📞

Lập nghiệp ở Australia

07:00 | 19/02/2017
Trong vai trò Cố vấn đa văn hóa thuộc Chương trình tư vấn kinh doanh Business Connect của Bộ Công nghiệp Tiểu bang New South Wales (Australia), anh Nguyễn Anh Tuấn đã khởi xướng và cùng nhiều bạn bè người Việt đang kinh doanh, làm việc ở Sydney thành lập Câu lạc bộ trợ giúp kinh doanh tại đây.

Từng tốt nghiệp Học viện Ngoại giao Việt Nam, học kinh doanh quốc tế tại Đại học Sydney và có hơn 10 năm làm việc tại một số cơ quan Nhà nước ở Việt Nam, năm 2013, chàng trai quê Yên Thành (Nghệ An) đã quyết tâm trở lại thành phố Sydney để lập nghiệp. Bốn năm qua, cuộc sống tại đây đã cho anh nhiều trải nghiệm quý về cuộc sống, kỹ năng và các mối quan hệ để hội nhập ở nơi xứ người.

Từ 10.000 USD trong tay

Đó là tất cả số tiền mà Anh Tuấn đã dành dụm được để cùng vợ và cậu con trai 2 tuổi bắt đầu cuộc sống tự thân lập nghiệp tại Sydney. Anh còn nhớ như in đêm đầu tiên trên đất khách khi con trai ngủ mê mệt trên tấm đệm cũ trải trên sàn gạch lạnh trong căn phòng tồi tàn của một chủ người Việt. Anh kể, lúc đó hai vợ chồng khá hoang mang và không biết việc bỏ lại tất cả (nhà cửa, bố mẹ, anh em, công việc với thu nhập cao…) để quay lại sống trong cái "ổ chuột" và ngày mai chưa biết làm gì có phải là quyết định đúng đắn hay không? Sau đêm  đầu tiên mất ngủ với bao nhiêu suy nghĩ ngổn ngang, sáng hôm sau, anh đã gạt sang bên tất cả, đối diện với thực tế và đặt trọn vẹn niềm tin vào việc sẽ làm trên mảnh đất Sydney.

Đầu tiên, hai vợ chồng đã mạnh dạn bỏ một nửa số tiền mua một chiếc xe hơi cũ với suy nghĩ “không có xe thì không có việc, và nếu có việc thì sẽ có tất cả”. Sau tháng đầu tiên hưởng trợ cấp thất nghiệp của chính phủ Australia, Anh Tuấn tìm được công việc tư vấn bán hàng tại một công ty đối tác của IBM Australia, với mức lương khá thấp, gần như mức khởi điểm của người mới ra trường dù đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong các vị trí quản lý. Mặc dù vậy, công việc này đã giúp anh nuôi sống cả gia đình và là bàn đạp để anh hòa nhập cuộc sống mới, từ đó tìm được công việc tốt hơn là Cố vấn Kinh doanh đa văn hóa của Chính phủ Tiểu bang New South Wales.

Hiện gia đình anh đã ổn định chỗ ở và có thêm địa điểm nhỏ để đầu tư kinh doanh. Về công việc, từ chỗ đi xin việc, giờ anh đã có thể giới thiệu công việc giúp bạn bè, rồi từng bước tự tạo ra công việc mang lại thu nhập cho bản thân. Nhìn cậu con trai 5 tuổi phấn khích, tự tin kết bạn mới, tự tin giao tiếp độc lập tại lớp học, anh cảm thấy mình thật may mắn bởi xứ Kangaroo vẫn luôn giang rộng tay đón và tạo cơ hội cho những ai chịu khó làm việc.

Và niềm tin sẽ dẫn lối

Nguyễn Anh Tuấn thường tâm niệm: "một khi bạn tin vào những gì mình làm thì cả vũ trụ sẽ hợp sức giúp bạn đạt được điều đó". Từ những thành công ban đầu của bản thân, anh đã tiên phong xây dựng Câu lạc bộ Trợ giúp Kinh doanh mang tên Viet Biz Support Club (VBSC) tại Sydney. VBSC tập hợp những người Việt trẻ đam mê kinh doanh, có đạo đức tốt, có tâm chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, giúp đỡ nhau kinh doanh thành công tại Australia. Đặc biệt, “Đạo đức”, "Đoàn kết, "Sẻ chia" được anh chọn làm ba quy tắc nền tảng tạo nên bản sắc và định hướng mọi hoạt động của VBSC.

VBSC được khởi xướng trong bối cảnh cộng đồng những người trẻ tuổi, thuộc thế hệ mới sang Australia theo diện du học, kinh doanh rồi chọn Sydney làm "nhà" đã được hàng chục năm, nhưng chưa có một tổ chức hay sân chơi nào phù hợp với nguyện vọng được chia sẻ và trợ giúp người Việt của họ.

Tại chương trình Business Connect (mà tiền thân là Small Biz Connect) của Chính phủ Tiểu bang New South Wales, công việc chính của Nguyễn Anh Tuấn là kết nối và hỗ trợ các chủ doanh nghiệp nhỏ, hoặc những người muốn khởi nghiệp tại đây, trong đó ưu tiên cho người Việt. VBSC đã được sự bảo trợ rất lớn từ Small Biz Connect cả về mặt uy tín lẫn vật chất. Sau hơn nửa năm, Small Biz Connect đã hỗ trợ tổ chức gần 10 chương trình đào tạo, chia sẻ kiến thức - kinh nghiệm miễn phí cho những người tham gia.

Mới đây, tin tức về VBSC đã được công bố trong thông cáo báo chí của Bộ Công nghiệp New South Wales và đăng tải trên các báo địa phương. Đây là sự ghi nhận chính thức rất có ý nghĩa của Chính phủ tiểu bang đối với tổ chức và hoạt động của VBSC. Hiện VBSC có gần 50 thành viên làm việc trong các lĩnh vực khác nhau từ khách sạn, bất động sản, xuất nhập cảnh đến du lịch, giáo dục, thiết kế, truyền thông và thương mại điện tử.

Không chỉ là người truyền lửa tại VBSC, Nguyễn Anh Tuấn còn khởi động xây dựng các dịch vụ tư vấn giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Australia. Nói về phong trào khởi nghiệp (startup) đang nổi lên, anh cho rằng, nếu không có sự hướng dẫn và định hướng đúng mực, “khởi nghiệp” có thể tàn phá các nguồn lực của xã hội, đặc biệt là giới trẻ, tàn khốc như một bệnh dịch vừa dễ lây lan, vừa dễ gây nghiện. Theo anh, sự tự tin chính là nguồn vốn, nguồn lực quan trọng nhất, tiên quyết nhất và cần phải được bảo vệ nhất của mỗi con người để đi đến thành công.

“Mọi lời khuyên, kinh nghiệm chỉ nên là thông tin tham khảo bởi không ai khác ngoài bạn biết bạn muốn gì, có gì và có thể làm gì. Đừng cố gắng khởi nghiệp theo kiểu đánh cược mà chuẩn bị thật kỹ để có từng bước đi chủ động. Như vậy, nếu có thất bại, bạn vẫn sẽ giữ được sự tự tin”, anh chia sẻ.