Từ trái qua: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ khai mạc Diễn đàn Hòa bình Paris ở Pháp tháng 11/2018. (Nguồn: Reuters) |
Trong cuộc điện đàm, lãnh đạo ba nước Đức, Nga và Pháp một lần nữa khẳng định lại sự ủng hộ và cam kết đối với sự hợp tác cùng có lợi với Iran trong các lĩnh vực thương mại và kinh tế, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì thỏa thuận hạt nhân với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Đây được cho là yếu tố quan trọng trong việc duy trì an ninh và sự ổn định quốc tế.
Kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi tháng 5/2018, Washington đã khôi phục các lệnh trừng phạt Tehran, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dầu mỏ.
Các nước tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran còn lại gồm Đức, Trung Quốc, Pháp, Iran, Nga và Liên minh châu Âu đều lên tiếng chỉ trích gay gắt quyết định đơn phương này của Mỹ, đồng thời cho rằng việc khôi phục các lệnh trừng phạt Iran không chỉ đe dọa tới chính quốc gia Hồi giáo này mà còn đối với cả những nước và các công ty vẫn đang tiếp tục hợp tác kinh tế với Tehran.
Nhận thức rõ về điều này, các nước trên đã nhất trí tạo ra một cơ chế đặc biệt, với tên gọi Công cụ hỗ trợ trao đổi Thương mại (INSTEX) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp nước ngoài với Iran.
Bên cạnh đó, cả ba nhà lãnh đạo Đức, Nga và Pháp cũng thảo luận về quyền bầu cử của Nga tại Đại hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE). Theo tuyên bố từ Điện Kremlin, Thủ tướng Đức, Tổng thống Nga và Tổng thống Pháp đều nhất trí ủng hộ khôi phục quyền bỏ phiếu cho phái đoàn Nga ở PACE. Hồi tháng 4/2014, Moscow đã bị tước quyền bầu cử tại PACE sau cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ngoài ra, cũng trong cuộc trao đổi qua điện thoại, lãnh đạo ba nước Nga, Đức và Pháp cũng thảo luận về tình hình một số khu vực các bên cùng quan tâm, như Ukraine và Syria. Cả ba nhà lãnh đạo đều nhất trí thành lập một ủy ban hiến pháp ở Syria cũng như đồng ý tiếp tục nỗ lực giải quyết xung đột ở quốc gia Trung Đông này trong khuôn khổ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.