📞

Lập nghiệp với ngành tái chế giấy

14:34 | 15/12/2009
Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội khởi nghiệp và thành công với ngành tái chế giấy. Đây là sự khẳng định của các chuyên gia ngành giấy của Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam trong Hội thảo quốc tế "Tái chế bao bì giấy đã qua sử dụng" vừa diễn ra tại Hà Nội.

Cơ hội phát triển

Thật vậy, tại Hội thảo do Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Tetra Pak tổ chức, các chuyên gia đã thảo luận về tình hình tái chế giấy ở Việt Nam và thế giới, nhu cầu của thị trường trong nước về giấy tái chế, bài toán kinh tế… và đi đến khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội lập nghiệp thành công với ngành này.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, ông Vũ Ngọc Bảo cho biết nhu cầu trong nước mỗi năm cần hơn 1,8 triệu tấn giấy. Tuy nhiên sản xuất trong nước mới chỉ cung cấp được 1,13 triệu tấn, còn lại là giấy nhập khẩu. Trong khi đó, tổng số giấy sản xuất trong nước có tới 70% là nguyên liệu từ nguồn giấy tái chế, nhưng đến 2/3 nguồn nguyên liệu này lại phải… nhập khẩu. Điều này cho thấy tỷ lệ thu hồi giấy qua sử dụng của Việt Nam đang rất thấp, chỉ đạt khoảng 25%. Như vậy, hầu hết số giấy thải loại còn lại bị đem tiêu hủy một cách lãng phí, trong lúc đó Việt Nam phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu một lượng giấy phế liệu, giấy tái chế khổng lồ từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất giấy.

Do đó, việc xây dựng và phát triển công nghiệp tái chế bao bì giấy là cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia phát triển ngành này. Giám đốc Nhà máy giấy Duman Ganga của Ấn Độ, ông Tushar Shar đã chia sẻ những kinh nghiệm về công nghệ và bài toán kinh tế trong tái chế bao bì giấy qua sử dụng như bao bì sữa, nước trái cây… ở nước này và đi đến khẳng định, đây có thể là một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận phù hợp cho doanh nghiệp. Trong khi đó, Tập đoàn Tetra Pak lại sẵn sàng hỗ trợ bước đầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tái chế các vỏ hộp giấy nhằm mục tiêu phát triển kinh doanh và bảo vệ môi trường.

Cần có chính sách của Nhà nước

Hiện nhiều nước trên thế giới đều khuyến khích việc thu gom, tái chế rác thải (trong đó có giấy) và được cụ thể hóa thành luật hoặc các quy định. Còn ở Việt Nam, cho đến nay chưa có bất kỳ quy định nào về thu gom và tái chế các vật liệu có thể tái chế được ở cấp độ Chính phủ, tỉnh, thành phố… Hầu hết các hoạt động tái chế đều mang tính tự phát, không có định hướng phát triển, trong đó Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam là một ví dụ. Trong quy hoạch này, vai trò của hoạt động thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng còn rất mờ nhạt.

Trong khi đó, hiệu quả của giấy tái chế là rõ ràng. Thống kê của Viện Công nghiệp giấy và xenlulô cho thấy hàng năm lượng giấy phế liệu của nước ta có thể sản xuất khoảng 80 nghìn tấn bột giấy. Ngoài ra, Giám đốc Truyền thông và Môi trường Tetra Pak Việt Nam Trần Hạnh Dung cho biết từ góc độ môi trường, sử dụng bao bì giấy và tái chế bao bì giấy đã qua sử dụng còn góp phần đem lại nhiều lợi ích cho môi trường, giảm lượng phát thải khí CO2. Giấy có thể tái chế tới 6 lần trước khi chôn lấp hoặc đốt bỏ, nên có lợi ích lớn về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Để có thể khắc phục bất cập này, Nhà nước cần có chính sách và giải pháp đồng bộ từ cấp trung ương, trong đó xây dựng chương trình thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng với các mục tiêu cụ thể. Xác định cụ thể một số mặt hàng giấy phải có một lượng bột tái chế trong sản phẩm, hạn chế tối đa các sản phẩm giấy sản xuất từ 100% bột nguyên thủy. Nhà nước cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động thu gom và tái chế giấy, đầu tư công nghệ mới cho tái chế giấy bằng các công cụ kinh tế. Công bố nhãn giấy thân thiện môi trường đối với giấy có lượng xơ sợi tái chế cao để người tiêu dùng dễ phân biệt và ủng hộ...

Đặc biệt, Nhà nước cũng cần luật hóa công tác thu gom giấy đã qua sử dụng và tái chế, coi đây là nguyên liệu chính sản xuất giấy nhằm hạn chế áp lực từ việc sử dụng gỗ vào sản xuất giấy, khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn bột giấy thế giới. Đây cũng là bước đi cần thiết để chuẩn bị cho ngành giấy Việt Nam đối phó với sự cạnh tranh của các ngành khác trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm như đất, nước, rừng, than đá, dầu mỏ…

Văn Anh