📞

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2008: “Mở hàng” sàn giao dịch nông sản

22:09 | 13/12/2008
Với sự ra mắt Sàn giao dịch cà phê, lần đầu tiên Việt Nam có một sàn giao dịch nông sản. Đây là một điểm nhấn trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Lễ hội) lần 2, từ 10-14/12, do UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức.
Bà Tòng Thị Phóng, Bí thư TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội thăm Triển lãm - Hội chợ Cà phê tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần II - 2008.

Lễ hội với các hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi động, đậm đà bản sắc dân tộc cùng Hội chợ triển lãm 400 gian hàng, khai trương Sàn giao dịch cà phê... đã thu hút hàng vạn lượt công chúng và đông đảo doanh nhân.

 

Tôn vinh thương hiệu cà phê

 

Ngay từ ngày đầu Lễ hội, những dòng người đã tấp nập đổ về khu trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. Khắp thành phố, các tụ điểm văn hóa trình diễn nhiều chương trình nghệ thuật sôi động, mang đậm bản sắc Tây Nguyên, thu hút và gây ấn tượng mạnh đối với công chúng về hình ảnh thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

 

Triển lãm Cuộc thi Ảnh nghệ thuật về cà phê mang đến cho người xem cái nhìn xuyên suốt về những mùa vàng cà phê và cả nỗi nhọc nhằn, cay đắng của những người làm ra nó. Những chú voi rừng của đại ngàn Tây Nguyên đã hùng dũng xuất hiện trong đội hình Lễ hội đường phố diễu hành qua Biệt Điện của Cựu Hoàng Bảo Đại. Thật lãng mạn mà đầy tính hiện thực là Hội thi thả diều chủ đề Bay lên Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam. Sắc màu độc đáo của các dân tộc Ê Đê, Ba Na, Gia Rai… được thể hiện qua chương trình giao lưu nghệ thuật Giọng ca vàng Đắk LắK. 

 

Đan xen chương trình văn hóa nghệ thuật, các hoạt động Phố ẩm thực, Triển lãm Hội chợ cà phê, Lễ rước Linh cà phê tại đình Lạc Giao, Hội thi Nhà nông đua tài, các trò chơi dân gian và giải bóng chuyền bóng đá nông dân đã làm cho Lễ hội thực sự phong phú, sinh động.

Lễ hội cũng không quên cổ vũ, tôn vinh những nông dân đã vất vả hai sương một nắng để làm nên những hạt cà phê đem lại ngoại tệ mạnh cho đất nước...

 

Và phải “chăm sóc” thương hiệu    

 

Điểm nhấn của Lễ hội là hướng vào chiều sâu của việc xây dựng, gìn giữ và phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Tại Hội thảo Phát triển cà phê bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều tham luận đã gửi đến “vương quốc cà phê” này một thông điệp: Để giữ vững thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam, điều cốt lõi là phải giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm hạt cà phê nhân. Điều đó liên quan chặt chẽ tới khâu thu hoạch, cần vận động nông dân không thu hái khi hạt cà phê chưa chín; việc phơi khô cà phê phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật; phát triển diện tích trồng cà phê phải có quy hoạch hợp lý và tuân thủ theo quy hoạch, chú trọng đầu tư thâm canh nâng cao chất lượng.

 

Niên vụ 2007-2008 là vụ thứ ba liên tiếp ngành cà phê lập kỷ lục về giá trị xuất khẩu với kim ngạch đạt 2,08 tỷ USD. Tuy nhiên, theo TS. Đoàn Triệu Nhạn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, thật nguy hiểm nếu ồ ạt phát triển khi cà phê tăng giá (trên 42.000 đồng/kg), hàng vạn nông dân, hàng vạn gia đình vay vốn mở rộng diện tích cà phê sẽ rơi vào tình cảnh chồng chất nợ nần vì thị trường cà phê xuống giá chỉ còn phân nửa giá khi cao.  

 

Một điểm nhấn nữa là việc khai trương Sàn giao dịch cà phê - sàn giao dịch nông sản đầu tiên ở Việt Nam. Đây là nơi mua bán cà phê tính chuyên nghiệp cao, cập nhật thị trường cà phê thế giới, giao dịch thương mại công khai, minh bạch. Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê đã có dịp trao đổi với các chuyên gia của Tổ chức Cà phê Thế giới về tình hình và triển vọng của thị trường cà phê thế giới. Sàn giao dịch bao gồm hai sàn, một dành cho các doanh nghiệp đặt lệnh mua và một dành cho nông dân đặt lệnh bán.

 

Tiếp nối các hoạt động xúc tiến thương mại như Lễ hội, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Đắk Lắk đang tích cực phối hợp với Báo Thế Giới & Việt Nam – Bộ Ngoại giao triển khai Dự án xuất bản ấn phẩm đặc biệt xúc tiến kinh tế đối ngoại mang tên VPS. Ấn phẩm, dự kiến ra mắt vào năm 2009, tập trung giới thiệu, quảng bá bằng hình ảnh các thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam và Tây Nguyên đến 150 quốc gia, vùng lãnh thổ.

 

Lễ hội đã khép lại, nhưng dư âm vẫn còn lắng đọng như hương vị cà phê thơm ngon nổi tiếng của vùng đất này...

 

Bùi Quý Toản