Đối tượng Y Hin Niê (áo kẻ, cầm micro). (Nguồn: VOV) |
Âm mưu thành lập nhà nước riêng
Với chiêu bài lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tổ chức “Tin lành đấng Christ” (UMCC)” bị phát hiện đang tập hợp lực lượng, kích động ly khai, tự trị, thành lập “Nhà nước Đêga” ở Tây Nguyên.
Tổ chức UMCC do Mục sư Tin lành Y Hin Niê (SN 1952) thành lập năm 2001, có trụ sở chính tại 114 South English, Greensboro, North Carolina, Mỹ và một số chi nhánh tại Mỹ, Canada.
Dùng thủ đoạn quy tụ các chức sắc, tín đồ người dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở Mỹ và Việt Nam, UMCC đã tập hợp lực lượng, đấu tranh “đòi” tự do tôn giáo, dân chủ nhân quyền kích động ly khai, tự trị, tiến tới thành lập “tôn giáo riêng”, “nhà nước Đêga” của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Để thực hiện âm mưu này, từ khi thành lập, các đối tượng cầm đầu đã câu kết, móc nối với các tổ chức phản động người Việt lưu vong để đào tạo trực tuyến, chỉ đạo số cầm đầu trong nước hoạt động đấu tranh bất bạo động, củng cố, phát triển lực lượng, thu thập thông tin, tài liệu về dân chủ, nhân quyền gửi ra nước ngoài để vu cáo Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ của các thế lực thù địch chống Việt Nam; thông qua mạng xã hội, các diễn đàn quốc tế... vu cáo Việt Nam phân biệt đối xử, đàn áp người dân tộc…
Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, tháng 10/2015, tổ chức UMCC đã lôi kéo được hơn 400 đối tượng bên ngoài và phát triển lực lượng ở 9 tỉnh (Đắk Lắk, Trà Vinh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum) với 10 mục sư và 11 truyền đạo, hoạt động tại 15 điểm nhóm với hơn 1400 tín đồ.
Tháng 9/2019, do mâu thuẫn về quyền lợi, A Ga (SN 1977, gốc Kon Tum, hiện ở Mỹ, đang bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai truy nã về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài) tách khỏi UMCC.
Đến tháng 9/2020, A Ga, A Đảo (Facebook tên “Giôsê Đảo”) cùng Y Hin Niê và số phản động người Việt lưu vong như: Nguyễn Đình Thắng, Nguyễn Văn Đài…chính thức thành lập “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên” (CHPC).
A Ga tự nhận mình làm người đại diện, đồng thời chỉ định nhân sự “Ban đại diện” tạm thời trong nước gồm 5 thành viên, do A Đảo (trú ở Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) làm “Giáo hội trưởng”.
Nhóm CHPC ở Việt Nam thường xuyên hoạt động trên không gian mạng, nhận chỉ đạo và thu thập thông tin tài liệu cung cấp cho A Ga, Nguyễn Đình Thắng và tuyên truyền phát triển lực lượng.
Đến nay chúng đã lôi kéo được 84 đối tượng tại 20 buôn, làng/18 xã/16 huyện/6 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Hoạt động sinh hoạt, nhóm họp trái phép của 'Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên'. (Nguồn: VOV) |
Thủ đoạn tinh vi
Nhìn bề ngoài như một tổ chức sinh hoạt tôn giáo bình thường với các hoạt động hát thánh ca, chia sẻ kinh thánh và cầu nguyện, nhưng bên trong CHPC chính là một tổ chức phản động, thường xuyên tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của CHPC không có gì mới, tương tự như “Tin lành Đêga” trước đây và tổ chức phản động “Hội thánh Tin lành đấng Christ” ở Mỹ hiện nay. Tổ chức này tập hợp tín đồ là người dân tộc thiểu số ở trong nước liên kết với các nhóm Tin lành khác và số đối tượng phản động người Việt lưu vong lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá Việt Nam, đòi thành lập “nhà nước riêng, tôn giáo riêng” cho người dân tộc thiểu số.
Nhằm nuôi lớn tổ chức phản động của mình, A Ga đã cộng tác, liên kết với các tổ chức phản động nước ngoài khác như “Ủy ban cứu trợ người vượt biển” (BPSOS) của Nguyễn Đình Thắng ở Mỹ, “nhóm “Người Thượng đứng lên vì công lý” (MSFJ) của Y Quynh Bdăp ở Thái Lan để tạo dựng, phát triển các “nhóm lõi”, tuyên truyền phát triển cơ sở bên trong.
Bằng các ứng dụng trên mạng xã hội, A Ga đã kết nối với các đối tượng bên trong để tuyên truyền, củng cố niềm tin, lôi kéo mọi người tham gia CHPC, mở rộng tín đồ, tập hợp lực lượng, từng bước công khai hoạt động.
Đồng thời, A Ga và các đối tượng phản động lưu vong khác tích cực móc nối, lôi kéo, hướng dẫn các tín đồ theo đạo tin lành thuần túy trong nước tham gia các buổi tập huấn trực tuyến về nhân quyền.
Các buổi tập huấn này thực chất là các buổi đào tạo cách thức viết “báo cáo vi phạm” về nhân quyền, tự do tôn giáo; đào tạo kỹ năng hoạt động “xã hội dân sự”; hướng dẫn phương pháp thu thập, cung cấp các thông tin sai lệch về tình hình trong nước để xuyên tạc, vu cáo trên mạng xã hội và các diễn đàn quốc tế; hướng dẫn cách thức đối phó với cơ quan Công an khi bị phát hiện.
Với thủ đoạn này, từ tháng 9/2020 đến nay, CHPC đã thu nạp được một số tín đồ tại các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng và Phú Yên.
Sa lưới
Sau một thời gian theo dõi và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an đã nắm được toàn bộ hoạt động của tổ chức CHPC cũng như hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng tham gia trong nước.
Qua mời làm việc với các đối tượng liên quan, lực lượng Công an đã phát hiện, thu giữ nhiều phương tiện, tài liệu thể hiện việc tham gia CHPC cũng như hoạt động tập huấn trực tuyến của các đối tượng.
Bên cạnh A Đảo, một trong những đối tượng cốt cán của CHPC trên địa bàn Đắk Lắk là Y Krếc Byă (hay còn gọi là Ama Guôn, SN 1978). Đây là đối tượng FULRO, từng bị xử phạt 8 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”.
Y Krếc tham gia CHPC với vai trò là thủ quỹ của Ban điều hành tạm thời. Từ tháng 3/2020 cho đến khi bị phát hiện, Y Krếc đã tích cực lôi kéo 15 người.
Ngoài ra còn có một số đối tượng khác tích cực tham gia phát triển CHPC trên địa bàn Đắk Lắk cũng bị sa lưới như Y Nuen Ayun (Ama Đawit, SN1967); Y Chới Bkrông (Ama HNal, SN 1972); Y Yuăn Byă (Ama HWôn, SN 1966).
Trong quá trình làm việc với cơ quan Công an, những đối tượng này khai nhận, được sự chỉ đạo từ A Ga và các đối tượng cầm đầu bên ngoài, đã đi tuyên truyền, vận động, lôi kéo những người thân trong gia đình, các tín đồ sinh hoạt đạo thuần túy nhẹ dạ cả tin khác trong buôn cùng tham gia.
Thủ đoạn lôi kéo của các đối tượng vẫn là những luận điệu cũ rích như về lâu dài sẽ thành lập “tôn giáo riêng, nhà nước riêng” cho người Tây Nguyên, và nếu sau này “Nhà nước Đêga” thành công, thì những người tham gia sẽ được chia đất đai, nhà cửa, tài sản, phong chức tước…
Các “nhóm lõi” của CHPC thường xuyên thu thập, làm “bản tường trình”, “báo cáo” xuyên tạc về tình hình tôn giáo, nhân quyền gửi cho phản động lưu vong, phản ánh sai lệch cho các tổ chức quốc tế, gây sức ép, làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngoài ra, những đối tượng này còn thừa nhận trục lợi cá nhân, “ăn chặn” và “tự chia tiền” từ số tiền mà các đối tượng phản động bên ngoài gửi về.
Với những bằng chứng rõ ràng, có thể khẳng định CHPC chính là một tổ chức phản động đội lốt tôn giáo để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Bởi vậy, mọi hoạt động liên quan đến tổ chức này đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, bà con dân tộc Jrai ở xã Chư Á, TP Pleiku đã có điểm sinh hoạt tín ngưỡng khang trang tại Nhà thờ Tin lành Plei Mơ Nú. (Nguồn: TTXVN) |
Thực tế, thời gian qua tại Tây Nguyên, đa số các chức sắc, tín đồ các tôn giáo được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo thuần túy, chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Các tổ chức, hệ phái này vẫn được tạo điều kiện để hoạt động ổn định. Tuy nhiên, các thế lực thù địch bên ngoài, nhất là số FULRO lưu vong vẫn tiếp tục vu cáo Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, nhưng bên cạnh đó cũng nghiêm cấm việc lợi dụng tôn giáo để xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Mỗi tín đồ tôn giáo bên cạnh việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cần phải thực hiện nghĩa vụ công dân của mình trên cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Luôn đề cao cảnh giác, mỗi chức sắc, tín đồ và người dân không nên tin, nghe theo các đối tượng lôi kéo tham gia vào các hoạt động tôn giáo đề chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật, đồng thời tích cực tố giác, phối hợp với chính quyền và lực lượng Công an các cấp ngăn chặn, góp phần loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” như CHPC ra khỏi cộng đồng.