📞

Lãnh đạo nữ của 3 tổ chức quốc tế về thương mại chia sẻ tầm nhìn thúc đẩy thương mại quốc tế và bình đẳng giới

Chu Văn 09:35 | 17/03/2021
TGVN. Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, các nhà Lãnh đạo nữ của 3 tổ chức quốc tế về thương mại cùng chia sẻ tầm nhìn và ưu tiên của họ trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế và bình đẳng giới.

Với việc bà Ngozi Okonjo-Iweala (Nigieria) nhậm chức Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ ngày 1/3, cùng với bà Isabelle Durant (Bỉ) đảm nhiệm Quyền Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) từ ngày 16/2 và bà Pamela Coke-Hamilton (Jamaica) đảm nhiệm Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC) từ 1/10/2020, lần đầu tiên cả 3 tổ chức quốc tế về thương mại hàng đầu thế giới có trụ sở tại Geneva đều có lãnh đạo nữ.

Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, các nhà Lãnh đạo nữ này cùng chia sẻ tầm nhìn và ưu tiên của họ trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế và bình đẳng giới.

Ngoài việc truyền cảm hứng thúc đẩy bình đẳng giới, bà Okonjo-Iweala, bà Durant, và bà Coke-Hamilton đều cho rằng, việc ba phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo tại các tổ chức thương mại hàng đầu thế giới thực sự có ý nghĩa mang tính chuyển đổi và lịch sử xét về mặt bình đẳng giới và yêu cầu tái xây dựng chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy sự tự cường của tất cả thành phần trên thế giới.

Thương mại không trung lập về khía cạnh giới, thực tế thwong mại có tác động khác nhau đến nam giới và nữ giới, ví dụ như thực tiễn nhiều nữ giới được tuyển dụng vào các ngành có giá trị gia tăng thấp hơn, ít công nghệ hơn và ít cơ hội học hỏi hơn.

Bà Okonjo-Iweala cho rằng các lãnh đạo nữ sẽ quan tâm hơn đến vấn đề bất bình đẳng và tình trạng bị gạt ra rìa của những đối tượng yếu thế trong thương mại và cần đưa những nhóm yếu thế, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và phụ nữ vào dòng chảy chính của thương mại.

Trong khi đó, bà Durant chia sẻ, việc nữ giới vươn lên nắm vai trò lãnh đạo và sự thành công của họ sẽ góp phần thay đổi cách nhìn nhận về phụ nữ, là một bước quan trọng trong việc xóa bỏ rào cản giới và sẽ có tác động quan trọng đến viễn cảnh thương mại toàn cầu và các cuộc thảo luận về chính sách thương mại.

Bà Durant cho rằng, nam giới và phụ nữ có cách lãnh đạo khác nhau và cách tiếp cận khác nhau để xây dựng đồng thuận, ví dụ, lãnh đạo nữ sẽ đảm bảo rằng các cuộc đàm phán được thảo luận tại bàn hội nghị thay vì sân golf. Điều này đảm bảo rằng tiếng nói của phụ nữ sẽ được lắng nghe. Phụ nữ cũng có sự thấu cảm và nhận thức xã hội tốt hơn - do đó sẽ ưu tiên những vấn đề khác biệt và đưa ra những quan điểm khác biệt.

Bà Coke-Hamilton cho biết, sự đa dạng trong lãnh đạo là điều quan trọng, không chỉ trong thương mại. Bằng cách bao hàm những quan điểm, cách tiếp cận và tri thức đa dạng và bằng cách đưa phụ nữ vào các tiến trình ra quyết sách, chúng ta sẽ được trang bị tốt hơn trong việc xem xét những vấn đề cũ qua lăng kính mới, xác định những rủi ro mới, đưa ra những giải pháp mới và tìm kiếm những đối tác mới.

Về ưu tiên chính sách tại WTO để thúc đẩy hồi phục hậu Covid-19, bà Okonjo-Iweala chia sẻ 2 ưu tiên hàng đầu của bà: Trước hết là việc đảm bảo sự tiếp cận công bằng với giá cả phải chăng đối với các loại vaccine, thuốc và cách điều trị, trong đó xử lý tốt khía cạnh y tế trong thương mại thì mới thực sự giải quyết được các thách thức kinh tế và bảo đảm phát triển bền vững trong tiến trình phục hồi hậu đại dịch.

Thứ hai, thúc đẩy sự đóng góp của thương mại trong hồi phục kinh tế, như tự do hóa một số lĩnh vực để đảm bảo thương mại mở và các nước có thể sản xuất và bán nhiều sản phẩm hơn, theo đó các nước cần giảm thiểu, xóa bỏ các hạn chế và lệnh cấm xuất khẩu trong giai đoạn đại dịch.

Lãnh đạo nữ của 3 tổ chức quốc tế về thương mại chia sẻ tầm nhìn về thúc đẩy thương mại quốc tế và bình đẳng giới

Đối với UNCTAD, bà Durant chia sẻ ưu tiên đầu tiên của bà là đảm bảo rằng các chể chế quốc tế sẽ góp phần làm cho thương mại thực sự là công cụ thúc đẩy phục hồi hậu đại dịch, đặc biệt là cho những quốc gia, các nhóm và các lĩnh vực đã phải trả giá đắt do đại dịch.

Bà Durant ưu tiên các nỗ lực của UNCTAD cung cấp phân tích, dữ liệu, hỗ trợ kỹ thuật giúp những đối tượng nêu trên chuyển hướng hồi phục sang những lĩnh vực và chiến lược mang tính bao trùm và xanh hơn.

Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất cho các thế hệ hiện tại và tương lai, vì vậy, các nước cần cấp bách lập kế hoạch và thực hiện hành động thích ứng sản xuất và thương mại của họ trước những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu - điều này sẽ tác động đến cách thức sản xuất, lợi thế so sánh mới, đầu tư, đa dạng hóa các nền kinh tế, hội nhập khu vực và các chuỗi cung ứng.

Bà Durant cũng nhấn mạnh, phải làm thế nào để các nước đang phát triển có thể tận dụng được lợi ích của công nghệ phục vụ phát triển và trở thành người chơi trong cuộc cách mạng công nghệ số khi mà công nghệ số trở thành lực lượng chủ đạo trong nền kinh tế, và đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng, chính sách và kỹ năng số.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần hợp tác, chuyên môn và kinh nghiệm của tất cả các thành phần trên con đường hồi phục.

Bà Coke-Hamilton nhấn mạnh hai ưu tiên hàng đầu của bà tại ITC: Trao quyền và bình đẳng, trong đó chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs).

Theo bà, trao quyền có 4 hàm ý:

Một là xây dựng sự tự cường cho MSMEs thông qua đối tác.

Hai là hướng đến sự hồi phục bằng cách chuyển đổi sang thương mại xanh hơn. ITC sẽ khởi động một sáng kiến mới tham vọng nhằm hỗ trợ MSMEs và thương mại xanh. Theo đó, ITC sẽ phối hợp với MSMEs nhằm giúp họ áp dụng các thực tiễn xanh hơn, theo đuổi các cơ hội trong nền kinh tế tuần hoàn và tham gia các chuỗi cung ứng xanh hơn.

Ba là thúc đẩy sự hội nhập lớn hơn của MSMEs trong nền kinh tế số và thúc đẩy tiếp cận số cho tất cả mọi người.

Bốn là trao quyền cho phụ nữ và thanh niên thông qua Chương trình Phụ nữ trong Thương mại (SheTradeProgramme) của ITC và phối hợp với các chính phủ để xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ việc làm mới và sáng tạo cho thanh niên. Ưu tiên thúc đẩy bình đẳng nhằm đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình hồi phục hậu Covid-19 cũng như đối phó với các cú sốc mới trong tương lai.

Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ mức độ bất bình đẳng vẫn còn sâu rộng trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Bà Coke-Hamilton cho rằng cần phải "thách thức nguyên trạng" và nữ giới sẽ thực hiện điều đó.

Năm 2020 vừa qua đánh dấu 45 năm Năm quốc tế phụ nữ 1975 do Đại hội đồng LHQ khởi xướng (với Hội nghị thế giới đầu tiên về Phụ nữ, mở đầu cho Thập kỷ LHQ về Phụ nữ 1975-1985), 41 năm Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) được LHQ thông qua (1979), 10 năm thành lập Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), 25 năm Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (1995) về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, 20 năm Hội đồng Bảo an LHQ ra Nghị quyết 1325 (2000) về phụ nữ, hòa bình và an ninh; 5 năm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, trong đó bình đẳng giới là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
(theo Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)