Theo Tổng Tư lệnh Lực lượng vũ trang của Myanmar, số phận của cựu Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi sẽ được định đoạt tại tòa án. (Nguồn: Getty Images) |
Tướng Hlaing nêu rõ: "Tôi không phải là một thẩm phán. Tôi không thể nói điều gì sẽ xảy ra. Tôi không thể đưa ra bất cứ mệnh lệnh nào về việc gì phải làm với bà ấy".
Ông Hlaing cho biết, theo luật pháp, việc ra quyết định là nhiệm vụ của các thẩm phán: "Họ sẽ quyết định điều gì sẽ xảy ra với bà ấy theo luật định".
Bà Aung San Suu Kyi bị bắt trong cuộc chính biến hôm 1/2 và đã nhiều lần ra hầu tòa với các cáo buộc khác nhau như vi phạm luật bí mật nhà nước có từ thời thuộc địa hay nhận các khoản bất hợp pháp bằng vàng.
Lần gần đây nhất, hôm 22/6, bà Aung San Suu Kyi đã phải hầu tòa với cáo buộc xúi giục nổi loạn và vi phạm các quy tắc phòng dịch Covid-19 trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử hồi cuối năm ngoái.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, ông Hlaing cho biết, tại cuộc gặp ở Moscow hồi tuần trước, ông đã thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu về các vấn đề phòng không, tiến tới mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này.
Theo nhà lãnh đạo này, Myanmar "nằm trong diện quan tâm lợi ích của các cường quốc, vì vậy chúng tôi cần mở rộng khả năng phòng không vì an ninh quốc gia".
Tuyên bố dự định mở rộng hợp tác quân sự với Moscow, tướng Myanmar cho hay: "Nga là người bạn trung thành của chúng tôi. Trong lĩnh vực hợp tác quân sự, chúng tôi theo hướng phát triển. Chúng tôi sẽ tạo ra sự hợp tác mới và sẽ mở rộng quan hệ này".