📞

Lào-Việt Nam: Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt hiếm có và duy nhất trên thế giới

Thuỵ Nguyên 11:17 | 20/07/2022
Nhân Năm Hữu nghị Lào-Việt Nam, ông Khamvisan Keosouvan, Trợ lý Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã có bài viết ý nghĩa về tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, được giới thiệu trên Đài phát thanh Quân đội nhân dân Lào.

Nội dung bài viết như sau:

Cùng chung dãy dãy núi Trường Sơn hùng vĩ và các dòng sông từ Bắc xuống Nam, nhân dân hai nước Lào-Việt Nam đã xây dựng tình đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau không khác gì anh em ruột thịt, cùng chia ngọt sẻ bùi.

Mối quan hệ đặc biệt ấy đã được thử thách qua giai đoạn lịch sử đấu tranh kháng chiến chống thực dân lâu dài, quyết liệt, trong đó nhân dân hai nước đã sát cánh hỗ trợ nhau hết lòng trên tinh thần đồng chí anh em, tinh thần quốc tế trong sáng, yêu thương tin tưởng lẫn nhau, sẵn sàng hy sinh vì nhau, sống chết cùng nhau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật đồng chí Kaysone Phomvihan, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam năm 1966.

Đây chính là cội nguồn hình thành mối quan hệ đoàn kết đặc biệt dựa trên đòi hỏi khách quan và là yếu tố quyết định thành công và thắng lợi của cách mạng hai nước chúng ta, là hình mẫu về tình đoàn kết hiếm có trên thế giới, là mối quan hệ vĩ đại, sâu sắc, thắm thiết, là di sản quý báu của hai nước.

Nhắc đến mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Lào-Việt Nam, các lãnh tụ cách mạng tiền bối hai nước đã có những phát biểu đúc kết sâu sắc. Chủ tịch Kaysone Phomvihan khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới, có nhiều tấm gương sáng về tình cảm quốc tế vô sản, nhưng chưa có khi nào và chưa có ở nơi đâu tồn tại mối quan hệ đoàn kết chiến đấu đặc biệt lâu dài và toàn diện như mối quan hệ Lào-Việt Nam”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đúc kết quan hệ Việt Nam-Lào qua bài thơ:

Yêu nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua

Việt - Lào hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long

Chủ tịch Souphanouvong cũng phát biểu: “Mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn đại dương, đẹp hơn trăng rằm, thơm hơn những bông hoa thơm nhất”.

Tình đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam là đòi hỏi khách quan và là yếu tố quyết định chiến thắng của cách mạng hai nước thể hiện qua: Sự hình thành và phát triển lớn mạnh của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đều có tiền thân là Đảng Cộng sản Đông Dương mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và bồi dưỡng, tôi rèn; Hai Đảng đều có lý tưởng và đường lối chính sách giống nhau; Hai Đảng đã cùng sát cánh với nhau, chia ngọt sẻ bùi, cùng chiến đấu chống lại kẻ thù chung và cùng nhau giành thắng lợi vẻ vang.

Trải qua quá trình cách mạng gian nan của hai nước Lào-Việt Nam, tình đoàn kết đặc biệt nêu trên cũng đã trải qua thử thách gian nan và trở thành nguồn sức mạnh to lớn giúp hai nước giành những thắng lợi vĩ đại, hơn nữa giúp nối quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc, bền vững mãi mãi.

Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt hiếm có, duy nhất trên thế giới là sự nghiệp của toàn dân. Nhân dân hai nước là người tham gia và đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng, hoàn thiện, gìn giữ và phát triển mối quan hệ hai nước ngày càng vững mạnh với việc kế tục từ các thế hệ cha anh và truyền lại cho các thế hệ tiếp theo dưới sự lãnh đạo của hai Đảng.

Đây là một sự nghiệp có sự tự giác, tự nguyện tham gia của nhân dân trên tinh thần yêu nước thắm thiết, trong sáng và tinh thần hi sinh cao nhất của hai dân tộc Lào-Việt Nam. Mối quan hệ hai nước là nguồn sức mạnh to lớn chiến thắng bọn đế quốc xâm lược và tiếp tục thực hiện sự nghiệp bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước theo mục tiêu chủ nghĩa xã hội.

Đại tướng Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Kaysone Phomvihan.

Về ý nghĩa quan trọng của sự kiện thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức Lào-Việt Nam (5/9/1962) và ký Hiệp định Hữu nghị và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam (18/7/1977): Hiệp định Geneva về Lào ngày 23/7/1962 đã công nhận về sự độc lập, trung lập, thống nhất, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của Lào, chấp nhận chính phủ 3 bên thành lập ngày 12/6/1962.

Đó không chỉ là thắng lợi về chính trị, quân sự, ngoại giao, là dấu mốc của sự lớn mạnh vượt bậc của lực lượng cách mạng Lào mà còn là chiến thắng của tình đoàn kết, sự phối hợp chặt chẽ giữa quân đội và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam anh em trong trận tuyến chống lại kẻ thù chung. Hiệp định Geneva về Lào mở ra thời kỳ phát triển mới cho cách mạng hai nước.

Với cơ hội và điều kiện thuận lợi nêu trên, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức ngày 5/9/1962. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng về mặt chính trị, ngoại giao và quân sự hai nước, là cột mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, khẳng định sự gắn kết vận mệnh hai nước trong kháng chiến cứu nước, giành độc lập và thống nhất đất nước.

Trước hết, sự kiện trên khiến Chính phủ Hoàng gia Lào phải cắt đứt nối quan hệ ngoại giao với Ngụy quyền Sài Gòn. Đồng thời, sự kiện trên cũng khiến thế giới biết Lào là một quốc gia có chủ quyền độc lập, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân Lào có quyền tự do như các dân tộc khác trên thế giới; mở ra cơ hội hợp tác với thế giới bên ngoài nhằm nhận sự hỗ trợ từ các nước yêu tự do, các nước trong khối xã hội chủ nghĩa đồng thời kết hợp với nguồn lực trong nước nhằm đánh thắng Đế quốc Mỹ xâm lược.

Sau khi Lào được giải phóng toàn bộ và thành lập nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào ngày 02/12/1975, tình hình Lào gặp khó khăn nhiều mặt, nhưng khó khăn nhất là việc kẻ thù tiếp tục thực hiện chính sách cô lập Lào nhiều mặt.

Nhằm tiếp tục phát triển truyền thống đoàn kết đặc biệt, quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng chặt chẽ và đi vào chiều sâu, bền vững, hai nước đã ký Hiệp định Hữu nghị và hợp tác toàn diện ngày 18/7/1977. Đây là một tất yêu khách quan, là đường lối đúng đắn, phù hợp với quy luật trong quan hệ quốc tế, pháp lý hóa nội dung tinh thần trong quan hệ hợp tác truyền thống lâu dài của hai nước, là sự xác định đường lối, nguyên tắc trong mối quan hệ đặc biệt của hai nước.

Đồng thời, sự kiện này mở ra cơ hội mới trong quan hệ hai nước trong điều kiện mới, là sự tiếp tục hoàn thiện và phát huy truyền thống mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện trong điều kiện sự nghiệp cách mạng mới, sự nghiệp bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước, nhất là khắc phục vết thương chiến tranh, phục hồi, nâng cao đời sống của nhân dân các dân tộc một cách nhanh chóng, đồng thời tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật nhằm chuẩn bị cho các bước tiến trong tương lai.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Souphanouvong tại Chiến khu Việt Bắc năm 1951.

Sự kiện hai nước ký Hiệp định Hữu nghị và hợp tác toàn diện khiến nhân dân thế giới nhận thức rõ về mối quan hệ hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, là mối quan hệ chính nghĩa, hai bên cùng có lợi, đập tan những luận điệu sai lệch của thế lực thù địch muốn phá hoại mối quan hệ hai nước.

Hiệp định Hữu nghị và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam là văn bản pháp lí quan trọng giúp thắt chặt mối quan hệ truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước ngày càng được nâng cao, đơm hoa kết trái và phát triển ngày một lớn mạnh.

Với vai trò là một công dân Lào, là thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng của hai Đảng, hai Nhà nước Lào-Việt Nam, chúng ta tự hào và biết ơn sự hi sinh của cha ông, các anh hùng thế hệ trước, đồng thời quyết tâm tăng cường, nâng cao mối quan hệ trong sáng, chân thành, hết lòng vì nhau của hai nước Lào-Việt Nam và ra sức bảo vệ, phát triển đất nước ngày ngày thịnh vượng theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

(theo Đài phát thanh Quân đội nhân dân Lào)