📞

Lễ hội mùa Xuân

15:40 | 06/02/2014
“Đây là lần đầu tiên tôi dự Lễ hội này. Tôi thấy rất vui và cảm nhận được nét văn hóa truyền thống dân tộc của các bạn. Tôi được biết Lễ hội này là để tưởng nhớ một người anh hùng của các bạn.” Đây là cảm nhận của anh Roland người Đức, cho thấy Lễ hội Đống Đa đã và đang là điểm đến của du khách thập phương trong và ngoài nước.
Lễ hội Đống Đa diễn ra vào ngày mùng 5 Tết hàng năm.

Trong những lễ hội đầu Xuân, Lễ hội Đống Đa diễn ra vào ngày mùng 5 Tết hàng năm ngày càng có sức lan tỏa rộng. Lễ hội Đống Đa diễn ra tại hai nơi: Di tích lịch sử gò Đống Đa (Hà Nội) và Bảo tàng Quang Trung (Bình Định).

Nhân kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2014), Lễ hội Đống Đa Giáp Ngọ 2014 tại Hà Nội lại càng đặc biệt hơn khi nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo thành phố Hà Nội và các ban, ngành trực thuộc. Nhiều đoàn tế lễ của Hà Nội và các địa phương lân cận tới dâng hương, tưởng nhớ đến chiến công hiển hách đánh tan hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Từ ngày giải phóng Thủ đô năm 1954 đến nay, hàng năm Lễ hội được tổ chức đều đặn và quy mô ngày một lớn. Lễ hội thường gồm hai phần: phần lễ và phần hội.

Trong sắc Xuân rực rỡ đầu năm, phần lễ năm nay: Mở đầu là các nghi thức dâng hương, tế lễ, rước kiệu vua Quang Trung, rước rồng lửa của đội tế phường Quang Trung, Trung Liệt (Đống Đa); quận Hai Bà Trưng và Yên Tử (Quảng Ninh) đã diễn ra trong không gian lịch sử, thu hút đến lạ kỳ….Phần hội năm nay càng tưng bừng với những tiết mục đấu võ, cờ người cờ tướng, hát chầu văn, hát quan họ Bắc Ninh và chơi các trò chơi dân gian… để phục vụ khách đến dâng hương thưởng ngoạn và các du khách. Bà chủ tế Lê Thị Thanh Hằng của đoàn tế Tâm đức Thanh Hằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết cảm nhận: “Năm nay Lễ hội được tổ chức to hơn mọi năm, các Lãnh đạo từ thành phố, quận đến nhiều hơn năm ngoái. Vui lắm!”

Được biết, ở Bình Định tại Bảo tàng Quang Trung, Lễ hội kỷ niệm 225 chiến thắng Đống Đa - Tây Sơn cũng được tổ chức từ chiều mùng 4 với phần lễ long trọng như dâng hoa trước tượng đài Hoàng Đế Quang Trung, dâng hương tại điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, Lễ dâng hương tại Điện Tây sơn của Ban Tế lễ. Đặc biệt có vị Điển lễ đọc chúc văn ghi lại sự tích chiến công Ngọc Hồi- Đống Đa năm xưa. Đoàn đại biểu lãnh đạo trung ương, tỉnh Bình Định và nhân dân du khách dâng hương, tiến cúng lễ phẩm - sản vật của quê hương miền đất võ…. được tổ chức trang nghiêm.

Ngày mùng 5 Tết với phần hội sôi động, các màn biểu diễn trống trận và võ cổ truyền Tây Sơn như dựng lại khí thế hào hùng của nghĩa quân Tây Sơn. Tổ chức đua thuyền trên sông Kôn, bơi lội, thi nấu cơm, đánh cờ người, thi võ cùng nhiều chương trình nghệ thuật độc đáo mang đậm nét văn hóa Bình Định như hát bội, bài chòi…

Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn là lễ hội mang đậm niềm tự hòa dân tộc. Trong không khí linh thiêng đầy hào hùng ấy, Lễ hội càng có sức thu hút đến kỳ lạ khi mùa Xuân về./.

Minh Hòa