📞

Le lói kỳ vọng hòa bình ở Sudan

Hải Quân 11:48 | 11/07/2019
TGVN. Thỏa thuận đột phá giữa các lực lượng ở Sudan đã phá vỡ thế bế tắc chính trị, đồng thời mở ra tia hy vọng hòa bình tại quốc gia này. Tổng hợp và bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam. 
Hội đồng quân sự cầm quyền và Liên minh các nhóm đối lập ở Sudan đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực. (Nguồn: Reuters)

Ngày 5/7 vừa qua, thỏa thuận chia sẻ quyền lực mới đã được ký kết giữa Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan (TMC) và Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC) đối lập, mở ra khả năng hồi sinh thỏa thuận chuyển giao quyền lực một cách hòa bình kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất vào tháng 4/2019 sau 30 năm cầm quyền.

Vạn sự khởi đầu nan

Thỏa thuận chia sẻ quyền lực nói trên được đánh giá là nỗ lực kiến tạo hòa bình, không chỉ của Sudan, mà còn của cộng đồng quốc tế, khi hàng loạt căng thẳng giữa phong trào phản kháng và quân đội vẫn chưa có dấu hiệu xoa dịu sau các cuộc trấn áp của lực lượng chức năng nhằm vào người biểu tình tại Sudan.

Trong bối cảnh thế giới lo ngại cuộc khủng hoảng kéo dài có thể đẩy Sudan vào một cuộc nội chiến, từ sức ép của Mỹ và các đồng minh Arab, cùng vai trò hòa giải của Ethiopia, Liên minh châu Phi (AU) và Cơ quan phát triển liên chính phủ (IGAD), các phe phái ở Sudan đã chịu quay trở lại bàn thương thảo, nối lại đàm phán và đạt được thỏa thuận cho giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi. Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ kết thúc bất đồng giữa các lực lượng, đặt dấu chấm hết cho các cuộc biểu tình và đụng độ khiến hàng trăm người thiệt mạng trong thời gian qua.

Về chi tiết của thỏa thuận, giai đoạn chuyển giao của quá trình “phân chia quyền lực” giữa TMC và FFC đối lập sẽ kéo dài 3 năm 3 tháng. Theo đó, lực lượng quân sự sẽ đứng đầu Hội đồng tối cao trong 21 tháng đầu tiên, trong khi lực lượng dân sự sẽ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo trong 18 tháng còn lại. Ngoài ra, Liên minh đối lập FFC sẽ chỉ định Bộ trưởng nội các, và Hội đồng lập pháp sẽ được thành lập sau khi chỉ định Hội đồng tối cao và nội các.

Sau khi thông tin các phe phái thông qua thỏa thuận chia sẻ quyền lực chính thức được công bố, hàng nghìn người dân Sudan đã xuống đường để ăn mừng “hướng đi đúng đắn”. Mặc dù thành công này được coi là “vạn sự khởi đầu nan”, đây là bước đệm quan trọng trong giải quyết khủng hoảng ở Sudan, thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp quyền lực diễn ra hòa bình sau nhiều tháng hỗn loạn, kể từ khi các cuộc biểu tình tháng 12/2018 nổ ra.

Gian nan mong chẳng nản

Không chỉ người dân Sudan vui mừng trước thỏa thuận lịch sử mang tính đột phá này, cộng đồng quốc tế cũng hoan nghênh thỏa thuận chia sẻ quyền lực tại đây, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi phải chịu cảnh kinh tế bị tàn phá và tràn ngập tham nhũng sau 30 năm cầm quyền của Tổng thống Omar al-Bashir.

Đánh giá về thỏa thuận đã đạt được, Thủ lĩnh FFC trả lời Reuters rằng, bước đi này mở đường cho việc thành lập các thể chế của một chính quyền chuyển tiếp và đây sẽ là thời điểm bắt đầu một kỉ nguyên mới. Trong khi đó, Phó chỉ huy TMC Mohamed Hamdan Dagalo khẳng định, đây là một thỏa thuận toàn diện.

Ca ngợi tinh thần tích cực và xây dựng của tất cả các phong trào chính trị và dân sự ở Sudan nhằm đạt được sự đồng thuận quan trọng, Tổng thư ký Liên đoàn các quốc gia Arab Ahmed Aboul Gheit bày tỏ tin tưởng vào khả năng của các bên ở Sudan trong việc hoàn thành quá trình chuyển đổi dân chủ và an toàn.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ trong một thông cáo mới đây đã gọi thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở Sudan trong vòng 3 năm tới là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, đồng thời là Đặc phái viên của nước này tại châu Phi Tibor Nagy nhận định, quá trình thực hiện giai đoạn chuyển tiếp vẫn tiềm ẩn khả năng các lực lượng khác tại Sudan có ý định phá hoại thỏa thuận. “Hiện tại, có những ‘kẻ phá hoại’ tiềm năng ở cả hai bên và bao gồm cả những người ủng hộ chế độ cũ của Tổng thống bị phế truất Omar al-Bashir”, ông Nagy cho hay.

Nhận xét này là có phần xác đáng bởi xét cho cùng, thỏa thuận chuyển giao quyền lực mới chỉ là sự khởi đầu cho một chặng đường dài và khó khăn phía trước. Sự hợp tác và thực hiện nghiêm túc của tất cả các bên liên quan, chung tay vực dậy nền kinh tế vốn bị tàn phá bởi tham nhũng, khôi phục vị thế của Khartoum… là cần thiết để thực sự mở ra một “kỷ nguyên mới” cho quốc gia châu Phi này.