Mỹ sẽ duy trì 'sự hiện diện quân sự nhỏ, liên tục' ở Somalia. (Nguồn: AFP) |
Hồi tháng 12/2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh rút quân khỏi Somalia sau nhiều năm quan hệ căng thẳng với Tổng thống của quốc gia châu Phi này, khi đó là ông Mohamed Abdullahi Farmajo.
Ông Abdullahi Farmajo đã bị các nhà lập pháp Somalia bỏ phiếu phế truất và người kế nhiệm lãnh đạo Somalia hiện là ông Hassan Sheikh Mohamud.
Theo truyền thông, việc Mỹ quyết định triển khai lại binh sĩ tới Somalia là một dấu hiệu rõ ràng về sự ủng hộ của Washington đối với tân Tổng thống Hassan Sheikh Mohamud.
Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ (Africom) thông báo, họ sẽ duy trì "sự hiện diện quân sự nhỏ, liên tục" ở Somalia. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh người dân quốc gia châu Phi phải hứng chịu nhiều hơn các cuộc tấn công Hồi giáo kể từ khi quân đội Washington rời đi.
Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi, số vụ tấn công của al-Shabab đã tăng từ 1.771 vụ lên 2.072 vụ trong năm 2021, sau khi Mỹ rút quân.
Tháng trước, các quan chức an ninh cho biết, khoảng 450 tay súng thuộc nhóm chiến binh Hồi giáo al-Shabab đã tấn công một căn cứ của Liên minh châu Phi ở miền Nam Somalia, khiến ít nhất 40 binh sĩ Burundi thiệt mạng.
Các chuyên gia của Liên hợp quốc đã mô tả al-Shabab là chi nhánh giàu có và quyền lực nhất của al-Qaeda. Họ ước tính lực lượng này có tới 12.000 người và khả năng tạo ra doanh thu hằng tháng khoảng 10 triệu USD.