bộ tư liệu bài bản về các di sản và danh thắng, dịch sang sáu thứ tiếng (Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn và Tây Ban Nha) đăng tải trên các trang thông tin điện tử và sản xuất các video clip có phụ đề để tuyên truyền quảng bá rộng rãi đến đồng bào trong nước và bạn bè thế giới.