📞

Làng trồng hoa: Sống cùng độc hại

08:14 | 25/06/2008
55% số tiền chi phí cho việc trồng hoa là dành để mua thuốc bảo vệ thực vật. Để có những cánh đồng hoa tươi tốt, hàng ngày, một lượng lớn thuốc trừ sâu đã được đổ xuống cánh đồng. Thu lợi từ hoa song, người trồng hoa cũng phải học cách sống chung với chất độc hại.

Hoa và thuốc sâu

Làng hoa Tây Tựu - Từ Liêm nổi tiếng với nghề trồng hoa từ hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, người ta chỉ biết đến hoa Tây Tựu mà mấy ai biết được, để nổi tiếng với nghề trồng hoa người dân nơi đây phải đánh đổi bằng sức khỏe của chính mình.

Tây Tựu trồng hoa từ năm 1995, nơi đây trồng khá nhiều các loại hoa: hồng, cúc, đồng tiền, huệ..., và thu nhập từ việc trồng hoa so với trồng lúa quả là có sự chênh lệch đáng kể.

Theo điều tra đánh giá, lợi ích kinh tế từ việc trồng hoa mang lại khoảng 160 triệu đồng/năm/ha. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi, còn mặt trái của lợi ích là sức khỏe của người sản xuất và ô nhiễm môi trường trên những cánh đồng hoa.

Cánh đồng hoa Tây Tựu vào chiều tối, bao trùm lên bầu không khí nơi đây là mùi thuốc sâu nồng nặc. Cánh đồng hoa, nhưng hương thơm của hoa lại tuyệt nhiên không thấy.

Trên những thửa ruộng trồng hoa hồng, nhà nhà phun thuốc trừ sâu, khiến cánh đồng hoa như được bao phủ bởi một lớp sương mỏng. Tiếng máy phun thuốc rè rè như xưởng xẻ gỗ.

Anh Đặng Văn Hùng - Liên Mạc - Từ Liêm cho biết: “Chiều nào tôi cũng đi làm về qua khu trồng hoa, mùi thuốc sâu ghê gớm quá, đau cả đầu. Lúc nào đi qua đoạn đường này, tôi cũng cố đi cho thật nhanh để tránh mùi thuốc”.

Trên thửa ruộng hoa hồng, người đàn ông gầy gò với chiếc bình phun thuốc sâu to gấp rưỡi trên lưng, không bảo hộ lao động, không mũ nón chỉ duy nhất có chiếc khẩu trang che nửa mặt, người đàn ông như bị chìm hẳn vào màn sương thuốc sâu.

Dừng tay để pha bình thuốc khác, anh Nguyễn Ngọc Kỷ - Thôn 3 - Tây Tựu cho biết: “Trồng hoa vất vả lắm, nhưng còn có thu nhập hơn trồng lúa hay một số cây trồng khác.

Khổ nhất là phải phun thuốc sâu, cả ngày ngửi mùi thuốc sâu đến đau đầu, chóng mặt”. Dứt câu nói, anh Kỷ tiếp tục pha chế mấy lọ thuốc sâu bằng tay không, thấy tôi thắc mắc, anh cười: “Quen rồi mà”!

Trong các loại hoa thì hoa hồng phải phun nhiều nhất, trung bình 5 ngày phun một lần, có nhà 3 ngày phun một lần. Như vậy, với hơn 1 mẫu trồng hoa (khoảng hơn 4.000 m2), 1 tuần anh Kỷ phải dành ra 2 ngày để phun thuốc sâu cho hoa.

Chiếc bình phun thuốc có dung tích 25 lít, cộng với chiếc máy nổ nhỏ gắn phía dưới, tính sơ sơ, chiếc bình ấy cũng nặng đến trên 30 kg. Anh Kỷ cho biết thêm: “Mỗi lần phun phải phun tổng hợp nhiều loại thuốc, ít nhất cũng đến 4-5 loại thuốc cùng một lúc. Vì vậy, mùi của nó càng nặng”.

Và những hiểm họa ...

Xã Tây Tựu có 362 ha đất nông nghiệp, thì có đến 334 ha đất canh tác trồng hoa. Hoa trồng quanh năm ngày tháng, không theo mùa vụ, do vậy xã Tây Tựu được coi là một điểm “làm giàu cho ngành thuốc bảo vệ thực vật”.

Tuy chưa có đơn vị nào thống kê, tính toán lượng thuốc sâu mà Tây Tựu sử dụng, nhưng ông Lê Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Tựu cho biết: “Cách đây một thời gian, có một đánh giá cho rằng, riêng lượng thuốc trừ sâu xã Tây Tựu sử dụng xấp xỉ bằng lượng sử dụng của cả tỉnh Ninh Bình”.

Vì lượng thuốc trừ sâu mà Tây Tựu sử dụng khá lớn nên ngoài việc ảnh hưởng tới sức khỏe thì môi trường nơi đây cũng đang trong tình trạng kêu cứu. Nguồn nước, bầu không khí hàng ngày phải hứng chịu những cơn “mưa” thuốc sâu.

Ông Việt cho biết thêm: “Vấn đề này cũng đã được bàn đi bàn lại nhưng rút cuộc chưa có cách nào giải quyết. Người dân Tây Tựu vẫn phải sử dụng những loại thuốc trừ sâu hóa học, dù biết rất độc hại cho bản thân, nguy cơ ung thư rất cao, và ô nhiễm đến cả sản phẩm là điều không thể tránh khỏi. Nhưng, bà con tìm mua thuốc trừ sâu khác, ít hoặc không độc hại thì trên thị trường không có”.

Bệnh tật rình rập trên đầu người trồng hoa, nhưng cho đến nay, cũng chưa có một cơ quan nào đánh giá, nghiên cứu một cách cụ thể, chính xác tác hại của thuốc trừ sâu tới sức khỏe người sản xuất. Người trồng hoa vì cuộc sống vẫn hàng ngày, hàng giờ “làm bạn” với thuốc trừ sâu.

Ông Việt nhấn mạnh: “Người dân nơi đây rất mong ngành bảo vệ thực vật nghiên cứu, tìm ra những loại thuốc trừ sâu ít độc hại, hay thuốc trừ sâu sinh học đặc trị sâu cho hoa. Còn cứ kéo dài như tình trạng hiện nay, thì việc độc hại cho người trồng, người sử dụng và ô nhiễm môi trường là điều khó tránh khỏi”.

Về vấn đề này, ông Hồng Hà - Thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cũng cho biết: “Do đặc thù của việc trồng hoa yêu cầu chăm sóc, bảo quản cầu kỳ và cẩn thận hơn một số loại cây nông nghiệp khác, nên việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu của người dân Tây Tựu là thường xuyên. Và, khả năng ung thư đối với những người tiếp xúc trực tiếp với thuốc sâu khá cao”.

Hoa sáng mai cắt, tối nay vẫn cứ phun bình thường, thậm chí, vừa phun xong cũng cắt để mai mang đi chợ bán. Vô tình, người mua hoa về cắm, về thưởng thức cũng ngửi không ít thuốc sâu vào cơ thể.

Cũng chưa có đánh giá nào về tác hại của thuốc trừ sâu tới người tiêu dùng, vì vậy, ý thức tự bảo vệ mình vẫn được đặt lên hàng đầu.

Và, cách tốt nhất cho người tiêu dùng là không nên để hoa tiếp xúc trực tiếp với mũi, mắt, miệng..., đồng thời hạn chế cắm quá nhiều hoa trong phòng nhỏ, kín. Theo ANTĐ