Back to E-magazine
e magazine
06:58 | 29/05/2023
Lê Yến Hoàng Anh và ước mơ 'gây nghiện' người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm

06:58 | 29/05/2023

Tôi và nhóm năm bạn học, dù chỉ một lần tới Copenhagen, nhưng có đến mấy lần ngồi trò chuyện với chị Anh Lê (Lê Yến Hoàng Anh) - tác giả sách, đầu bếp, người dạy nấu ăn rất nổi tiếng trên truyền hình quốc gia Đan Mạch.
Lê Yến Hoàng Anh và ước mơ 'gây nghiện' cho người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm
Lê Yến Hoàng Anh và ước mơ 'gây nghiện' cho người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm

Đầu bếp Anh Lê và ước mơ “gây nghiện” cho người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm
Lê Yến Hoàng Anh và ước mơ 'gây nghiện' người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm

Thành công của chuỗi nhà hàng LêLê từng nổi tiếng như một “huyền thoại” trên các phương tiện truyền thông ở Copenhagen. Song, con đường đến thành công không phải lúc nào cũng suôn sẻ, phải không chị?

Năm 1979, gia đình tôi gồm sáu người đến Đan Mạch không có gì ngoài vài bộ quần áo. Khi ấy, Đan Mạch có khác nhưng con người đều giống nhau ở chỗ: nghèo nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Cha mẹ tôi hòa nhập nhanh chóng và sau sáu năm, mẹ tôi đã hoàn thành khóa đào tạo trở thành đầu bếp ở Đan Mạch. Ông bà mở một cửa hàng bán đồ ăn nhanh kiểu châu Á vào năm 1986. Vì không thể tìm được nhân viên nên cứ hết giờ học, bốn anh chị em tôi phụ giúp công việc tại nhà hàng và cứ như vậy suốt gần 17 năm sau đó.

Khoảng thời gian từ năm 1992 đến năm 2002, anh chị em tôi đã sống và trải nghiệm ở Mỹ, Pháp và Việt Nam. Chúng tôi đi tìm kiếm cội nguồn và cuối cùng cả bốn người quyết định mở một nhà hàng ở Copenhagen vào năm 2003 để kể câu chuyện của mình: thỏa mãn niềm đam mê ẩm thực Việt và giới thiệu cho người ở xứ sở Scandinavia biết về sự khác biệt của ẩm thực Việt so với các nền ẩm thực khác.

Ngay từ ngày đầu tiên, nhà hàng chật kín chỗ và người Copenhagen rất thích đồ ăn của chúng tôi. Cho tới lúc đó, họ mới chỉ biết đến đồ ăn Thái, Nhật Bản.

Chúng tôi chọn tên LêLê cho nhà hàng vì cha tôi họ Lê. Tuy vậy, ý nghĩa nhất chính là LêLê gồm bốn chữ cái là bốn anh em ruột. Hai chiếc mũ trên chữ ‘ê’ là cha mẹ. Trong chữ Nho hay tiếng Hán cổ, dấu mũ trên chữ ê có nghĩa là mái nhà, là cha mẹ. Vì vậy, LêLê là gia đình của bốn anh chị em và cha mẹ.

Từ năm 2003 đến 2018, chúng tôi đã phát triển 11 nhà hàng với các mô hình khác nhau như thức ăn đường phố, đồ ăn mang đi, cửa hàng bánh mì và nhà hàng cao cấp với rượu vang và cocktail nổi tiếng có tên Huế Kitchen (nhà hàng này rộng 600 m2 với 250 chỗ ngồi), một xưởng bếp, chuyên cung cấp salad và đồ ăn nóng cho siêu thị, hệ thống cửa hàng 7Eleven và nhượng quyền thương hiệu cho một công ty Pháp với 200 nhân viên.

Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ và tin tưởng lẫn nhau. Dũng, anh cả của tôi, là người có học thức, giỏi về rượu, cocktail và quản lý hệ thống phục vụ. Sơn, anh hai, được đào tạo tại trường thiết kế của Đan Mạch và phụ trách khâu thiết kế cho LêLê, cả logo và trang trí tất cả các nhà hàng. Lâm, em út, làm quản lý hành chính và tôi chịu trách nhiệm về nguồn thực phẩm và khâu tiếp thị. Mẹ tôi luôn nói: “Các con như cái bàn. Bàn không thể đứng bằng một, hai hay ba chân mà chỉ có thể đứng bằng bốn chân”.

Kể từ đó, chúng tôi giới thiệu cho người Scandinavia cách ăn món Việt theo kiểu hiện đại. Chúng tôi làm việc chăm chỉ như khi gia đình mới đến Đan Mạch với hai bàn tay trắng và phải xây dựng lại cuộc sống mới. Khi đó, điều quan trọng là phải xây dựng được một chốn mà mình thuộc về, xây dựng mạng lưới làm việc và bạn bè, nhưng quan trọng nhất vẫn là phải có thứ gì đó để lại cho con cái và cha mẹ (giống những thứ mà cha mẹ đã trao cho).

Đầu bếp Anh Lê và ước mơ “gây nghiện” cho người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm
Mẹ chị Anh Lê và cửa hàng của gia đình từ những ngày đầu.
Đầu bếp Anh Lê và ước mơ “gây nghiện” cho người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm
Một trong những cửa hàng thuộc chuỗi thương hiệu LêLê.

Vào năm 2018, quyết tâm phát triển, muốn bán công ty đi và cần một người chuyên nghiệp để giúp về việc này, chúng tôi đã thuê một giám đốc điều hành người Đan Mạch và sau một năm, anh ta đã nắm giữ một số lượng phần trăm cổ phần nhất định. Không ngờ sau đó, lòng tham bắt đầu nhen nhóm, giám đốc điều hành biển thủ tiền mặt, chi tiêu cho các dự án riêng, đi du lịch, nghỉ mát và không đóng thuế cho công ty.

Sau đó, công ty phá sản. Một nhà đầu tư đã cứu công ty và khoảng 90 nhân viên khỏi mất việc. Tuy vậy, tháng 12 năm 2019, chúng tôi cũng không còn là thành viên của LêLê nữa bởi tầm nhìn không giống với nhà đầu tư. Một lần nữa, anh em tôi lại trắng tay, không còn gì ngoài kinh nghiệm làm việc và gia đình.

Giai đoạn đó thật khó khăn. Bị đánh gục, mất đi tất cả thành quả lao động chăm chỉ 40 năm ở Đan Mạch chỉ vì đặt niềm tin sai chỗ, suốt một năm trời, anh chị em tôi giận nhau và không ngừng trách mình quá ngây thơ.

Cho đến khi cha mẹ nói với chúng tôi: “Hãy luôn hướng về phía trước với niềm hy vọng. Vật chất hay tiền bạc không quan trọng bằng việc tất cả chúng ta đều có sức khỏe tốt và luôn bên nhau; cảm nhận hạnh phúc từ những điều tốt đẹp nhỏ bé trong cuộc sống. Những thứ khác có thể đến như một phần thưởng thêm”.

Cha mẹ tôi đã đúng. Lần đầu tiên sau 20 năm anh em tôi mới ngồi lại cùng nhau nói cười. Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ nên đôi lúc ít dành thời gian cho nhau. Tiền đã không mua được hạnh phúc.

Giờ đây, chúng tôi mở nhà hàng riêng, bớt công việc, hỗ trợ nhau và dành thời gian cho những điều nhỏ nhặt thú vị. Khó khăn đã làm cho chúng tôi mạnh mẽ hơn.

Đầu bếp Anh Lê và ước mơ “gây nghiện” cho người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm
Đầu bếp Anh Lê và ước mơ “gây nghiện” cho người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm
Những cuốn sách của Anh Lê là bí kíp nấu ăn của nhiều phụ nữ Đan Mạch.

Chị đã viết bao nhiêu cuốn sách dạy nấu món ăn Việt Nam bằng tiếng Đan Mạch? Độc giả phản hồi về sách thế nào?

Tôi đã viết ba cuốn sách dạy nấu ăn: LêLês Gadekoekken (các món ăn đường phố), LêLês Groenne Koekken (Nhà bếp xanh) và LêLês Urtekoekken (Bếp thảo mộc). Tôi cũng đồng tác giả với ba người khác trong cuốn Nấu ăn theo khí hậu với một số đầu bếp giỏi nhất ở đây. Cuốn sách gần đây nhất vào năm 2018 là cùng với Công chúa Marie Sophie Frederikke Dagmar và các đầu bếp sành sỏi của Đan Mạch.

Đó là những cuốn sách bán chạy nhất ở Nhà xuất bản Gyldendal. Công thức nấu các món Việt của tôi đưa ra giúp bất kỳ gia đình nào ở Đan Mạch cũng có thể tự làm và đó là lý do tại sao tôi là đầu bếp xuất hiện thường xuyên trong vòng sáu năm trên đài truyền hình quốc gia Đan Mạch.

Đầu bếp Anh Lê và ước mơ “gây nghiện” cho người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm

Đầu bếp Anh Lê và ước mơ “gây nghiện” cho người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm

Ẩm thực Việt Nam hiện đã được nhiều người Scandinavia biết đến.
Lê Yến Hoàng Anh và ước mơ 'gây nghiện' cho người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm

Chị nghĩ gì khi giới thiệu món ăn Việt Nam ở Đan Mạch?

Gia đình tôi chính là những người đầu tiên giới thiệu món ăn Việt ở xứ Scandinavia. Trước đó, muốn ăn những món này, người ta phải đến Paris hay các thành phố lớn ở Mỹ. Tìm món Việt ở Scandinavia hồi năm 2003 giống như đi tìm nhà hàng ở trong rừng vậy.

Ban đầu, thật khó để giải thích cho người Đan Mạch nước mắm nguyên chất là gì và tại sao họ nên ăn kèm rau thơm, bởi khi ấy, rau thơm khá đắt đỏ và hầu hết các nhà hàng ở đây đều chỉ phục vụ các món như bít tết và khoai tây chiên. Dù vậy, chúng tôi đã giới thiệu về gỏi cuốn, phở, cà ri gà và bún thịt nướng bằng tất cả niềm say mê.

Thời điểm khủng hoảng kinh tế năm 2008, chúng tôi tạo ra dòng thực phẩm Việt bán mang đi bao gồm chả giò, gỏi cuốn, hoành thánh... Năm 2010, chúng tôi giới thiệu ẩm thực Huế kết hợp với cocktail và rượu vang. Năm 2016 là cửa hàng bánh mì và bánh bao Việt ở siêu thị và sân bay Copenhagen.

Phải mất gần 20 năm người Đan Mạch mới quen với thức ăn Việt Nam ở các phong cách khác nhau: từ món ăn đường phố, cho đến ẩm thực cao cấp hoàng gia ở Huế. Công việc này thực sự khó khăn. Chúng tôi phải xuất hiện nhiều trên các chương trình truyền hình, viết sách, hướng dẫn cách ăn, kể chuyện về các món Việt ở nhà hàng.

Năm 2012, khi dẫn chương trình ẩm thực “Eat Vietnam” trên truyền hình, tôi đã thực hiện sáu tập kể về hành trình đi Sài Gòn, Hà Nội và Phú Quốc để giới thiệu về ẩm thực và con người ở đó. Chương trình này sau đó đã được chiếu ở Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Iceland.

Khi giới thiệu món ăn cho người Scandinavia chính là lúc anh chị em chúng tôi kể câu chuyện của mình với niềm tự hào về cội nguồn và văn hóa Việt Nam.

Lê Yến Hoàng Anh và ước mơ 'gây nghiện' cho người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm
Chị Anh Lê, những người bạn Hoàng gia và cuốn sách viết cùng Công chúa Marie.
Đầu bếp Anh Lê và ước mơ “gây nghiện” cho người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm

Đâu là nguyên liệu khiến món ăn của chị luôn thuần Việt?

Sống ở xứ lạnh, không phải lúc nào bạn cũng có được những nguyên liệu hay sản phẩm của Việt Nam. Với tôi, khi tận dụng được các sản phẩm địa phương kết hợp với nước mắm và rau thơm, món ăn đó đã trở thành món Việt.

Nếu tôi nhập cá đông lạnh Việt Nam để làm canh chua trong khi ở đây có rất nhiều cá tươi của Đan Mạch thì không hợp lý. Tuy nhiên, nước mắm thì chắc chắn phải nhập từ Thanh Hà ở Phú Quốc.

Các công thức nấu ăn đều do bà tôi từ Hà Nội và mẹ tôi từ Sài Gòn truyền lại.

Chị có kế hoạch phát triển các món ăn Việt Nam trong tương lai không?

Tôi không định phát triển thêm các món ăn Việt Nam vì tôi đã dành 20 năm để giới thiệu các món ăn đó cho người Đan Mạch. Bây giờ là lúc thu hoạch thành quả lao động vất vả trước đây. Tôi vừa mở lại cửa hàng bánh mì Việt Nam và sẽ thực hiện ước mơ làm cho người Đan Mạch “nghiện” món khoái khẩu mà tôi mơ ước được ăn hàng ngày: đó là món bún đậu mắm tôm đúng như hương vị ở Hà Nội.

Hẳn là trong chị nhiều cảm xúc về Việt Nam lắm!

Đầu bếp Anh Lê và ước mơ “gây nghiện” cho người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm
Anh Lê thường nhớ về những ký ức hạnh phúc những năm
1995-1997, khi chị trở về TP. Hồ Chí Minh tìm lại gốc gác của mình.

Tôi đã đi du lịch và làm việc nhiều nơi trên thế giới: ở Mỹ là New York, Washington D.C., Los Angeles, rồi Pháp, Thụy Sỹ và Đan Mạch. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng hai năm hạnh phúc nhất trong cuộc đời là ở TP. Hồ Chí Minh, từ năm 1995 đến năm 1997. Mục tiêu của tôi trong năm năm tới, khi con trai được 18 tuổi, tôi muốn sống nhiều hơn ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Lạt.

Trong 45 năm qua, tôi tìm kiếm cội nguồn của mình bằng cách sống ở nhiều quốc gia khác nhau. Cả đời mình, tôi đã từng thấy những người Viking cao lớn, gặp gỡ những người có màu da khác nhau nâu, đen và đỏ và thử đồ ăn của họ. Tôi học hỏi nhiều điều từ các nền văn hóa, và có những trải nghiệm vui vẻ ở các thành phố khác nhau. Song, cuối cùng, khi soi gương, tôi vẫn nhìn thấy một phụ nữ Á Đông. Khi nghĩ về quá khứ, những kỷ niệm trở lại đầu tiên trong tôi vẫn là năm năm đầu đời với phố phường TP. Hồ Chí Minh, đồng lúa xanh Sông Bé và ngôn từ của ông bà. Những món ngon mà tôi thèm được ăn nhất, kể cả trong giấc mơ của mình, chính là món Việt.

Có lần, khi tôi bị mắc kẹt trong một mùa Đông lạnh giá ở Warsaw, Ba Lan. Khi đó là năm 1999, tôi đang làm tiếp viên hàng không của hãng Swiss Air. Đi loanh quanh trong khu phố lớn chỉ trong vòng 30 phút, tôi rất vui khi thấy rất nhiều quầy hàng ở đó đều do người Việt Nam làm chủ. Dù đi khắp nơi trên thế giới, tôi vẫn luôn dõi tìm nhà hàng Việt Nam ở nơi mình đến. Có lẽ đó là vì, niềm khao khát Việt Nam luôn hiện hữu trong tôi.

Đầu bếp Anh Lê và ước mơ “gây nghiện” cho người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm
Cửa hàng Bánh mì CPH mà chị Anh Lê vừa khai trương chuyên phục vụ món bánh mì kiểu Việt Nam luôn đông khách.
Đầu bếp Anh Lê và ước mơ “gây nghiện” cho người Đan Mạch bằng món bún đậu mắm tôm
Mỗi lần chúng tôi ngồi với nhau là những tiếng cười dường như bất tận.

Thực hiện: Thành Châu

Nguồn ảnh và video: CNA, Anh Lê, Thành Châu

Thiết kế: Nguyễn Hồng

Đọc thêm

65 năm kết nối kiều bào với đất nước: Nhìn lại hôm qua, hướng đến ngày mai

65 năm kết nối kiều bào với đất nước: Nhìn lại hôm qua, hướng đến ngày mai

Là Trưởng Ban Việt kiều Trung ương (VKTW) cuối cùng và là Chủ nhiệm đầu tiên của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), tôi ghi lại trong bài viết này những sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn chuyển tiếp từ Ban VKTW sang Ủy ban về NVNONN để từ đó cùng nhìn về tương lai.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Sydney, Australia

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Sydney, Australia

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đánh giá cao các hội đoàn người Việt tại Australia có nhiều hoạt động hướng về quê hương đất nước, đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và đoàn kết dân tộc.
Nguyên vẹn những kỷ niệm đẹp và ý nghĩa

Nguyên vẹn những kỷ niệm đẹp và ý nghĩa

Gần 20 năm đã qua, trong ký ức tôi vẫn nguyên vẹn rất nhiều những kỷ niệm đẹp và đầy ý nghĩa. Tôi vẫn rất nhớ không khí hồ hởi, phấn khởi của gần 1.000 kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về dự Tết 2007- Xuân Quê hương lần đầu tiên...
Hoạt động ý nghĩa của Bệnh viện dã chiến Việt Nam tại Nam Sudan

Hoạt động ý nghĩa của Bệnh viện dã chiến Việt Nam tại Nam Sudan

Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 (BVDC2.6) của Việt Nam đã có hoạt động dân sự - quân sự (CIMIC) đầy ý nghĩa tại Bệnh viện Bentiu, bang Unity, Nam Sudan
Đội Công binh tích cực hoạt động dân vận chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Đội Công binh tích cực hoạt động dân vận chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Đội Công binh số 3 đã tổ chức lực lượng, phương tiện làm sân bóng đá, san sửa đường vào Bệnh viện không biên giới, đường vào Giáo sứ và Bệnh viện Abyie, vận chuyển đất và san gạt nền nhà Đài truyền thanh Abyie.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng thăm cộng đồng người Việt tại New Caledonia

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng thăm cộng đồng người Việt tại New Caledonia

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng bày tỏ vui mừng khi thấy cộng đồng người Việt ở New Caledonia đã hội nhập tốt, sống hài hòa thân thiện với người dân địa phương.