Lễ hội, đó là thời gian cho hai phần rất rõ rệt là lễ và hội. Trong lễ, người dân sẽ có nhiều nghi thức tôn giáo (cầu khấn, rước kiệu…). Có nơi sẽ bày biện hương án, thắp nhang cầu khấn, có nơi sẽ rước kiệu, rước các thánh vật... Trong hội, người dân sẽ vui chơi với những loại hình khác nhau từ các trò chơi dân gian (cờ người, giật phết...) đến các trò chơi hiện đại (ca nhạc, đố vui, các trò chơi mới...). Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động vui chơi sẽ bị ảnh hưởng bởi tính lễ trong từng lễ hội.
Tùy theo từng phong tục của mỗi địa phương, phần lễ và phần hội có thể giống cũng có thể khác nhau. Thông thường, với các lễ hội dân gian, mọi hoạt động sẽ có các nguồn gốc từ các điển tích lịch sử hoặc các phong tục tập quán địa phương.
Lễ hội cướp Phết Hiền Quan. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Lễ hội hiện nay thường nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Có người sẽ ủng hộ và nêu ý kiến nên duy trì lễ hội. Có người sẽ phản đối cho rằng, các lễ hội đó không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, lễ hội lại là nét văn hóa đặc trưng cần lưu giữ để con cháu ngàn đời nhớ về nguồn gốc tổ tiên và các nét văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, những lễ hội mang tính man rợ từ thuở dựng nước như lễ hội chém lợn, đâm trâu thì nên cải tiến theo dạng tượng trưng. Ví dụ, người dân có thể tạo ra con trâu, con lợn giả để tiến hành tục lệ đâm hoặc chém thì chắc chắn sẽ hiện đại và hợp với xu thế phát triển của thế giới hơn. Trong khi đó, những lễ hội vui như Giật phết vẫn nên lưu giữ nhưng cần có những quy định nghiêm ngặt để ngăn cản những tai nạn nguy hiểm có thể xảy ra.
Các hoạt động vui chơi giải trí trong lễ hội cũng nên có các quy định rõ ràng, tránh những hình ảnh xấu, gây bức xúc cho người dân như: hát karaoke quá to, quá khuya, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của cư dân xung quanh.
Trong thời buổi hội nhập, lễ hội chính là nét văn hóa thu hút khách du lịch và các hoạt động ngoại giao. Chính những hoạt động thú vị trong lễ hội sẽ làm giảm mọi căng thẳng (nếu có) và khiến người dân thế giới mong muốn xích lại gần nhau. Vì thế, hoạt động lễ hội luôn có giá trị rất lớn với mỗi quốc gia và mỗi nền văn hóa.
Tôi đã tham dự khá nhiều lễ hội ở các nước như lễ hội Bia ở Đức, lễ hội đón năm mới theo tục người Hoa ở Singapore. Họ cũng gặp các vấn đề giống như các lễ hội của ta như: đông người tham dự, vệ sinh khu vực lễ hội đôi khi không đảm bảo, quá đông phương tiện giao thông, một số gian hàng tăng giá theo lễ hội...
Lễ hội - ngoài việc đáp ứng nhu cầu của người dân còn gắn với ngoại giao văn hóa và quảng bá hình ảnh cùng những giá trị truyền thống của đất nước. (Nguồn: Baogiaothong) |
Để giải quyết các vấn đề này, họ thường có các quy định rất ngặt nghèo. Nếu trong trường hợp khách tham dự lễ hội không tuân thủ, họ sẽ bị tạm giữ hoặc đưa ra khỏi khu vực lễ hội. Những gian hàng có các hành động phi văn hóa sẽ bị đóng cửa ngay lập tức. Chính điều này đã khiến các lễ hội của họ trở nên vui tươi và hữu ích hơn, tránh được các hình ảnh xấu xí không đáng có.
Có rất nhiều ý tưởng sáng tạo tuyệt vời từ các lễ hội và mọi ý tưởng đều nên được xây dựng và tiến hành nếu nó phù hợp với pháp luật và phong tục địa phương. Ngoài ra, việc nâng cao ý thức hệ của người dân địa phương để họ tránh các hủ tục lạc hậu, có ý thức xây dựng hình ảnh đẹp trong lễ hội là việc rất nên làm. Tôi hi vọng các bạn trẻ có thể làm các startup về vấn đề này để lễ hội truyền thống của nước ta đẹp hơn, văn minh hơn.
Văn hóa là nhịp cầu kết nối, là sức mạnh mềm giữa các quốc gia. Thực tế, lễ hội ngoài việc đáp ứng nhu cầu của người dân còn gắn với ngoại giao văn hóa và quảng bá hình ảnh cùng những giá trị truyền thống của đất nước. Lễ hội đáp ứng những nhu cầu văn hóa của con người qua các nghi lễ, trò chơi, đồng thời có giá trị cao về văn hóa, du lịch cũng như có giá trị về kinh tế.
Tuy nhiên, lễ hội bao giờ cũng là thời điểm nhạy cảm về an ninh bởi là nơi tụ tập đông người. Vì thế, để lễ hội là sức mạnh mềm của mỗi quốc gia, chắc chắn chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ phải có nhiều quy định rõ ràng và thực hiện nghiêm cẩn.