Những năm qua, tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, đời sống bà con đồng bào dân tộc Chăm đã từng bước vượt qua những khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển bộ mặt xóm ấp, làng Chăm thêm khởi sắc.
Nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống ở ấp Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. (Ảnh: Phương Nghi) |
Đồng bào Chăm xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) sống tập trung ở 3 ấp Phũm Xoài, Châu Giang và Hòa Long trên 4.500 nhân khẩu, 100% người dân theo đạo Hồi giáo Islam. |
Đến với các làng Chăm Châu Phong hôm nay, dễ dàng nhận thấy có nhiều công trình mới đã mọc lên, cả xã như được khoác lên mình tấm áo mới. Dọc theo các xóm đồng bào Chăm, nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng mới, các tuyến đường đều được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa, sinh hoạt. Từ việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Nhà nước, nhất là thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đã tạo “sức bật”, làm đổi thay rõ rệt ở từng làng Chăm Châu Phong.
Chia sẻ với phóng viên, anh Mohamah Sa Lếh, Trưởng ấp Phũm Xoài (xã Châu Phong) cho biết: “Giờ đây, làng Chăm Phũm Xoài không còn hộ nghèo, 100% số trẻ em được đến trường từ mẫu giáo đến THPT. Ở bậc đại học, chỉ riêng Phũm Xoài đã có 44 sinh viên, có người đang theo học bậc thạc sĩ...
Bà con giờ đây không những đã đủ ăn, có của ăn của để, mà đã đầu tư tri thức cho thế hệ trẻ để thoát nghèo, phát triển lâu dài, bền vững. Tất cả đã tạo nên một diện mạo mới cho cộng đồng người Chăm làng kiểu mẫu nơi đây”.
Với đồng bào Chăm ở Tân Châu, nghề dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa đặc trưng. Người Chăm mang theo nghề dệt của dân tộc mình đến vùng đất Tân Châu sinh sống, họ xem nghề như một hành trang quý báu.
Anh Mohamah Sa Lếh cho biết thêm: Trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm, xà rông, khăn, áo, đồ thủ công truyền thống chủ yếu phục vụ cho cộng đồng Chăm, thì nay trở thành sản phẩm hàng hóa, phục vụ du lịch, được du khách ưa chuộng.
Dù không còn hưng thịnh như những năm trước, nhưng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm ở xã Châu Phong vẫn được giữ gìn và phát triển bởi những người nặng lòng với giá trị truyền thống. Tiêu biểu là ông Mohamad ở ấp Phũm Soài, chủ cơ sở dệt thổ cẩm Mohamach, đã có gần 50 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm và đưa các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm vươn xa.
Ông Mohamad cho biết: “Gia đình tôi 3 đời gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Để dệt được một sản phẩm thổ cẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Phần sợi cotton phải được nhuộm màu, sau đó đem phơi khô, tiếp đến là công đoạn suốt, mắc sợi, dệt, thành phẩm... Mỗi khâu đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ và mất nhiều thời gian, công sức mới cho ra được những sản phẩm chất lượng".
Hiện nay, do công nghệ hiện đại nên việc sản xuất thổ cẩm tiện lợi, nhanh chóng hơn, ông Mohamad vẫn giữ nghề dệt truyền thống như một cách giữ gìn những giá trị văn hóa của người Chăm, dù cho sản phẩm có giá thành cao hơn so với dùng máy.
Ông Mohamad ở ấp Phũm Soài (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm Châu Giang với du khách. (Ảnh: Phương Nghi) |
Năm 2000, ông Mohamad thành lập cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống làng Chăm Châu Phong, huy động thợ làm tại chỗ hoặc gia công tại nhà của người dân. Các sản phẩm sau khi hoàn thiện được trưng bày, bày bán tại cơ sở và xuất khẩu.
Ngoài 2 sản phẩm truyền thống là xà rông và khăn rằn, cơ sở còn sản xuất các mặt hàng mới, như túi xách, ba lô, nón, móc khóa… Theo ông Mohamad, "đây là những mặt hàng được du khách ưa thích, nhất là khách ước ngoài lựa chọn mua làm đồ lưu niệm trong mỗi chuyến du lịch ghé tham quan làng nghề. Giá các sản phẩm này khá bình dân, từ 20.000 – 200.000 đồng/sản phẩm. Ngoài ra, việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, cơ sở còn tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương, mức thu nhập từ 100.000 – 150.000 đồng/ngày”.
Bà Võ Thụy Ý Như, Chủ tịch UBND xã Châu Phong cho biết: “Những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm ở xã Châu Phong đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách thập phương. Để tăng sự trải nghiệm, ông Mohamad cho phục dựng phòng cưới theo phong cách truyền thống của dân tộc Chăm để du khách, đặc biệt là những cặp đôi chụp ảnh lưu niệm.
Bên cạnh đó, trong những lần đón tiếp khách tham quan, ngoài giới thiệu sản phẩm, ông Mohamad còn giới thiệu về lịch sử làng nghề, những giá trị đặc trưng về văn hóa, đời sống của cộng đồng dân tộc Chăm ở An Giang đến với du khách. Sự đổi mới, sáng tạo này đã góp phần thu hút du khách ngày một đông đến với làng nghề”.
Ngày 6/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 480/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo đó nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào trong cộng đồng người Chăm ở An Giang |
| Vinh danh và phát triển du lịch làng nghề huyện Phú Xuyên Lễ hội Vinh danh Làng nghề huyện Phú Xuyên lần thứ IV sẽ diễn ra từ ngày 26-29/10 với nhiều hoạt động phong phú và ... |
| Mối đồng cảm nghệ thuật vượt biên giới Ngày 17/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đã tổ chức lễ tiếp nhận món quà tặng đặc biệt từ bà Ellen Berends ... |
| Du Xuân hữu nghị ở làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên Có dịp theo chân các bạn quốc tế trong chuyến du Xuân hữu nghị ở một làng nghề truyền thống của Hà Nội, tôi càng ... |
| Nga: Ngôi làng lạnh nhất thế giới là nơi người dân sống rất trường thọ Ngôi làng nằm ở phía Đông Bắc nước Nga được mệnh danh là ngôi làng lạnh nhất thế giới. Mặc dù khí hậu khắc nghiệt ... |
| Nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy kể chuyện làm ngoại giao văn hóa Trở về nước sau chuyến lưu diễn tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Áo và Italy, nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công ... |