Những rặng lau thơ mộng ở vùng cao Hướng Hóa. (Ảnh: Phan Tân Lâm) |
Những tài nguyên vô giá
Trái ngược hẳn với ấn tượng miền “cát trắng, gió Lào” gắn liền với tỉnh Quảng Trị, Hướng Hóa có khí hậu dịu mát, ôn hòa. Huyện biên giới này là miền đất của những con dốc miên man uốn mình trong sương, nương cà phê xanh ngút ngàn, hàng lau trắng phất phơ trong gió núi.
Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc, Hướng Hóa ngày càng được biết đến rộng rãi trong cộng đồng “mê xê dịch” như một điểm dừng chân kỳ thú.
Nếu Hướng Hóa mê hoặc các phượt thủ bởi cung đường “săn mây” tựa tiên cảnh trên đèo Sa Mù, những khối thạch nhũ tráng lệ của động Brai, thì những tâm hồn yêu sự êm đềm, tĩnh lặng lại bị quyến rũ bởi những dải hoa dã quỳ vàng rực triền núi, những con suối trong vắt lững lờ trôi dưới bóng rừng trầm mặc.
Bên cạnh thắng cảnh nên thơ, Hướng Hóa còn là nơi dòng văn hóa truyền thống của người Pa Cô-Vân Kiều tuôn chảy mạnh mẽ qua nhiều thế hệ, điển hình như ở thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng).
Từ trung tâm huyện Hướng Hóa, di chuyển khoảng 30 km sẽ tới thôn Chênh Vênh. Đây là nơi cư ngụ của 130 hộ dân, trong đó 80 hộ là người Vân Kiều.
Nhiều gia đình đang sinh sống rải rác trong những nếp nhà sàn truyền thống, được bao quanh bởi những con suối trong lành, giữa những khoảng rừng xanh dịu dàng, quang đãng.
Tổng thể Làng du lịch sinh thái Chênh Vênh đang trong quá trình hoàn thiện. (Ảnh: MCNV) |
Thôn có sân chơi, bãi tập, lý tưởng để tổ chức những lễ hội truyền thống như Mừng lúa mới, cúng Trời, lễ hội Cồng Chiêng.
Thôn Chênh Vênh cũng là nơi còn bảo tồn được nhiều nghề thủ công truyền thống của người Vân Kiều như đan lát, nấu rượu men lá; là quê hương của nhiều loại nông sản độc đáo, những món ăn làm đắm say lòng người như gỏi cá, xôi xụm, thịt nướng bếp…
Bước chuyển mình bền vững
Tuy sở hữu những thế mạnh về nhiều mặt, bức tranh du lịch ở thôn Chênh Vênh nói riêng và của huyện Hướng Hóa nói chung vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo đánh giá của Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Hướng Hóa, các điểm tham quan trên địa bàn mới chỉ đóng vai trò "điểm dừng chân" giữa chặng thay vì “điểm đến” chính.
Nguyên nhân chủ yếu là các dịch vụ cơ sở vật chất còn sơ sài, thiếu tính hệ thống, hình thức đơn lẻ, tự phát, chưa được quy hoạch, quản lý, người dân chưa được trang bị kỹ năng làm du lịch. Điều này dẫn tới hạn chế về chất lượng dịch vụ cũng như tính an toàn trong hoạt động du lịch tại địa phương.
Thác Chênh Vênh (thuộc địa phận thôn Chênh Vênh) là một ví dụ. Đổ xuống từ độ cao 20m, thác nước trong lành mát lạnh, lấp lánh kỳ ảo này bắt đầu được biết đến rộng rãi trong khoảng 5 năm trở lại đây. Vào những ngày cuối tuần hoặc kỳ nghỉ lễ, thác Chênh Vênh là lựa chọn lý tưởng của nhiều du khách đến tận hưởng những trải nghiệm miễn phí hấp dẫn như bơi lội, nhóm lửa trại, câu cá…
Tuy nhiên, hoạt động du lịch tự phát tại thác Chênh Vênh cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, bởi địa hình hiểm trở, vách đá cao, trơn trượt, nước chảy xiết. Do chưa được đưa vào quản lý, các khu vực nguy hiểm của thác không được khoanh vùng, dựng biển báo, không có lực lượng cứu hộ.
Trong khi đó, không ít du khách còn có thái độ chủ quan, lơ là trong quá trình vui chơi. Hậu quả là những tai nạn đáng tiếc đã xảy ra tại đây. Trong vòng 4 năm, riêng tại khu vực thác Chênh Vênh đã có 2 trường hợp đuối nước tử vong, gần nhất vào tháng 5/2020.
Vẻ đẹp hoang sơ của thác Chênh Vênh. (Ảnh: MCNV) |
Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với du khách, du lịch tự phát còn có khả năng tác động xấu lên môi trường, khi không được quy hoạch, quản lý, giám sát chặt chẽ. Thói quen xả rác bừa bãi, tự đốt lửa nấu ăn, hút thuốc…của một số du khách có thể dẫn tới nhiều hậu quả như ô nhiễm nguồn nước và đất, cháy rừng…
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của danh thắng địa phương để tạo nên các sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Hướng Hóa đã lên kế hoạch tổng thể phát triển du lịch, trong đó có việc quản lý và khai thác những thác nước đẹp trên địa bàn như thác Chênh Vênh.
Người bạn đồng hành
Đồng hành cùng địa phương trong việc triển khai kế hoạch này là Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV). Từ mối gắn kết hơn 50 năm với tỉnh Quảng Trị, MCNV đã và đang thực hiện nhiều dự án cộng đồng tại huyện Hướng Hóa, trong đó có dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” (dự án PROSPER) do Liên minh châu Âu và MCNV đồng tài trợ.
Trong khuôn khổ dự án này, MCNV đang thực hiện các hỗ trợ phát triển du lịch thác Chênh Vênh, với các hoạt động đầu tư vào cảnh quan gồm: dựng lán tre cho khách tham quan thuê, trang bị thùng rác và đào hố xử lý rác thải, lắp đặt biển chỉ dẫn, bảng thông tin về rừng cộng đồng, thành lập đội quản lý, bảo vệ du lịch…
Các lán tre đã được dựng ở khu vực thác Chênh Vênh. (Ảnh: MCNV) |
Đội ngũ phục vụ và quản lý được lựa chọn từ chính các thành viên tổ bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh. Gần đây, MCNV cũng đã phối hợp với trạm y tế xã Hướng Phùng tập huấn cho Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh về các kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản, trang bị dụng cụ bảo hộ lao động.
Được biết, trong thời gian vài ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2021 lượng khách tới với khu du lịch thác Chênh Vênh khá đông. Trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, doanh thu từ việc thu phí du lịch đạt 4 triệu đồng, một con số không nhỏ đối với những người làm dịch vụ ở thác Chênh Vênh.
Từ chỗ du lịch tự phát, từ khi đi vào khai thác chính thức, du khách đến đây đóng phí du lịch (120.000đ/lán tre và 10.000đ/người/phí vào cổng), trong đó 50% số tiền được trả cho người tham gia phục vụ, 50% đóng góp vào Quỹ bảo vệ rừng của thôn Chênh Vênh.
Trong thời gian tới, dự án sẽ triển khai thêm các quầy hàng ăn uống, bày bán các nông sản địa phương tại khu du lịch thác Chênh Vênh, đồng thời sẽ hỗ trợ cho đội ngũ phục vụ du lịch tại đây được tham gia các khóa tập huấn kĩ năng như hướng dẫn khách, thuyết minh, đón tiếp, nấu ăn, bán hàng để nâng cao tính chuyên nghiệp.
Đại diện MCNV và Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Hướng Hóa trao đổi về kế hoạch phát triển du lịch. (Ảnh: MCMV) |
Thác Chênh Vênh là hạng mục đầu tiên trong tổ hợp Làng du lịch sinh thái Chênh Vênh mà MCNV đang hỗ trợ xã Hướng Phùng thực hiện.
Dự án được MCNV tài trợ 650 triệu đồng, được triển khai trong 6 tháng cuối năm 2021, bao gồm các hoạt động cải tạo, nâng cấp và xây mới cơ sở vật chất phục vụ du lịch như: xây dựng nhà sàn truyền thống của người Bru-Vân Kiều, các quầy bán nông sản, hệ thống nước sạch, nhà tắm sử dụng năng lượng mặt trời, cải tạo cảnh quan và lối đi bằng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương…
Tính riêng năm 2018 và 2019, lượng du khách đến huyện Hướng Hóa đã tăng từ 10 – 16%, tương đương trên 30.000 lượt, trong đó có khoảng 14.000 lượt khách nước ngoài. Hiện tại, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên hoạt động du lịch trên cả nước đang tạm thời chững lại. Trong tương lai, khi dịch Covid-19 được kiểm soát và dự án hoàn thành, Làng du lịch sinh thái Chênh Vênh sẽ trở thành một “mắt xích”, làm phong phú thêm chuỗi điểm đến cùng tuyến đường như tượng đài Chiến thắng Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, đồi Động Tri, di tích khảo cổ Khu công xưởng chế tác đồ đá Hướng Lập, đèo Sa Mù, động Brai, thác Tà Puồng, góp phần thúc đẩy sự phục hồi của du lịch Việt Nam sau đại dịch. |