Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm chụp ảnh cùng với các thành viên gia đình đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đây là hoạt động đầu tiên trong đợt sinh hoạt chính trị quan trọng gồm Hội nghị đối ngoại toàn quốc, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20 nhằm triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương, tỉnh Nam Định và thành phố Hà Nội, các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các thế hệ cán bộ ngoại giao lão thành, đại diện gia đình đồng chí Nguyễn Cơ Thạch và một số bạn bè, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, cán bộ của các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, cùng đông đảo cơ quan thông tấn, báo chí.
Mở đầu buổi lễ, Ban tổ chức trình chiếu trích đoạn bộ phim tài liệu "Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch - Người cộng sản kiên trung, nhà ngoại giao lỗi lạc" do Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương sản xuất năm 2021.
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 100 năm sinh đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Qua những hình ảnh phim tư liệu và chia sẻ của Lãnh đạo cấp cao, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và nguyên lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ, các đồng nghiệp... bộ phim khắc họa sinh động thân thế và sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch với hơn 60 năm hoạt động cách mạng sôi nổi và gần 40 năm công tác trong lĩnh vực đối ngoại.
Góp phần đổi mới tư duy đối ngoại
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, hơn 60 năm hoạt động cách mạng phong phú và sôi nổi, dù ở cương vị nào, lĩnh vực công tác nào, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, trọn đời phấn đấu, tận tụy phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân, cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc Đổi mới đất nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm sinh đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
“Thấm đượm chủ nghĩa yêu nước và truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nắm vững và vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, với bản lĩnh dạn dày và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, tư duy chiến lược sắc sảo, nhạy bén nắm bắt các xu thế của thời đại và quy luật phát triển của đất nước, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã góp phần quan trọng vào đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng ta tại các Đại hội VI và VII, đặt nền móng định hình đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và ban hành Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa VI, đánh dấu bước chuyển chiến lược trong đường lối đối ngoại, mà đến nay Đảng ta đã kế thừa, phát triển và hoàn thiện trong thời kỳ Đổi mới.
Đó là, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước.
Vị Bộ trưởng phá vây
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong giai đoạn đất nước bị bao vây, cấm vận với vô vàn khó khăn, trên cương vị “tư lệnh” ngành ngoại giao, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch luôn trăn trở, dành tâm huyết, trí tuệ và công sức cho cuộc đấu tranh cam go về phá thế bao vây, cấm vận.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, cùng với các đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Bộ Ngoại giao thời kỳ đó, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã đóng góp rất lớn vào việc giải quyết thành công vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với các nước lớn và các quốc gia trong khu vực, từ đó kiến tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Bà Phan Thị Phúc, phu nhân đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tạo đột phá về xây dựng ngành
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “cán bộ là gốc của mọi việc”, vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng về tổ chức - cán bộ vào điều kiện đặc thù của công tác đối ngoại, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã đặt nền móng cho xây dựng ngành ngoại giao Việt Nam thời kỳ Đổi mới.
Xác định cán bộ là yếu tố quyết định đối với thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, Đồng chí đặc biệt coi trọng xây dựng, đổi mới tổ chức bộ máy, phương pháp và lề lối làm việc, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ đối ngoại.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định: "Những đột phá về xây dựng ngành do đồng chí Nguyễn Cơ Thạch khởi xướng, chỉ đạo thực hiện đã tạo bước chuyển căn bản trong thực hiện chức năng tham mưu chiến lược và tổ chức thực hiện công tác đối ngoại của ngành ngoại giao; đồng thời, đặt nền móng vững chắc cho xây dựng ngành ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới".
Người cộng sản chân chính
Phát biểu thay mặt đồng chí đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch là tấm gương tiêu biểu của một cán bộ kiên cường, nhiệt tình, năng động trong công tác, không lùi bước trước những khó khăn, thách thức…
Trải qua nhiều lĩnh vực công tác khác nhau, dù trên cương vị nào, Đồng chí luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, với tinh thần tận tụy, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
PGS. TS. Lê Văn Lợi phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ông Nguyễn Văn Đắc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao, nguyên Vụ trưởng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ chia sẻ, ông và các đồng nghiệp cùng thời ấn tượng sâu sắc về đức tính cương trực, khảng khái, thẳng thắn, trọng danh dự và nhân ái của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch - người lãnh đạo nổi trội, tài năng.
Với giới chính khách và báo chí truyền thông quốc tế cũng như phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam, nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng rất nổi tiếng.
“Họ ngưỡng mộ và kính nể ông bởi nhận thấy ở ông sự thân thiện, cởi mở, hài hước, hóm hỉnh, kiến thức rộng, khả năng đối đáp, ứng biến mau lẹ, thể hiện hình mẫu người lãnh đạo bản lĩnh, ung dung tự tại. Ông có biệt tài thu phục nhân tâm, lôi cuốn hấp dẫn bên đối thoại ngay từ phút đầu gặp gỡ, nhanh chóng tạo thế chủ động khi trả lời phỏng vấn, tranh luận, đàm phán”, ông Đắc nhấn mạnh.
Đại diện gia đình phát biểu, Đại sứ Phạm Kiến Thiết bày tỏ lời cảm ơn chân thành sâu sắc đến Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao đã luôn quan tâm, ghi nhận và tri ân những đóng góp của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao, đồng thời tin tưởng Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục viết tiếp những trang sử vàng của nền ngoại giao hiện đại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại sứ Phạm Kiến Thiết chia sẻ: "Hôm nay, trong không gian trang trọng mà ấm cúng, thấy hình ảnh của người cha chúng tôi qua các thước phim tài liệu, diễn văn của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và phát biểu của các đại biểu, chúng tôi vô cùng bồi hồi, xúc động và thấy ông Nguyễn Cơ Thạch như đang sống và có mặt ở đây với chúng ta ngày hôm nay.
Trong gia đình, ông Nguyễn Cơ Thạch luôn là một người chồng, người cha, người ông mẫu mực, giản dị, chân thành, là tấm gương sáng để các con, cháu noi theo. Ông đã truyền cho chúng tôi tinh thần yêu nước nồng nàn, sự kiên định và lòng can đảm, ý chí phấn đấu, vươn lên, hết lòng phục vụ đất nước".
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang trao giải cho các cá nhân và tập thể đoạt giải cuộc thi Tìm hiểu về sự nghiệp cách mạng đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao Đoàn Tuấn Minh cho biết: Noi theo tấm gương của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, thanh niên ngoại giao luôn mong muốn đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp đối ngoại nói riêng và công cuộc phát triển đất nước nói chung.
Trên tinh thần đó, trong thời gian qua, Đoàn thanh niên Bộ đã triển khai nhiều hoạt động nhằm “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước” trong thanh niên, thúc đẩy phong trào tự học, đồng thời tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Trong dịp này, Ban tổ chức đã trao giải Cuộc thi tìm hiểu về sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch và tổ chức Lễ trao Học bổng Nguyễn Cơ Thạch cho những sinh viên xuất sắc của Học viện Ngoại giao.
Được trao Học bổng Nguyễn Cơ Thạch cho sinh viên đặc biệt xuất sắc, sinh viên Đặng Ngọc Phương, khóa 46, ngành Luật quốc tế, bày tỏ cảm xúc vui mừng, vinh dự và tự hào.
| | |
Theo Đặng Ngọc Phương, đây là nguồn động lực to lớn dành cho sinh viên tiếp tục trên con đường học tập và nghiên cứu khoa học, học hỏi khả năng lãnh đạo và học hỏi được các phẩm chất, tư tưởng, tầm nhìn của cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, cống hiến cho đất nước sau này.
Lễ kỷ niệm 100 năm sinh đồng chí Nguyễn Cơ Thạch góp phần tri ân thế hệ những nhà Ngoại giao lỗi lạc đi trước, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của ngành ngoại giao, góp phần tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ ngoại giao. Lễ kỷ niệm càng mang nhiều ý nghĩa khi được tổ chức ngay trước thềm Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20 trong tuần tới.
Chia sẻ bên lề Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, di sản Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch để lại cho ngành ngoại giao là hết sức to lớn, ý nghĩa và còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đó là những bài học toàn diện về quản lý, chính trị, tư duy, tầm nhìn chiến lược, cách xử lý các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng, cũng như ngoại giao đa phương lẫn ngoại giao song phương… |
Tiểu sử đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998). (Nguồn: Báo TG&VN) |