📞

Lebanon: Lối thoát nào cho thảm họa nhân đạo và khủng hoảng tài chính trầm trọng?

Trường Phan 15:00 | 31/01/2021
TGVN. Lebanon đang đắm chìm trong cuộc khủng hoảng kép tồi tệ kéo dài đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Lebanon là nơi sinh sống của 1,6 triệu gia đình tị nạn Syria và Palestine; xã hội và nhà nước có sự phân hóa sâu sắc theo các đường lối tôn giáo và giáo phái khác nhau.

Đặc biệt trong cơ cấu quốc hội, Hezbollah là một trong những đảng lớn nhất, và duy trì một đội quân lớn hơn cả Lực lượng vũ trang Lebanon. Trong khi đó, thành phố cảng Beirut vẫn đang chưa hết bàng hoàng từ vụ nổ thảm họa tháng 8/2020 khiến hàng trăm người thiệt mạng và điêu đứng.

Lebanon rất cần một cuộc giải cứu nhân đạo toàn cầu, nhưng đó sẽ là một nhiệm vụ đầy thách thức. (Nguồn: National Interest)

Khủng hoảng tài chính trầm trọng

Lebanon hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống sâu sắc. Hệ thống ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương và quỹ dự trữ tiền tệ quốc gia đều đã sụp đổ.

Các ngân hàng nhấn mạnh rằng tiền gửi bằng đồng USD là cách tốt nhất để bảo vệ tài sản của người dân, nhưng giờ đây ngân hàng thậm chí còn không có tiền USD để thực hiện những cam kết đó.

Ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục hoạt động nhưng thiếu nguồn ngoại tệ để đáp ứng các khoản giải ngân cho các ngân hàng thương mại trên khắp cả nước.

Lebanon hiện đã vỡ nợ hơn 42 tỷ USD, cả tiền gốc và lãi đối với các trái phiếu Euro theo tỷ giá đồng USD. Đồng Lira (L) - đơn vị tiền tệ sử dụng tại Lebanon đã sụt giảm tỷ giá chính thức chỉ còn 1 USD = 1.500L, trong khi tỷ giá thị trường chợ đen là 1USD = 9.000L. Dự trữ tiền tệ của ngân hàng trung ương gần bằng không.

Trong một báo cáo của Tổ chức bảo vệ các nền dân chủ phi đảng phái vào đầu năm nay do nhà báo James Rickards (tạp chí National Interests) ước tính, chi phí cho một gói cứu trợ của hệ thống tài chính Lebanon hiện nằm vào khoảng 100 tỷ USD.

Tuy nhiên, con số khổng lồ đó chỉ mang tính chất lý thuyết, vì với tình hình hiện tại không thể xoay sở gói cứu trợ nào ở mức độ lớn như vậy khi kinh tế thế giới đang bị đại dịch Covid-19 vây hãm.

Mặc khác, nếu có thể huy động được số tiền lớn như vậy, căn cứ vào tình hình phân hóa xã hội và chính trị của Lebanon thì việc cứu trợ hoặc giải vây kinh tế rất khó đến từng người dân.

Khả năng cứu trợ quốc tế mong manh

Nhiều chuyên gia nhận định, Lebanon hiện đang nằm ngoài kịch bản cứu trợ của các tổ chức tài chính lớn trên thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Do đó, nước này đang trong tình cảnh bi đát hơn bao giờ hết.

Thật không may, cuộc đại khủng hoảng này sẽ không chỉ giới hạn trong hệ thống tài chính và còn ảnh hưởng liên đới đến các mặt khác của đất nước. Năng lực thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của Lebanon được đánh giá ở mức thấp, ngành xuất khẩu còn nhiều hạn chế và ngành du lịch cũng chưa có nhiều thành tựu nổi bật.

Khi nguồn dự trữ cạn kiệt, đất nước sẽ không thể chi trả các khoản phúc lợi xã hội và chế độ lương bổng. Thật vậy, Lebanon đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể còn tồi tệ hơn cả việc tàn sát dân thường trong cuộc nội chiến Syria hay cuộc diệt chủng Rwanda năm 1994. Hiện có khoảng 6 triệu sinh mạng đang bị đe dọa bởi nạn đói trên khắp cả nước.

Chắc chắn ngay lúc này, Lebanon rất cần một cuộc giải cứu nhân đạo toàn cầu, nhưng đó sẽ là một nhiệm vụ đầy thách thức. Các gói cứu trợ có thể bị ảnh hưởng bởi khoảng trống quyền lực chính trị, và sự biến động từ các vụ tranh chấp của các giáo phái, lực lượng đối lập, thậm chí có thể là sự can thiệp từ các thế lực thù địch bên ngoài. Trong trường hợp xấu nhất, dân thường sẽ bị cuốn vào làn đạn của một cuộc nội chiến Lebanon mới .

Vàng – "vị cứu tinh"?

May mắn thay, vẫn có một giải pháp cho những khủng hoảng tài chính của Lebanon có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Hiện Lebanon có một khoản tài sản tiền tệ còn lại chính là vàng ròng. Đất nước này có hơn 285 tấn vàng thỏi, trị giá 78 tỷ USD theo giá hiện hành. Lebanon có thể thành lập một ngân hàng mới theo luật của Vương quốc Anh, vốn hóa 10 tỷ USD vàng của mình tại ngân hàng nước ngoài để trấn an các nhà đầu tư. Tiếp đó, chi thêm 10 tỷ USD có thể được huy động dưới dạng cổ phiếu ưu đãi, được bảo đảm bằng vàng. Trên cơ sở vốn 20 tỷ USD, ngân hàng có thể huy động tới 100 tỷ USD thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Ngân hàng mới này sẽ thay thế vai trò của ngân hàng trung ương Lebanon hiện tại. Hội đồng quản trị sẽ bao gồm giới tinh hoa tài chính toàn cầu và các chuyên gia Lebanon không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng. Đồng Lira sẽ bị rút ngắn mất giá ở mức 1USD = 10.000L theo tỷ giá chính thức và được cố định tỷ giá đó bằng cách sử dụng bảng tiền tệ tương tự như của Hong Kong.

Các ngân hàng hiện tại sẽ chuyển tiền gửi USD sang tiền gửi nội tệ. Các khoản tín dụng có thể dùng để giải quyết và hỗ trợ nhập khẩu thực phẩm và năng lượng. Đồng tiền giảm giá sẽ tạo nền tảng cho sự tăng trưởng của lĩnh vực xuất khẩu.

Với bảng cân đối kế toán, hầu hết các ngân hàng địa phương của Lebanon sẽ cần phải giải thể. Các khoản tiền gửi và tài sản có giá trị của họ sẽ được chuyển đến một vài ngân hàng còn tồn tại để phục vụ nhu cầu ngân hàng của Lebanon. Việc nhận được thanh khoản từ ngân hàng mới sẽ phụ thuộc vào tính minh bạch, chấm dứt khủng hoảng tài chính và quản trị ngân hàng dựa trên các thông lệ có hiệu lực nhất.

Nếu kịch bản tài chính trên diễn ra suôn sẻ, việc cải cách hệ thống tài chính Lebanon sẽ mở ra cánh cửa cho cái khoản ngân sách từ IMF và các tổ chức cho vay trên thế giới đổ tiền vào Lebanon. Cuộc khủng hoảng tài chính sẽ được giảm thiểu, ngay cả khi khu vực tài chính hiện tại đang trong tình trạng đóng băng.

(theo International Interest)