Nhỏ Bình thường Lớn

Trẻ em ăn uống như thế nào để giảm nhẹ biến chứng khi mắc Covid-19?

Cha mẹ nên chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng giúp tăng đề kháng, đồng thời xây dựng chế độ, chế biến thực phẩm phù hợp với lứa tuổi khi chăm sóc trẻ mắc Covid-19.
Trẻ em ăn uống như thế nào để giảm nhẹ biến chứng khi mắc Covid-19?
Khi chăm sóc trẻ mắc Covid-19 cha mẹ nên chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng. (Nguồn:UNICEF)

Theo ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, với bệnh nhi Covid-19, một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng hay giảm nhẹ biến chứng.

Dưới đây là một số lưu ý giúp phụ huynh lựa chọn chế độ ăn hợp lý cho con nếu trẻ không may mắc Covid-19.

Lựa chọn thực phẩm phù hợp, giàu dinh dưỡng

Đối với trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ, bà mẹ cần tiếp tục cho con bú. Cho bú nhiều lần hơn, kết hợp ăn bổ sung hợp lý. Để con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là biện pháp tốt nhất giúp bé tăng trưởng, phát triển tối ưu và phòng chống lây nhiễm. Tiếp tục để trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi và ăn bổ sung hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Cho bé ăn đa dạng thực phẩm, đủ 4 nhóm gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng với 15 loại thực phẩm. Lưu ý, khi trẻ mắc Covid-19, không nên quá kiêng khem ăn uống để bù lại các chất dinh dưỡng mất đi (đặc biệt là năng lượng và protein) do quá trình nhiễm trùng và tiến triển bệnh.

Cần cho trẻ ăn đủ các thức ăn giàu đạm. Đặc biệt các thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá ba sa, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản. Đây cũng là nguồn cung cấp kẽm và sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho bé. Trong trường hợp con bị biến chứng viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cho bé ăn tăng thêm rau, quả nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, C, E, sắt, kẽm... để tăng miễn dịch, chống nhiễm trùng và nhanh lành tổn thương. Các loại hoa quả, rau củ nhiều vitamin này thường có màu vàng, đỏ như: cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu…; rau có lá xanh sẫm như: rau muống, rau ngót, rau dền đỏ, cải bó xôi, súp lơ xanh...

Ngoài ra, một số loại quả khác như bưởi, táo, lê,… cũng giàu vitamin và khoáng chất, giúp nâng cao sức đề kháng, cung cấp nước cho bé.

ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến lưu ý, khi trẻ bị bệnh, không nên để bé dùng các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, hành tây, tỏi... Hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo no, nội tạng động vật. Tuyệt đối tránh, không dùng thức ăn đã bị dị ứng hoặc các thức ăn lạ.

Chế độ dinh dưỡng cho từng nhóm trẻ

Với trẻ từ 1-2 tuổi, phụ huynh vẫn nên cho bé tiếp tục bú mẹ, nếu mẹ không có sữa thì cho uống sữa ngoài từ 300-500 ml/ngày. Ăn 4 bữa cháo hoặc súp mỗi ngày. Ăn quả chín theo nhu cầu của trẻ. Lượng thực phẩm trong ngày: gạo (100-150g); thịt hoặc cá, tôm (100-120g); trứng gà 3-4 quả/tuần; dầu mỡ (25-30 g); rau xanh (50-100g); quả chín (150-200g).

Trẻ từ 3-5 tuổi ăn 4 bữa/ngày, nhưng lượng ăn vào phải tăng lên. Cho trẻ ăn những món yêu thích. Không cho ăn bánh kẹo, nước ngọt, quả chín trước bữa ăn. Lượng thực phẩm hàng ngày dùng cho trẻ: gạo (200-300g); thịt hoặc cá, tôm (150-200g); dầu mỡ (30-40g); rau xanh (200-250); quả chín (200-300g); sữa (300-400 ml).

Với các bé mẫu giáo và học sinh, cần ăn uống điều độ, đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng theo từng lứa tuổi, nếu bị biếng ăn nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Nên cho bé ăn nhiều quả chín, rau xanh.

Cách chế biến thực phẩm bảo đảm dinh dưỡng cho bệnh nhi Covid-19

Theo ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến, cha mẹ cần đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày cho bé với các món ăn hợp khẩu vị. Thức ăn nên cắt thái hoặc xay nhỏ hơn, chế biến mềm hơn, lỏng hơn so với lúc chưa bị bệnh. Bên cạnh đó, thay đổi món ăn và chia làm nhiều bữa nhỏ, giúp quá trình ăn nhai tốt hơn, bé ăn ngon miệng hơn và dễ tiêu hóa hơn.

Hạn chế cách chế biến chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nướng, xông khói,… không có lợi cho người bệnh.

Cần cho trẻ uống đủ nước, nhất là khi đang sốt, nôn, tiêu chảy. Có thể cho uống nước quả như nước cam, bưởi, chanh và các loại nước quả, sinh tố khác. Khi con sốt cao, nôn và tiêu chảy, cần cho uống dung dịch Oresol theo hướng dẫn để bù nước và điện giải.

Sau khi bé đã khỏi bệnh, phụ huynh nên cho con ăn nhiều hơn trong giai đoạn hồi phục (ít nhất là 2 tuần), giúp bé có thể nhanh chóng trở về tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe bình thường.

Triệu chứng Omicron giữa nam và nữ khác nhau như thế nào?

Triệu chứng Omicron giữa nam và nữ khác nhau như thế nào?

Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến của Covid-19, nhưng nghiên cứu mới chỉ ra biểu hiện này ảnh hưởng đến phụ nữ nặng nề ...

Giảm cân có thể giúp triệu chứng do Covid-19 nhẹ hơn

Giảm cân có thể giúp triệu chứng do Covid-19 nhẹ hơn

Giảm cân có thể là chiến lược quan trọng giúp cải thiện kết quả điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là tại Mỹ, nơi ...

(theo Vietnamnet)