Nhỏ Bình thường Lớn

Lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030

Chiều ngày 17/6, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Ngoại giao văn hóa lấy ý kiến về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 và xây dựng Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030.
undefined
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Ngoại giao văn hóa, chiều ngày 17/6. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban chỉ đạo Ngoại giao văn hóa của Bộ Ngoại giao.

Tại buổi họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang cho rằng, là một trong ba trụ cột quan trọng của ngoại giao toàn diện Việt Nam, trong một thập niên qua, kể từ khi Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 208/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/2/2011, công tác ngoại giao văn hóa đã được triển khai sâu rộng và ghi những dấu mốc đáng ghi nhận.

Những thành tựu đó trải dài cả về mặt lý luận, chính sách và triển khai trong thực tiễn của lĩnh vực hoạt động đối ngoại này. Việc xác định đúng và thông suốt về mặt lý luận, khái niệm, nội hàm, phương thức ngoại giao văn hóa đã giúp triển khai thành công trong thực tiễn.

Đồng thời, thực tiễn ngoại giao văn hóa trong một thập niên qua cũng giúp chúng ta kiểm nghiệm để rút ra những bài học sâu sắc hơn, góp phần nâng tầm hoạt động ngoại giao văn hóa ở giai đoạn tiếp theo.

Nhìn lại năm qua, tuy có nhiều sóng gió, thách thức chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, môi trường quốc tế phức tạp, song Việt Nam vẫn giữ vững được sự ổn định, kiểm soát dịch bệnh và phát triển đất nước, nâng cao uy tín, vị thế trên trường quốc tế.

Công tác đối ngoại, trong đó có ngoại giao văn hóa có những đóng góp thực chất, hiệu quả vào những thành công chung của đất nước, phát huy sức mạnh mềm, góp phần triển khai thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.

Thứ trưởng cho rằng, cuộc họp là dịp để các thành viên Ban chỉ đạo Ngoại giao văn hóa cùng nhìn nhận lại những kết quả đã làm được và chưa làm được trong việc thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 để có cơ sở trong việc xây dựng Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030.

Những ý kiến đóng góp của thành viên Ban chỉ đạo có tác động rất lớn trong xây dựng và triển khai hiện nhiệm vụ ngoại giao nói chung, giúp hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành đối ngoại tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo chiến lược Ngoại giao văn hóa
Toàn cuộc họp Ban chỉ đạo Ngoại giao văn hóa. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Các thành viên Ban chỉ đạo đều nhất trí và đánh giá dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 và xây dựng Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học và có chất lượng.

Dự thảo các báo cáo đã khái quát được tương đối toàn diện các kết quả đã đạt được của Chiến lược Ngoại giao văn hóa 2011 và đề ra được các mục tiêu, quan điểm và biện pháp triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030.

Các thành viên Ban chỉ đạo cũng đã có nhiều nhận xét, góp ý, đề xuất cụ thể về nội dung của các dự thảo báo cáo. Các thành viên cho rằng, cần bổ sung những đánh giá về tầm quan trọng, xác định rõ hơn những đóng góp của ngoại giao văn hóa trong phát triển đối ngoại, phát triển đất nước.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang đánh giá cao những ý kiến đóng góp của thành viên Ban chỉ đạo, khẳng định đây là cơ sở để tổ biên tập hoàn tất Báo cáo.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng tổng kết, cần nhìn nhận lại bối cảnh ra đời của Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến 2020, tổng kết những kết quả đạt được, xem xét những nội hàm phù hợp với tình hình hiện nay để có cơ sở xây dựng Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, phục vụ cho công tác ngoại giao văn hóa thời kỳ mới.

Trong thời gian tới sẽ là thời điểm thuận lợi để hướng tới việc đổi mới cách thức tổ chức, triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa Việt Nam trong một thập niên tiếp theo.

Chính vì vậy, các thành viên Ban chỉ đạo cần xem xét lại và xác định, ở giai đoạn mới, nội dung, phương thức tổ chức và cách thức thực hiện cũng sẽ cần được đổi mới và phù hợp hơn trong bối cảnh xã hội trong và ngoài nước đang có những đổi thay hằng ngày.

Do đó, tiếp cận vấn đề xây dựng chính sách ngoại giao văn hóa trên cơ sở có sự kế thừa nhưng phải sáng tạo, để khi triển khai trong thực tiễn đạt được hiệu quả cao hơn trong thập niên 2021 - 2030.

TIN LIÊN QUAN
Ngoại giao Văn hoá trong tình hình mới: Góc Quốc tế trên đường hoa Nguyễn Huệ năm Tân Sửu
Đối ngoại Việt Nam: Thúc đẩy, tạo lập điều kiện để mở rộng không gian phát triển, nâng cao vị thế đất nước
Thành tựu Ngoại giao Văn hóa góp phần phát huy sức mạnh mềm của Việt Nam
10 dấu ấn đối ngoại của Việt Nam năm 2020
Đối ngoại Việt Nam 2020: Bản lĩnh và tâm thế mới