📞

Lao đao vì Covid-19, doanh nghiệp cần ngay các biện pháp 'hồi sức'

Vân Chi 14:10 | 30/05/2021
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 đang khiến các doanh nghiệp tại nhiều ngành nghề như du lịch, giáo dục, xây dựng, vận tải, dệt may…gặp khó khăn, thách thức, thậm chí có nguy cơ phá sản…

Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước có gần 44,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 627,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% về số doanh nghiệp và 41% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, cũng có 51,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ làm thủ tục giải thể và đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 12,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Lao đao vì Covid-19, doanh nghiệp cần ngay các biện pháp 'hồi sức'

Doanh nghiệp các ngành “kêu cứu”

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, trong giai đoạn vừa qua, mặc dù các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng với tỷ lệ giảm từ 0,1-0,3%/năm là quá ít nên cũng không hỗ trợ nhiều doanh nghiệp. Mặt khác các gói hỗ trợ cho người lao động vẫn còn vướng nhiều thủ tục nên các đối tượng được hưởng tại doanh nghiệp chưa nhiều.

Một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp vận tải lo lắng nhất hiện nay là áp lực phải trả nợ sau hai năm liên tiếp điêu đứng vì Covid-19.

“Đây là lúc họ cần sự ‘tiếp sức’ của Nhà nước hơn lúc nào hết. Vì thế, cần có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp vận tải đường bộ có được bước đệm tiếp tục duy trì hoạt động và phục hồi. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp mong được các ngân hàng thương mại giãn nợ, lùi thời hạn trả nợ gốc, lãi vay các khoản đầu tư của doanh nghiệp như các gói hỗ trợ mà năm 2020 Chính phủ đã triển khai”, ông Quyền đề xuất.

Với khối ngành dệt may, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, dịch Covid-19 đã khiến cho ngành dệt may thiếu đơn hàng, ảnh hưởng 30% công nhân ngành thiếu việc trong tháng 4 và 70% lao động còn lại chỉ làm việc khoảng 60% công suất; hàng trăm nghìn lao động bị thiếu hoặc mất việc làm.

Đến nay, các doanh nghiệp lớn có trên 1.000 lao động đã chuyển hướng sản xuất các mặt hàng phục vụ mùa dịch như khẩu trang, găng tay, bảo hộ... Doanh nghiệp nhỏ và vừa tập trung khai thác thị trường nội địa và vẫn duy trì được nhịp độ sản xuất.

Dù các doanh nghiệp phục hồi nhưng các khó khăn vẫn còn đó, như vận chuyển hàng, giao hàng xuất khẩu do số lượng container khan hiếm, giá cả thuê container tăng vọt.

Việc thu hút lao động làm việc trở lại cũng vô cùng khó khăn do đây là lúc cao điểm của dịch Covid-19. Bên cạnh đó là những khó khăn về tài chính để phục vụ sản xuất, duy trì đội ngũ công nhân lao động…

Bà Mai kiến nghị, giải pháp hiện nay các doanh nghiệp mong đợi từ Chính phủ là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chịu tác động mạnh do dịch bệnh; hoãn và giảm nộp thuế trong năm 2021 tạo điều kiện phục hồi phục sản xuất, trang trải những khó khăn về tài chính.

Đặc biệt, có chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi... Các giải pháp này cần sớm được thực hiện để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp.

Kịp thời “hồi sức” cho doanh nghiệp

Để hỗ trợ và “hồi sức” cho doanh nghiệp, ngày 19/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế theo Nghị định 52 ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng.

Đây là lần thứ 3 Chính phủ hỗ trợ về thuế trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, mà theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, thì Nghị định 52 sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực vượt qua khủng hoảng, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Với chính sách này, các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính vượt qua khó khăn, tăng sức cạnh tranh bởi dòng tiền thay vì nộp vào ngân sách nhà nước thì trước mắt chưa phải nộp mà doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền đó vào hoạt động kinh doanh nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, mà không phải đi vay và trả lãi vay.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá cao việc Chính phủ đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua. Ông Lộc nhận định, các gói hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất... đã phần nào "cấp cứu" và vực đỡ không ít doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn của đại dịch.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, trong bối cảnh dịch vẫn hoành hành và diễn biến phức tạp, khó lường, việc đồng bộ hóa các giải pháp với nội dung thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là cần thiết.

Việc giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính giúp tăng sức chống chiụ trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường.

Dù vậy, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất, không thể tiếp tục cách thức hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp như lần đầu tiên mà cần một giải pháp dài hơi hơn, đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, hỗ trợ phát triển…

“Cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp vẫn phải đặt ưu tiên và cần có giải pháp quyết liệt trong hành động. Việc này có thể làm được ngay, có tác động trực tiếp ngay, nếu thực sự hành động.

Quan điểm của tôi là cần hỗ trợ các kế hoạch kinh doanh, đầu tư hiện hữu, khả thi của doanh nghiệp, hỗ trợ phần cung, chứ không đơn thuần là hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ cầu như các gói chính sách năm ngoái. Nếu có gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng của Covid-19, thì mục tiêu là hỗ trợ phục hồi, chứ không hỗ trợ cầm cự”, ông Cung nhấn mạnh.

Ngân hàng chung tay cùng doanh nghiệp

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt khi xuất khẩu hàng hóa trực tuyến, hàng loạt ngân hàng đã vào cuộc thông qua việc tung ra các sản phẩm dành riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Tại MSB, từ nay đến ngày 31/12/2021, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là khách hàng của nhà băng này sẽ được vay vốn VND với lãi suất chỉ từ 6%/năm và từ 3,0%/năm với USD. Đây đang là mức lãi suất cạnh tranh trên thị trường dành cho khách hàng xuất nhập khẩu. Không chỉ có lãi suất vay siêu ưu đãi, khách hàng còn có thể được tài trợ vốn không tài sản bảo đảm lên tới 90% giá trị hợp đồng/LC xuất khẩu.

Khi sử dụng giải pháp tín dụng toàn diện này, các khách hàng sẽ được giảm 30% phí tài trợ thương mại, chuyển tiền quốc tế và miễn 100% phí quản lý tài khoản, dịch vụ Internet Banking và nộp thuế điện tử/hải quan điện tử.

“Gói giải pháp tín dụng toàn diện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu là một trong những nỗ lực mà MSB xây dựng nhằm giúp doanh nghiệp nhanh chóng khơi thông nguồn vốn, đẩy mạnh phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, vượt qua khủng hoảng do dịch Covid-19 và tạo đà về đích cuối năm cho các mục tiêu kinh doanh 2021”, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB cho hay.

Đối với các khách hàng doanh nghiệp lớn, Agribank mới đây đã thiết kế chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô lên tới 35 nghìn tỷ đồng. Thời hạn cho vay cũng khá đa dạng cả ngắn hạn, trung và dài hạn bằng VNĐ, giúp cho doanh nghiệp có nhiều lựa chọn. Mức lãi suất rất ưu đãi chỉ tối thiểu 3,7%/năm áp dụng tùy theo từng kỳ hạn đối với cho vay ngắn hạn và tối thiểu 7%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.

Agribank cùng nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức của Covid-19 thời gian qua. (Nguồn: Agribank)

Với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Agribank cũng dành gói tín dụng ưu đãi với quy mô tương đối lớn 30 nghìn tỷ đồng. Thời hạn cho vay cũng giống như doanh nghiệp lớn cả ngắn hạn, trung và dài hạn bằng VNĐ. Lãi suất của gói tín dụng này chỉ là 4,8%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 7,5%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.

Không chỉ có doanh nghiệp nội địa, Agribank còn đưa ra gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI với quy mô 5.000 tỷ đồng và 150 triệu USD. Thời hạn cho vay ngắn hạn và loại tiền được vay gồm có cả VNĐ và USD. Mức lãi suất cho vay tối đa 4,8%/năm đối với cho vay xuất khẩu và tối đa 6,5% (đối với cho vay nhập khẩu và/hoặc sản xuất, kinh doanh trong nước).

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 31/12/2021. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Thông tư cũng quy định các ngân hàng được quyết định miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng mà khách hàng phải trả trong 2 năm 2020-2021 nhưng không có khả năng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng cũng được thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, kể cả việc giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn. Nếu các chỉ số kinh tế tích cực, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm cả lãi suất huy động và cho vay. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung giảm chi phí để tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.

(tổng hợp)