Ảnh minh họa. |
Tuyển tập Đoàn Văn Cừ chủ yếu và nổi bật vẫn là năm chục bài thơ của Thôn ca, do Tự lực văn đoàn xuất bản năm 1944.
1944-2013: hai mốc thời gian, trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945, hai tập thơ thể hiện sự thay đổi của nông thôn ta từ thời Pháp thuộc đến nay. Dân tộc nào cũng có những nhà thơ thôn dã, mộc mạc, nặng về địa phương mình, mang nhiều tính riêng biệt. Như nhà thơ Pháp F.James lấy nguồn cảm hứng nặng về miền núi Pyrénées và đạo Thiên chúa. Còn thơ Đoàn Văn Cừ và nông dân Thanh Văn mang tính chất chung cho nông thôn Việt Nam.
Cảm ơn họa sĩ Nguyên, trưởng nam anh Đoàn Văn Cừ, người trình bày và minh họa cuốn Toàn tập Đoàn Văn Cừ, đã đích thân mang sách đến tặng tôi. Nhớ là vào cuối những năm 1940, thời kháng chiến chống Pháp, tôi đến thăm anh Cừ ở quê anh – làng Đỗ Quan, huyện Nam Trực – không biết anh Nguyên đã ra đời chưa. Hồi ấy, ta vây địch ở thành phố Nam Định, vùng nông thôn vẫn còn tự do. Anh Cừ và tôi cùng hoạt động trong tổ chức văn hóa kháng chiến Nam Định: anh Cừ cộng tác với báo Nam Định kháng chiến, còn tôi phụ trách báo địch vận tiếng Pháp L’Etincelle của Liên khu 3. Đến quê anh đúng lúc đồng chiêm trũng ngập nước, phải đi thuyền. Cảm giác lần đầu gặp anh: một lương sư nho nhã, khoảng 36-37 tuổi (anh mất năm 91 tuổi), hồn nhiên, chân chất nông dân.
Vào những năm 1930-1940, trong phong trào Thơ mới, Đoàn Văn Cừ và vài nhà thơ ca ngợi nông thôn. Mạch thơ này dường như đi ngược dòng dư luận đòi canh tân xã hội “Nhà quê” bị coi là nghèo đói, dốt nát, mê tín, lạc hậu, ươn hèn. Thực dân Pháp tạo ra từ nhaque (đọc là nio-kơ) cũng theo ý khinh miệt ấy.
Trong các báo Phong Hóa và Ngày Nay mà người thành thị - trí thức ưa đọc, Hoàng Đạo viết về Bùn lầy nước đọng, Lý Toét và Xã xệ tượng trưng cho sự ngu đần, bất cập của nông thôn. Ít ai ý thức được sức mạnh tiềm tàng của người nông dân (đa số dân ta): sức mạnh ấy là sự gan lì chịu đựng, óc thực tế, sự cần cù lao động, xây dựng một châu thổ sông Hồng trù phú, chống thiên tai địch họa, có dịp bùng nổ như ở các trận Đống Đa và Điện Biên Phủ. Thôn ca của Đoàn Văn Cừ không đề cập mặt trái của nông thôn và sức mạnh tiềm tàng của dân cày. Đoàn Văn Cừ chỉ phác họa những nét tươi vui của đồng quê trong những bức tranh dân gian đầy màu sắc, inh ỏi, đơn giản mà đậm tình người, chân phương mà ngộ nghĩnh, tả chân mà lãng mạn. Chính cái tươi vui lạc quan ấy đã nuôi dưỡng sức mạnh tiềm tàng của nhà nông. Cũng như Hoài Thanh, “nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến Tết”, và tôi nhớ lại những bài thơ Tết, thơ xuân của anh. Có lẽ vì Tết, như bác sĩ Pháp Fermi nhận định, là một biểu tượng văn hóa quan trọng của Việt Nam, kết tinh bản sắc dân tộc Việt. Đọc Thôn ca của Đoàn Văn Cừ, cũng như xem tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái, người ta luyến tiếc cái gì sắp qua.
Cách đây hơn 70 năm, Hoài Thanh viết: “Những hình ảnh cuộc đời Việt Nam xưa còn lưu lại trong thời nay chẳng bao lâu sẽ mất hết… Đồng quê là nơi nương náu cuối cùng của dĩ vãng” (1941). Lời tiên đoán của Hoài Thanh đã thành sự thật. Sau ba chục năm cách mạng và binh lửa, hơn ba chục năm đổi mới và hội nhập kinh tế toàn cầu, bộ mặt nông thôn của Thôn ca đã thay đổi hẳn.
Xin đơn cử xã Thanh Văn ở Hà Tây cũ làm thí dụ, mặc dù xã này có những nét khá đặc biệt. Đặc biệt là bác Thỉnh, người bí thư xã đã tạo xã mình thành một xã đặc biệt, từ nghèo thành giàu, tuổi ngoài bảy mươi, rất trẻ và quắc thước với thân thể cao lớn rắn rỏi, tóc bạc cắt ngắn, bộ mặt dày dạn phong sương, cử chỉ nhanh nhẹn, lời nói hào hứng. Bác xin về hưu, huyện cũng đồng biểu tình xin bác ở lại. Vì bác là người có tài, có tâm, có tầm nhìn xa, công tư trong sạch. Bác có những quyết định táo bạo, đôi khi "xé rào", nên thường được ví với ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc.
Bác Thỉnh rủ tôi đi thăm đồng bằng ô tô. Tôi ngỡ ngàng vì không còn nhận ra đồng ruộng thời Đoàn Văn Cừ nữa. Mấy cây số đường bê tông rộng thênh thang, đường bao quanh, đường nối đồng (21km), đường nối với quốc lộ Bắc Nam. Giao thông thuận lợi là một yếu tố làm giàu cho xã. Xây dựng mấy chục cây số đường bê tông đòi hỏi 130 tỷ đồng, bản thân xã thiết kế thi công cũng tốn 100 tỷ. Lấy đâu ra? Từ 1987, khi được bầu làm bí thư xã, bác Thỉnh đã có chủ trương quy hoạch lại đồng đất, đồng trồng lúa, đất làm kinh tế khác… Ngay từ khi có chủ trương giao đất canh tác lâu dài cho dân, xã đã bớt lại một diện tích đất phục vụ cho quy hoạch đồng ruộng sau này. Một chủ trương bị nghi ngờ là có ý đồ tham ô, nhưng tỏ ra hiệu quả khi làm đường nội đồng. Có đất, để có tiền, xã phải tiết kiệm và giúp dân làm giàu: xã đã dồn điền, đổi thửa trước khi có quy định Nhà nước, áp dụng kỹ thuật thâm canh (nay mỗi hộ dân chỉ có một thửa riêng), sản lượng gạo Bồ Nâu, loại gạo tiến vua, tăng bội, bán không đủ, - giá đất cũng tăng theo. Từ năm 2000, trước khi tỉnh có chủ trương, xã khuyến khích phát triển trang trại, hiện đã có năm chục trang trại. Tôi đã đến thăm một trang trại nuôi chó, chim, thỏ… trồng cây ăn quả, thu hoạch hàng trăm triệu đồng mỗi năm, có ô tô riêng chở hàng. Xã cho dân vay vốn để xóa đói giảm nghèo, quy hoạch 6% diện tích đất nông nghiệp chuyển sang trồng cây ăn quả, đất này chia đều theo đầu khẩu. Thanh Văn giữ đất làm nông nghiệp, không chịu công nghiệp hóa như nhiều xã khác nhượng đất cho doanh nghiệp rồi sau lụn bại. Thành tích đáng kể là Quỹ hưu của xã đã trả lương hưu cho mỗi người từ 60 tuổi mỗi tháng 350.000 đồng.
Hôm khánh thành Thư viện xã, bác Thỉnh bảo tôi: "Giờ dân no bụng rồi, nhưng đói văn hóa. Chúng tôi phải lo khoản này". Bác tặng tôi tập Thơ Hương quê của Câu lạc bộ thơ thôn Bạch Nao, một trong bốn thôn của Thanh Văn, gồm hơn ba chục bài thơ đánh máy in rônêô. So với Thôn ca của Đoàn Văn Cừ thì thấy rõ nông thôn mới đã mất nhiều nét truyền thống xưa về cảnh sắc, sinh hoạt xã hội. Lời thơ mộc mạc, chân thật, đầy cảm xúc, thường dùng thể lục bát của ca dao.
Tình làng nghĩa xóm vẫn đậm. Bác Thỉnh có bài thơ mở đầu:
"Tưởng nhớ Thành hoàng làng:
"Hôm nay đứng dưới mái đình
Xin thề sống trọn đời mình cùng quê...".
Bài thơ của bác Nguyễn Hữu Cầu giới thiệu Bồ Nâu mới:
"Giăng giăng mưa bụi đồng quê
Heo heo gió lạnh se se lòng người
Rõ ràng xưa một nay mười
Khang trang hiện đại, ơn người dựng xây
… Bốn mùa rộn tiếng chim ca
Lòng dân phấn khởi, nhà nhà ấm no".
Ở nông thôn, có những nông dân làm giàu do tài năng cá nhân. Thanh Văn làm giàu tập thể do cấp lãnh đạo có tài, có đức, có gan, và dân noi theo mà thành công. Tiếc thay, mô hình này còn ít mà tham ô, lãng phí, lãnh đạo cơ sở kém cỏi và lộng quyền thì không ít. Tôi rất đồng ý với Trần Đăng Khoa: "Đổi mới có làm cho nông dân khấm khá hơn, nhưng chỉ thực sự thành công khi nâng được chất lượng đời sống của những người nghèo nhất xã hội là nông dân. Nông dân vùng sâu vùng xa không ít người vẫn trong cảnh bần cùng… Nông dân thời nào cũng khổ, so với thành thị".
Hữu Ngọc