Giá của cái mác kinh tế thị trường
Những người theo dõi tình hình Việt Nam, đặc biệt ở phương Tây, đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra sự đổi thay của đất nước đang chuyển mình hướng tới một nền kinh tế thị trường thực thụ. Kết hợp mô hình kinh tế của nhiều nước và hội nhập quốc tế nhanh chóng để theo kịp tốc độ toàn cầu hóa, Việt Nam đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mỗi năm một nhiều hơn và làm ngỡ ngàng các nhà kinh tế bảo thủ.
Mặc dù vậy, những áp lực cho một động cơ hướng tới nền kinh tế thị trường đầy tham vọng này có giá của nó. Vì cơ hội đến với giới doanh nghiệp càng nhiều thì sự an toàn cho người nghèo càng bị giảm đi. Việc làm và đất của cả người nông dân và người thành thị đều bị thay thế bởi các khách sạn và nhà máy do nước ngoài đầu tư, lao động thiếu kỹ năng, chăm sóc y tế không đồng đều, giao thông ùn tắc và không khí bị ô nghiễm ở các thành phố lớn đã lên tới mức nghiêm trọng.
Những bất bình đẳng trước đây vẫn tồn tại và bất bình đẳng mới vẫn phát sinh dù Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công nhận Việt Nam là một trong những nước hiếm có trên thế giới có tỷ lệ nghèo đói đang giảm.
Tương tự như Trung Quốc, Việt Nam đứng trước một loạt kiện cáo và những tuyên bố không có chứng cứ về vấn đề nền kinh tế thị trường. Ví dụ, Ấn Độ đưa một vài cuộc điều tra chống bán phá giá chống lại các sản phẩm của Việt Nam và áp dụng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng này. Tuy nhiên, giữa năm 2009, Ấn Độ đã chấp nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Thái Lan, mở đường cho Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ được ký kết.
Theo Bộ Công nghiệp Việt Nam, 26 nước, kể cả Australia, New Zealand, đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.
Tuy nhiên, EU và Mỹ - các nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn vẫn chưa công nhận điều này. Gần đây, EU đã gia hạn thuế chống bán phá giá đối với giầy mũ da của Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ áp đặt thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh của Việt Nam kể từ năm 2003 đã làm xuất khẩu giảm đáng kể. Hiện Việt Nam đang khởi động vụ kiện đầu tiên lên WTO đối với các biện pháp chống bán phá giá tôm của Mỹ lên các sản phẩm tôm của họ. Trước đây, họ đã phàn nàn về phương pháp gây tranh cãi của Mỹ khi tính thuế chống bán phá giá theo phương pháp "quy về 0" (zeroing). Phương pháp này đã bị các tòa án của WTO lên án nhiều lần và bị các thành viên của WTO bác bỏ.
Cơ hội đi kèm thách thức
Hai thập kỷ qua, những cú sốc kinh tế, những bất lợi và khắc nghiệt đã giúp Chính phủ Việt Nam đưa ra các cuộc cải cách toàn diện. Đất nước 86 triệu dân này đã đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm trên 7,3%, tăng mức thu nhập tính theo đầu người lên hơn 1.000 USD, mở 2 sàn giao dịch chứng khoán và gia nhập WTO. Số liệu GDP mới nhất của năm 2009 chứng tỏ khả năng hồi phục nhanh của Việt Nam từ cuộc suy thoái toàn cầu. Các nhà lãnh đạo phấn chấn, đặt mục tiêu tăng trưởng lên 6,5%-7% trong năm 2010.
Bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới hồi tháng 1, trong cuộc đối thoại với hơn 20 chủ tịch và giám đốc điều hành ở Davos, Thụy Sỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng cuộc suy thoái toàn cầu là một cơ hội thay đổi mạnh mẽ hơn là một thách thức.
Cơ hội không đến mà không có thách thức. Để đạt tốc độ tăng trưởng 7%, Thủ tướng Dũng đã chọn "cách thức linh hoạt" để chống lạm phát. Với gói kích thích trị giá 8 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 3,14% trong quý I/2009. Các biện pháp bao gồm trợ cấp để khuyến khích các ngân hàng cho vay. Tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói rằng chính phủ đang tập trung nhiều hơn vào tốc độ phát triển hơn là lạm phát. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, chính sách đã thay đổi, tập trung vào kiểm soát lạm phát hơn là thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn đang tăng mạnh.
Chính phủ đứng trước thách thức tìm các biện pháp để đối phó gánh nặng do tác động của gói kích thích năm 2009 gây ra. Để tạo ra các điều kiện cho một tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững và cân đối hơn trong những năm tới, đầu tháng 1/2010, Chính phủ cam kết sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ và tập trung vào ổn định kinh tế.
Hòa Bình(lược dịch)